Thứ Bảy, 05/12/2009 15:47

Chỉnh lại dòng vốn

Kết thúc phiên họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng đã phê phán các cơ quan quản lý để tình trạng lộn xộn trên sàn vàng và yêu cầu sớm có quy chế đưa hoạt động này (nếu cho tồn tại) vào khuôn khổ. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã trình Chính phủ hai phương án: dừng hoạt động sàn vàng vì không phục vụ lợi ích nhu cầu về đời sống; hoặc cho sàn vàng hoạt động nhưng nâng tỷ lệ ký quỹ lên tới 100%.

Dự thảo quy chế sàn giao dịch vàng đã điều chỉnh và sửa chữa đến 11 lần, song vẫn cứ liên tục lỗi hẹn ban hành. Theo quan điểm của giới chuyên môn, các bộ, ngành cần thống nhất quản lý và cấp phép sàn vàng, chỉ nên tập trung vào đầu mối là NHNN. Nếu NHNN là cơ quan quản lý và cấp phép thì cần ban hành luật chơi chung, đặc biệt là tỷ lệ ký quỹ, chủ sàn phải bảo đảm NĐT tránh được rủi ro khi tỷ giá biến động; quy định chủ sàn vàng phải có năng lực tài chính đủ mạnh để phòng khi kinh doanh thua lỗ, số vàng hoặc tiền cho vay phải có sẵn trong kho. Các DN kinh doanh vàng muốn mở sàn vàng sẽ liên kết với ngân hàng, trách nhiệm quản lý tiền, vàng và chi trả cho NĐT thuộc về ngân hàng.

Bình luận về câu chuyện này, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính tiền tệ cho biết, NHNN đã "mất điểm". Mất điểm ở đây là sự chần chừ trong quản lý và ban hành chính sách. Đúng là chưa có phân định rạch ròi về chức năng, bộ, ngành nào quản lý sàn vàng, nhưng do đây là lĩnh vực liên quan mật thiết đến ngân hàng và tiền tệ, nên để Bộ Công Thương vào cuộc e không mấy ổn. Hơn nữa, các sàn vàng lớn đều trực thuộc các ngân hàng, thuộc ngành dọc của NHNN. Khung pháp lý chưa có, cơ quan quản lý cấp trên có thể thanh tra và yêu cầu ngân hàng dừng ngay những hoạt động đó, chờ hướng dẫn. Sàn vàng nở rộ, những đồng vốn lẽ ra cần được huy động vào phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, lại chảy vào một thị trường mang nặng tính tự phát, ăn thua. Nhà tổ chức sàn vừa đá bóng, vừa thổi còi và nhiều NĐT đã thua lỗ cay đắng. Một NĐT lớn trên TTCK đầu tháng 11 ký quỹ 10 tỷ đồng trên sàn vàng và sau cơn sốt tăng giá chóng mặt hồi cuối tháng 11 đã cháy tài khoản. Sự khắc nghiệt của thị trường này khi mọi thông tin phân tích rất khó khăn đối với NĐT nhỏ lẻ, khi khung pháp lý bảo vệ không có… thật khó đo lường!.

Muộn còn hơn không, đã đến lúc cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn. Nhìn sang TTCK, một loạt giải pháp và hành lang kỹ thuật hỗ trợ thị trường, xóa đi tình trạng bất bình đẳng, gia tăng tính minh bạch như ký quỹ, rút ngắn thời gian thanh toán cần sớm được ban hành. Bất cứ thị trường nào cũng cần chính sách ổn định, song ổn định  không đồng nghĩa với chính sách đó phải đứng yên, không đổi mới. Chính sách được chuẩn bị và ra đời đúng lúc, nếu không, rất có thể thị trường sẽ nổi giận và chính sách buộc phải chạy theo thị trường.       

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Phát triển tín dụng: Chờ năm sau! (03/12/2009)

>   Tin đồn “tấn công” tiền tệ (02/12/2009)

>   250 triệu USD cho nhà máy lọc dầu Dung Quất (02/12/2009)

>   Phát triển TTKDTM: Cần đổi mới trong tư duy và nhận thức (02/12/2009)

>   Tin đồn phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng (02/12/2009)

>   Vai trò của chính sách an toàn vĩ mô (30/11/2009)

>   Thị trường vốn: Lành mạnh hóa để mời gọi đầu tư (30/11/2009)

>   Lãi suất cơ bản: “bỏ thì thương, vương thì tội” (29/11/2009)

>   Tỷ giá và nợ nước ngoài (28/11/2009)

>   Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa CSTT và CSTK (27/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật