Phát triển tín dụng: Chờ năm sau!
Với việc tăng lãi suất cơ bản, cơ hội tăng lãi suất nhằm thu hút thêm tiền gửi nhàn rỗi đã mở rộng hơn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, trước sức nóng của tín dụng thì khả năng tăng mạnh trở lại tín dụng vào tháng 12 này là không nhiều.
Trao đổi với ĐTCK, các ngân hàng cho biết, khó có thể phát triển được tín dụng trong tháng còn lại của năm 2009, cho dù tỷ lệ tăng trưởng dư nợ theo đăng ký với NHNN vẫn chưa sử dụng hết room, lý do là nguồn vốn khả dụng không còn dồi dào như trước.
Huy động điều chỉnh nhẹ
Trên thị trường, kể từ ngày 1/12, nhiều ngân hàng đã thực hiện động thái điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng không nhiều so với biểu lãi suất cũ trước đó và không một ngân hàng nào đưa lãi suất huy động vượt lên trên 10,5%/năm. Trường hợp hãn hữu như SeABank, trong sáng ngày 1/12 đã đưa ra mức lãi suất tiền gửi 10,83%/năm, nhưng chỉ sau vài tiếng đồng hồ đã điều chỉnh và hạ lãi suất xuống mức cao nhất chỉ là 10,5%/năm theo yêu cầu của NHNN.
DongA Bank cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi và thanh toán VND trong ngày 1/12. Cụ thể với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, 1 tuần: 10,02%/năm (tăng 1,80%); 2 tuần: 10,20%/năm (tăng 1,86%); 3 tuần: 10,32%/năm (tăng 1,92%); 1 tháng: 10,38%/năm (tăng 0,84%); 2,3 tháng: 10,41%/năm (tăng từ 0,66% đến 0,84%); 4,5 và 6 tháng: 10,44%/năm (tăng từ 0,66% đến 0,84%)….;
Cũng từ ngày 1/12, SCB điều chỉnh chính sách khách hàng tiền gửi “Trao tin tưởng - Nhận tri ân”. Theo đó, ngoài việc tặng thêm lãi suất lên đến 0,4%/năm cho khách hàng cá nhân nắm giữ Coupon gửi tiền VND như trước đây, SCB còn tặng thêm lãi suất lên đến 0,14%/năm cho tiền gửi bằng USD/vàng và lên đến 0,1%/năm cho khách hàng gửi EUR…
Ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng, ngoại trừ lãi suất bình quân kỳ hạn 2 tuần tăng 0,81%/năm, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND ở hầu hết các kỳ hạn đều có xu hướng giảm trong tuần qua. Mức giảm của các kỳ hạn dao động 0,02 - 0,5%/năm. Điều này cho thấy, tình hình thanh khoản của các ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể.
Tín dụng ngập ngừng
Tình hình huy động vốn cũng như cho vay theo xu hướng giảm dần trong tháng cuối năm 2009. Theo đại diện một ngân hàng, hiện không ít doanh nghiệp, thậm chí là các tổng công ty lớn đang gặp khó khăn khi khối ngân hàng quốc doanh phải thực hiện việc kiểm soát chặt tín dụng đúng chủ trương đưa ra của NHNN.
Nhiều doanh nghiệp được ngân hàng khất lại vào đầu năm sau mới có thể mạnh tay giải ngân vốn vay, khi room tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành được mở. Do đó, không ít doanh nghiệp lớn đã tìm đến khối ngân hàng cổ phần để mượn vốn kinh doanh dịp cuối năm.
Mặc dù vậy, giải pháp trên cũng nhiều lúc không khả thi. Do tỷ lệ vốn huy động về ngày một hạn chế, nguồn vốn huy động về chủ yếu ngắn hạn nên các ngân hàng không mấy mặn mà với khách hàng vay vốn mới và tập trung hỗ trợ tín dụng cho khách hàng cũ của mình. Trong khi đó, 9 tháng trước đây chính ngân hàng phải ra sức tiếp thị vốn vay.
Phó tổng giám đốc Maritime Bank, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, do lượng vốn khả dụng còn có khả năng để đáp ứng cho một số doanh nghiệp, nên trong thời gian gần đây Ngân hàng đã tiếp ứng vốn cho một số khách hàng mới tiềm năng.
Song chủ trương của Maritime Bank về phát triển tín dụng trong thời điểm hiện nay là chọn lọc kỹ khách có những dự án khả thi để hạn chế rủi ro nợ xấu.
Đối với khối ngân hàng cổ phần, thay vì mở rộng tín dụng đầu tư bất động sản, đầu tư tài chính như đầu năm thì hiện phải co dần, vì không còn được áp dụng mức lãi suất thỏa thuận. Đồng thời, các ngân hàng buộc giảm dần thời gian hỗ trợ vốn đối với khách hàng có nhu cầu về nhà ở thực sự. ACB là một điển hình, với thời gian cho vay vốn tối đa đối với khách hàng cá nhân cần tiền mua, sửa chữa nhà để ở hiện chỉ còn 7 năm, trong khi 9 tháng trước Ngân hàng cho vay tối đa lên đến 10 năm.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|