Trình hai phương án xử lý sàn vàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết nơi này đã trình Chính phủ hai phương án xử lý sàn vàng. Phương án 1 sẽ cho dừng hoạt động sàn vàng vì không phục vụ lợi ích nhu cầu về đời sống. Phương án 2 vẫn cho sàn vàng hoạt động nhưng nâng tỉ lệ ký quỹ, có thể là 100%.
Trong ngày 2-12, nhiều nhà đầu cơ trên các sàn vàng tỏ ra bối rối trước thông tin sàn vàng sắp đóng cửa. Chị H., kinh doanh tại sàn vàng trên đường Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, đã trực tiếp gặp chủ sàn để xác minh thông tin này nhưng chủ sàn từ chối trả lời.
Còn anh T. - kinh doanh tại sàn vàng thuộc một ngân hàng - cho rằng hai phương án xử lý sàn vàng mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất đều có kết quả là sàn vàng sẽ thu hẹp lại. Theo anh T., tỉ lệ ký quỹ hiện tại chỉ 5-7%, nhà đầu cơ có thể vay gấp 14-20 lần tiền ký quỹ để đầu cơ. Nếu tỉ lệ ký quỹ tăng lên 100%, không còn được vay, có bao nhiêu đầu cơ bấy nhiêu, không còn hấp dẫn, nhà đầu cơ sẽ bỏ sàn.
Chủ trương đóng cửa sàn vàng có từ một năm trước
Cách nay hơn một năm, vấn đề ngừng hoạt động của sàn vàng đã được đặt ra. Nhưng rồi chẳng có sàn vàng nào phải ngưng hoạt động.
Trở lại quá khứ, Ngân hàng Á Châu là đơn vị đầu tiên mở sàn giao dịch vàng. Ngay thời điểm đó, đã có những vụ lùm xùm khi người kinh doanh trên sàn vàng khiếu nại chủ sàn nhiều vấn đề, từ sập mạng giao dịch đến quy định rút vàng từ tài khoản lấy vàng thật... Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định thành lập một tổ công tác liên ngành có đại diện của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ, UBND TP.HCM... để khảo sát Trung tâm vàng Ngân hàng Á Châu.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổ liên ngành này ở thời điểm đó đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ hoạt động của các sàn giao dịch vàng. Bộ Tài chính đình chỉ các sàn giao dịch vàng của các công ty chứng khoán. Đồng thời Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất để xây dựng các chính sách quản lý hoạt động của sàn giao dịch vàng.
Thế nhưng, chẳng có sàn vàng nào bị đình chỉ vì sau đó đã diễn ra những cuộc tranh cãi bất tận giữa các cơ quan chức năng là ai quản lý sàn vàng. Nổi cộm nhất là lập luận vàng là hàng hóa vì thế phải được quản lý theo Luật thương mại, tức là Bộ Thương mại (cũ) sẽ quản lý sàn hàng hóa, trong đó có vàng. Vì vậy, các dự thảo quy định về quản lý sàn vàng được xây dựng theo hướng sàn vàng thuộc ngành kinh doanh có điều kiện, chủ yếu do ngân hàng thành lập vẫn chưa thể ban hành.
Đến nay, dự thảo quy trình này đã được chỉnh sửa đến bản thứ... 11. Các công ty có sàn vàng vui ra mặt vì họ nói cơ chế như thế là xin cho, phải lệ thuộc ngân hàng...
Khi cuộc tranh luận giữa các cơ quan chức năng về sàn vàng chưa dứt, các sàn vàng đã dồn dập ra đời với hi vọng sẽ tạo ra tình trạng “chuyện đã lỡ rồi”, quy định ban hành sau, vì thế sàn vàng không đủ điều kiện sẽ được tồn tại. Không chỉ ngân hàng, các công ty chứng khoán và nhiều doanh nghiệp khác cũng nhảy vào mở sàn vàng. Thậm chí, sốt ruột, có lúc Ủy ban Chứng khoán nhà nước phải chỉ đạo các công ty chứng khoán không lập thêm sàn vàng trực thuộc cho đến khi có quy định mới.
Có thể câu chuyện pháp lý về quản lý sàn vàng sẽ còn được bàn đến. Nhưng việc thu hẹp hoạt động của sàn vàng lại không quá khó, hoàn toàn nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Đó là chỉ cần quy định tăng tỉ lệ ký quỹ (tức hạn chế cho vay vàng) và cấm các ngân hàng làm chủ sàn vàng tham gia kinh doanh vì không thể duy trì tình trạng “vừa là chủ sàn vừa là tay chơi”.
T.TU. - A.H
Tuổi trẻ
|