Thứ Năm, 03/12/2009 07:09

"Sợ trách nhiệm, ngân hàng không dám quyết!"

Tình hình hiện nay, việc điều hành rất phức tạp, nếu NHNN đương đầu, hoặc tự động ra quyết định mà chưa được sự nhất trí cao, chưa được chỉ đạo trực tiếp, độ rủi ro sẽ lớn, tất cả các mũi nhọn đều tập trung vào NHNN và ông thống đốc.

"Tín dụng đang ở giai đoạn tình thế"

Ông Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NHNN Việt Nam: Mục tiêu tổng thể của NHNN Việt Nam là phải kết hợp hài hòa an ninh sức mua đồng tiền, an ninh hệ thống với phục vụ tăng trưởng

Vấn đề ưu tiên vẫn là ổn định sức mua đồng tiền và đảm bảo an ninh hệ thống là nhiệm vụ phải phấn đấu hướng tới.

Và tất nhiên là thực hiện hai nhiệm vụ kia phải gắn với nhiệm vụ rất quan trọng thứ 3 là góp phần tăng trưởng.

Không nên đặt góp phần tăng trưởng lên đầu vì việc ấy không phải nhiệm vụ chính của ngân hàng nhà nước mà có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kể cả chính sách tài khóa sẽ được thực hiện. Nhiệm vụ của ngân hàng nhà nước là ổn định sức mua đồng tiền, là bảo đảm an toàn hệ thống, là góp phần tăng trưởng.

Không có chuyện Chính phủ bảo thế này, NHNN làm thế khác

- Thực tế hiện nay, các chính sách của mình đã phục vụ mục tiêu nào là chủ đạo?

Vừa qua, chúng ta đang chuyển dần lên ổn định sức mua đồng tiền và an toàn hệ thống. Tuy nhiên, đôi khi, hoạt động của NHNN hơi nặng về phục vụ tăng trưởng.

- Điều gì thúc đẩy hệ thống ngân hàng của chúng ta chuyển đổi, thưa ông?

Một là, căn cứ vào thực tiễn của tình hình kinh tế đất nước bức xúc và đòi hỏi. Hai là do yêu cầu của hội nhập. Ba là phụ thuộc trình độ của đội ngũ hệ thống ngân hàng kể cả quản lý và chuyên môn nghiệp vụ. Tất nhiên chúng ta theo hướng ấy để đào tạo, nâng cấp.

- Theo quan sát của ông, việc chuyển ưu tiên đó là kết quả của sự chuyển đổi mang tính hệ thống hay đơn thuần, đó chỉ là sự điều chỉnh nhất thời, trước mắt do đòi hỏi của tình hình?

Đây không phải là do tình thế mà là yêu cầu lâu dài, thực tiễn buộc chúng ta phải nhận thức và hành động như thế. Nó vừa giải quyết được tình thế vừa tạo điều kiện lâu dài cho chúng ta phát triển bền vững và có hiệu quả hệ thống ngân hàng.

- Việc chuyển từ mục tiêu tăng trưởng sang đảm bảo ổn định đồng tiền và an toàn hệ thống, theo ông khó khăn lớn nhất với NHNN là gì?

Đó là việc chuyển nhận thức và thay đổi hệ thống luật lệ. Hai cái tạo yếu tố, điều kiện, khi mà nó thay đổi nhận thức và luật lệ rồi thì tạo điều kiện cho ngân hàng có khả năng quyết định chính sách của mình một cách rộng hơn, tự chủ hơn và có khả năng giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh tiền tệ như thanh tra, kiểm tra, vấn đề lương bổng, lộc tô, trách nhiệm tài chính, chi tiêu tài chính.

Tất cả những cái đó là yếu tố để ngân hàng thực hiện chức năng của mình và nó phải được giải quyết dần dần, đồng bộ các mục tiêu này.

- Vậy thì để uyển chuyển, điều chỉnh đó phải bắt đầu từ đâu?

Bắt đầu từ luật. Luật phải đảm bảo 4 vấn đề: một là, xác định mục tiêu của chính sách tiền tệ là phải xếp thứ tự như thế: ổn định đồng tiền, an ninh và góp phần tăng trưởng.

Thứ hai là, xác định vai trò của NHTW theo mô hình hiện đại, mô hình hiện đại có hai việc: giao cho họ quyền quyết định, tạo điều kiện cho họ có đủ điều kiện giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh.

Thứ ba là, xây dựng một hệ thống thanh tra kiểm tra chuyên ngành riêng biệt để đủ sức phát hiện các vấn đề mà hoạt động tiền tệ gây nên kể cả giám sát điều tra, cả xử lý tại chỗ.

Nếu có cơ quan giám sát của Chính phủ như ban giám sát tài chính hiện nay phải có sự quy định và phối hợp rất rõ ràng. Phải giao quyền, giao bộ máy, giao chức năng cho hệ thống ngân hàng phải tự thanh tra, kiểm tra nghề nghiệp của mình, nghiệp vụ của mình và có thể uốn nắn thường xuyên, giải quyết thường xuyên.

- Giả sử khi NHNN đã xác định ưu tiên là ổn định đồng tiền và an toàn hệ thống nhưng chính phủ vẫn ưu tiên tăng trưởng, gây áp lực về vấn đề tăng trưởng thì giải quyết như thế nào?

Vấn đề đó không thể xảy ra được. Đã làm thì phải thống nhất, và có sự chỉ đạo từ chính phủ. Không thể có chuyện chính phủ chỉ đạo như thế này, mà ngân hàng lại thế khác được.

Phải làm thế nào để tạo sự hiểu, sự nhận thức được sự đồng hành, sự giải quyết thống nhất, chủ động chỉ đạo từ chính phủ về vấn đề này vì lợi ích quốc gia, vì sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng

Hiện nay, ngân hàng là người tham mưu đề xuất, nhưng phải đưa qua chính phủ, thậm chí có một hội đồng hoặc có sự tham gia của các ngành nhưng sau này có thể giảm bớt đi. Quyền tự chủ, tự quyết định chủ động của ngân hàng phải được nới ra.

Chính phủ chưa muốn buông, Ngân hàng chưa dám nhận

- Hiện nay, ngân hàng được tự quyết định những vấn đề gì?

Nói chung là được quyết định hết nhưng xin ý kiến chính phủ trước. Nói cách khác, Chính phủ phải được báo cáo.

Có 2 lẽ: một là luật lệ của chúng ta bây giờ quy định như thế. Thứ hai, ngân hàng cũng muốn như thế để đỡ trách nhiệm. Tình hình hiện nay, việc điều hành rất phức tạp, nếu NHNN đương đầu, hoặc tự động ra quyết định mà chưa được sự nhất trí cao, chưa được chỉ đạo trực tiếp, độ rủi ro sẽ lớn, tất cả các mũi nhọn đều tập trung vào NHNN và ông thống đốc.

- Nghĩa là theo ông, NHNN chưa độc lập vì bản thân ngân hàng cũng sợ chịu trách nhiệm?

Một mặt pháp luật chưa giao quyền cho, mặt khác, sự vươn lên, sẵn sàng chịu trách nhiệm của ngân hàng chưa rõ.

- Phải chăng vì thế, dự thảo luật NHNN đang thảo luận với việc nới lỏng một phần cho NHNN mà vẫn trực thuộc Chính phủ là một giải pháp mang tính thỏa hiệp?

Thực ra dự thảo cũng đã mở ra khá nhiều. Tuy nhiên, một mặt, khả năng vươn lên, khả năng đáp ứng của NHNN có hạn. NHNN cũng chưa dám nhận trách nhiệm.

Mặt khác, Chính phủ cũng chưa muốn "buông" ra ngay, và muốn buông ra cũng không được, nhất là với hai cuộc khủng hoảng vừa rồi, cả hệ thống chính trị đã phải cùng xông vào, Chính phủ và các ngành cùng làm mới xử lý nổi.

Vả lại, vai trò quyết định của NHNN bị ràng buộc bởi các luật khác, chưa đồng bộ, thống nhất. Nếu trao quyền ngay cho NHNN, để họ "tự tung tự tác", sẽ có vấn đề. Cơ chế chính sách chưa đáp ứng ngay được, nên chúng ta phải làm dần từng bước.

Hơn nữa, lúc này, sau khi xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, bắt đầu từ tiền tệ với việc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn, người ta đang xét lại hoạt động của ngân hàng, tăng cường quản lý với hệ thống các ngân hàng, đảm bảo an ninh nền tiền tệ và tài chính quốc gia.

Đó là ba lí do buộc việc điều chỉnh lần này chưa giải quyết đầy đủ và chấp nhận bước quá độ.

"Co lại"

Như ông đã phát biểu ở diễn đàn Quốc hội, Với quy định hiện nay khiến điều hành chính sách tiền tệ giật cục, vấp váp và khiến người điều hành chính sách thiếu tự tin khi ra quyết định. Từng ở vị trí Thống đốc ngân hàng nhà nước, ông có gặp trường hợp tương tự khi đưa các quyết định?

Trước, quy định của luật pháp không như hiện nay. Giao trách nhiệm, quyền hạn cũng có mức độ. Việt Nam chưa hội nhập sâu, thông lệ quốc tế chưa phải áp dụng nhiều. Bây giờ mình hội nhập sâu hơn, tất cả các nguyên tắc thị trường chúng ta phải tuân thủ chặt chẽ theo. Những cái vấp váp, thiếu tự tin vì thế cũng khác.

- Khác như thế nào, thưa ông?

Trước đây, chúng ta chưa có quy định, nên mình có thể tuỳ nghi hành động, và chịu trách nhiệm với cái hành động đó. Hơn nữa, khi chưa có quy định, thì sau này xem xét, người ta cũng có phần chiếu cố. Còn bây giờ mọi thứ đặt thành luật rồi mà anh làm sai là phải chịu xử lí ngay, hoặc anh ngần ngại, co lại, không dám làm.

Với những quy định hiện nay, liệu đã đủ mở để người chịu trách nhiệm lãnh đạo NHNN dám làm hay chưa?

Chưa. Chính vì thế đấy là bước chưa hoàn tất. Giao quyền hạn, giao trách nhiệm chưa thực sự mạnh mẽ, để người ta đủ quyền lực, vị trí để quyết đinh. Quyết định của NHNN vẫn nhất thiết phải phụ thuộc chính phủ, thông qua chính phủ.

Một mặt, NHNN muốn làm như thế cho an toàn, tránh trách nhiệm. Chính phủ nghĩ buông ra NHNN chưa làm được, nếu có gì sai sót là ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia ngay.

Có thể nói, tâm lý Chính phủ trong tình hình này chưa buông ra ngay được, và ông NHNN cũng chưa thể giữ trọng trách.

"Giằng kéo"

- Thưa ông, NHNN chưa thể hay chưa muốn giữ trọng trách và độc lập?

Cả hai yếu tố đó.

Nguyên nhân thì có hai lẽ: quy định của luật pháp, không chỉ Luật ngân hàng chưa mạch lạc, đồng bộ, nên có giằng chéo lẫn nhau. Vì thế nên không thể. NHNN tự động quyết định, nhưng không chỉ đạo được các ngành khác, chưa có sự phối hợp được với các ngành khác là bị ngay.

Chưa muốn là khi tình hình rối ren và quy trách nhiệm cao thế này, cái gì phức tạp, tránh ra được, an toàn là anh tránh, thay vì chấp nhận mạo hiểm, ra làm, và gánh trách nhiệm.

- Ông vừa nói Thống đốc khi ra quyết định bị giằng kéo bởi quy định khác. Cụ thể là gì, thưa ông?

Ví dụ, giữa trách nhiệm và quyền hạn của anh. Quyền hạn thì giao chưa đủ nhưng trách nhiệm thì gánh toàn bộ. Cái đó gây khó cho Thống đốc NHNN.

Hai là, luật của anh là luật chuyên ngành, trong khi liên quan đến nhiều luật khác: ngân sách, thương mại, bảo hiểm, và các ngành có liên quan khác.

- So với thời kì ông làm Thống đốc NHNN, cái giằng kéo có gì khác so với bây giờ?

Thời tôi làm, mọi thứ chưa có định hướng rõ ràng. Vừa làm vừa dò. Đó là giành kéo khó khăn nhất.

Bây giờ rõ rồi, có đường ray rồi, chỉ lo điều hành bộ máy, điều kiện để tăng tốc lên. Đó là cái khác lớn nhất.

Cái khó nhất là lúc chưa rõ còn bây giờ đã có an toàn hệ thống. Trước không có dây an toàn nào hết, rủi ro là phải chấp nhận thôi. Trước đây không có trích quỹ bảo hiểm tiền gửi, không trích quỹ dự phòng rủi ro, mất vốn là mất vốn...Bây giờ những cái đó ngày càng rõ và đảm bảo hơn. Cho vay thì có chính sách cho vay rõ. Vấn đề bảo hiểm: cho vay có bảo hiểm, quỹ dự phòng rủi ro. Vì thế, bây giờ an toàn rồi.

Bây giờ có quy định mức dự trữ, lãi suất cơ bản theo nguyên tắc quốc tế rồi, điều mà trước đây không có.

- Đã có an toàn hệ thống, nhưng xem ra điều hành đôi lúc vẫn "có vấn đề"?

Trục trặc do giao trách nhiệm và quyền hạn không dứt khoát, rõ ràng, không mạch lạc, không khai thác được quyền tự chủ của người ta, gắn với trách nhiệm của người ta.

- Vừa rồi, có người lo với dự thảo mới, nhiều quyền trao cho Thống đốc như vậy, liệu có cơ chế nào để giám sát tránh lạm quyền?

Đúng là có nhiều quyền hơn. Đó chính là sự mở ra hơn để tạo độc lập cho NHNN, tuy nhiên, nó chưa phải là trao sự độc lập hoàn toàn cho NHTW như nhiều nước.

Trong quyền hạn và trách nhiệm có ràng buộc. Đó chính là cơ chế. Ví dụ, anh được phép sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, thì khi có hệ quả, anh phải chịu trách nhiệm với vấn đề này. Không phải quyền anh bung ra nhưng anh lại không phải gánh trách nhiệm, hệ quả gì hết. Như thế là không được.

Thực tế, như ĐBQH đã nêu, chúng ta quyết mức lạm phát, chỉ tiêu thâm hụt ngân sách, thế nhưng, đến khi chỉ tiêu đặt ra không đạt được, không ai phải chịu trách nhiệm? Mà tình trạng này, chắc chắn chưa cải thiện được ngay.

Đơn cử, Quốc hội quyết định mức lạm phát 7%, nhưng sau này, có khi không đạt được 7% thì quy trách nhiệm cho ai? Trách nhiệm của Quốc hội là nơi quyết, hay trách nhiệm thuộc về nơi đề xuất, hay Quốc hội quyết định hướng, còn chính sách cụ thể không đúng hướng với tôi, thì trách nhiệm thuộc về Chính phủ?

Đấy là những điểm nhập nhèm, chưa rõ.

- Dự thảo Luật NHNN đang thảo luận và chuẩn bị thông qua lần này liệu có xử lý được những nhập nhèm này?

Vẫn chưa. Thế nên mới nói chưa tiến được theo hướng mạnh mẽ, mạch lạc. Đây chính là những vấn đề cần làm rõ từ nay tới khi bấm nút.

Phương Loan

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Sàn vàng: “Sân chơi” của kẻ mạnh ! (03/12/2009)

>   Không thiếu USD! (03/12/2009)

>   Doanh nghiệp sẽ khó vay vốn ngân hàng hơn (02/12/2009)

>   Tin đồn “tấn công” tiền tệ (02/12/2009)

>   250 triệu USD cho nhà máy lọc dầu Dung Quất (02/12/2009)

>   Phát triển TTKDTM: Cần đổi mới trong tư duy và nhận thức (02/12/2009)

>   Thanh tra các TCTD có mức lãi suất huy động trên 10,5%/năm (02/12/2009)

>   Giá vàng trong nước sẽ thấp hơn thế giới? (02/12/2009)

>   Tin đồn phát hành tiền mệnh giá 1 triệu đồng (02/12/2009)

>   Năm 2009, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 24.646 tỷ đồng (02/12/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật