Sàn vàng: “Sân chơi” của kẻ mạnh !
Thị trường vàng liên tục nóng, giao dịch vàng thời gian qua có nhiều dấu hiệu bất thường. Nhiều người trong chớp mắt đã thiệt hại hàng tỉ đồng, dẫn đến hàng loạt khiếu nại giữa nhà đầu tư với chủ sàn. Tình trạng này kéo dài đã 2 năm song đến nay chưa có cơ quan nào làm trọng tài và quản lý các sàn vàng, đang trở thành sân chơi của kẻ mạnh.
Luật chơi bát nháo
Hiện cả nước có khoảng 20 sàn vàng, trong đó 5 sàn của ngân hàng (NH), 2 sàn liên kết NH với doanh nghiệp (DN), còn lại là sàn vàng của các DN kinh doanh vàng. Mỗi sàn có luật chơi khác nhau, chẳng hạn tỉ lệ ký quỹ từ sàn vàng ACB là 7%, sàn vàng Sacombank 5%, còn sàn vàng 24 K chỉ 1%, tỉ lệ cảnh báo nộp thêm tiền ký quỹ phổ biến 3%-4%; chủ sàn xử lý tài khoản khi số tiền ký quỹ giảm còn 1%-2%, tỉ giá để quy đổi giá vàng không thống nhất. Sàn vàng Eximbank- SJC, Sacombank quy định biên độ giá từ 2%-5% so với giá vàng quy đổi, trong khi đó sàn vàng ACB, VGB lại không áp dụng biên độ...
Tại sàn vàng Thế Giới (VTG), nhà đầu tư chỉ cần 1 đồng vốn có thể vay thêm 19 đồng. Trong khi, sàn vàng ACB, Việt Á cho vay 14 lần so với vốn ban đầu. Ngoài ra, phần lớn chủ sàn vàng vừa là nhà tổ chức dịch vụ vừa mua bán trực tiếp với nhà đầu tư, riêng chủ sàn vàng Sacombank không mua bán với nhà đầu tư, đồng thời ép nhà đầu tư ký văn bản xác nhận chấp nhận các rủi ro do mình đưa ra ... Hệ quả là nhiều nhà đầu tư gặp rủi ro khi tỉ giá thay đổi. Hàng trăm nhà đầu tư cho rằng họ thua lỗ là do các sàn vàng áp dụng tỉ giá 18.500 đồng vào ngày 25-11, trong khi mức tỉ giá này chỉ được áp dụng vào ngày 26-11.
Vô tư mở sàn
Cuối năm 2007, NH Á Châu (ACB) được NH Nhà nước cho phép mở thí điểm sàn vàng. Tuy nhiên, sau vài tháng hoạt động, sàn vàng của ACB đã hai lần sập mạng mà không có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết sự cố. Chủ sàn ACB tự thương lượng và giải quyết sự cố với các nhà đầu tư. Thậm chí có thời điểm giá vàng biến động mạnh, sàn vàng ACB còn xử lý một nhà đầu tư âm 350 triệu đồng. Nhà đầu tư khiếu nại buộc ACB phải xóa nợ. Khối lượng mua- bán trung bình tại sàn vàng ACB khoảng 300.000 lượng/ngày, có ngày lên tới 800.000 lượng, doanh số giao dịch trung bình 5.000 tỉ - 6.000 tỉ đồng/ngày. Dường như thấy việc mở sàn vàng ngon ăn, hàng loạt NH đua nhau mở sàn vàng như Eximbank- SJC, DongABank, Sacombank...
Tuy nhiên, do không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, hệ thống công nghệ lạc hậu, công nghệ có phần hạn chế nên các sàn vàng liên tục có sự cố về hệ thống. đáng chú ý nhất là sàn vàng NH Phương Nam hai lần sập mạng khiến chủ sàn phải áp dụng giao dịch bằng tay, hạn chế thiệt hại cho nhà đầu tư.
Gần đây, thị trường lại bùng nổ hiện tượng các DN kinh doanh vàng tận dụng mặt bằng, hệ thống công nghệ của các công ty chứng khoán để mở sàn vàng và điểm nhận lệnh như VTG, VGB, Phố Wall, 24 K... và không gặp phải một cản trở nào từ các cơ quan quản lý, có chăng chỉ là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấm công ty chứng khoán mở điểm giao dịch vàng. Thực tế cho thấy việc quản lý sàn vàng quá lỏng lẻo, chồng chéo và không có sàn vàng nào có được giấy phép chính thức. Các sàn vàng của NH hoạt động theo chức năng kinh doanh của NH, thuộc sự quản lý của NH Nhà nước. Còn sàn vàng có sự hợp tác với NH và của DN hoạt động theo giấy phép do Sở Kế hoạch - Đầu tư các tỉnh, thành cấp. Từ đó, hoạt động của các sàn vàng hết sức lộn xộn. Khi mâu thuẫn giữa nhà đầu tư với chủ sàn xảy ra thường dẫn đến rối loạn xã hội.
Quy về một mối
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam, dự thảo quy chế sàn giao dịch vàng đã điều chỉnh và sửa chữa đến 11 lần. Các bộ, ngành cần thống nhất quản lý và cấp phép sàn vàng nên tập trung vào đầu mối là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Nếu NHNN là cơ quan quản lý và cấp phép thì cần ban hành luật chơi chung, đặc biệt là tỉ lệ ký quỹ thấp nhất là 10%, chủ sàn phải bảo đảm nhà đầu tư tránh được rủi ro khi tỉ giá biến động; quy định chủ sàn vàng phải có năng lực tài chính đủ mạnh để phòng hờ khi chủ sàn kinh doanh thua lỗ, quy mô kinh doanh chỉ chiếm một phần số vốn pháp định, số vàng hoặc tiền cho vay phải có sẵn trong kho. Các DN kinh doanh vàng muốn mở sàn vàng sẽ liên kết với ngân hàng và trách nhiệm quản lý tiền, vàng và chi trả cho nhà đầu tư là NH.
PGS – TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng sàn vàng đặt dưới sự quản lý của NHNN là hợp lý. Mặt khác, Chính phủ đã chỉ đạo thắt chặt hoạt động sàn vàng nên NHNN cần nghiên cứu cấp phép và ban hành các quy định sao cho các sàn vàng vận hành đúng pháp luật.
Thy Thơ
Người lao động
|