Thứ Bảy, 14/11/2009 06:44

Phải rã băng tỉ giá

Sau thị trường vàng, Ngân hàng (NH) Nhà nước cần có giải pháp phá băng thị trường ngoại tệ. Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM), một trong những giải pháp có thể là thu hẹp biên độ biến động tỉ giá VND/USD.

Ông Thơ nói:

- Biến động giá vàng những ngày qua cho thấy dù không tác động lớn đến đời sống kinh tế nhưng sự tăng giá của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, từ đó lây qua tỉ giá VND/USD. Tỉ giá thị trường tự do tăng mạnh dẫn đến găm giữ ngoại tệ, làm méo mó tỉ giá và đóng băng thị trường ngoại tệ tại NH.

Tồn tại hai tỉ giá, NH niêm yết chưa đến 17.900 đồng/USD, doanh nghiệp phải mua trên 19.000 đồng/USD sẽ ảnh hưởng xấu đến nhập khẩu, càng củng cố tâm lý găm giữ ngoại tệ. Doanh nghiệp nhập khẩu mua giá cao hơn NH niêm yết cả ngàn đồng/USD, họ hạch toán vào giá bán, người tiêu dùng lãnh đủ. Vì vậy sau vàng cần phải có giải pháp xử lý vấn đề tỉ giá.

* Vì sao ông cho rằng phá băng thị trường ngoại tệ bằng cách thu hẹp biên độ tỉ giá, trong khi thị trường đang kỳ vọng là NH Nhà nước sẽ mở thêm biên độ?

- Nếu tỉ giá là một loại hàng hóa bình thường thì hãy để thị trường quyết định. Hiện nay chưa thể thả nổi hoàn toàn, tỉ giá VND/USD đang được NH Nhà nước điều hành để đảm bảo ổn định và cân đối kinh tế vĩ mô. NH Nhà nước điều hành tỉ giá thì phải giữ cho được cây gậy điều hành.

Hiện NH Nhà nước điều hành tỉ giá thông qua tỉ giá bình quân liên NH được công bố hằng ngày và biên độ biến động tỉ giá. Điều hành tỉ giá cũng như thả diều. Tỉ giá là con diều, biên độ biến động tỉ giá là dây diều và tỉ giá bình quân liên NH là chỗ đứng thả diều. Thị trường luôn muốn con diều cứ bay lên. NH Nhà nước có nhiệm vụ phải thả con diều có lên có xuống để người xem thả diều là nhà nhập khẩu, xuất khẩu... hài lòng.

Đưa ra biên độ ±5% là quá lớn, con diều bay hết ga cho phép. Còn người thả diều đứng một chỗ khi tỉ giá liên NH mỗi ngày chỉ tăng/giảm một vài đồng. Từ đó mọi người hiểu là muốn diều bay lên thì chỉ có nới dây diều. Một lần tăng biên độ là vài phần trăm, vậy sao không giữ ngoại tệ để hưởng lợi từ tăng biên độ...

Thu lại dây diều nhưng người thả diều phải vất vả hơn khi tìm chỗ đứng cao hay thấp để con diều bay lên bay xuống, có lợi hơn cho nền kinh tế. Nghĩa là tỉ giá liên NH do NH Nhà nước công bố phải biến động nhiều hơn.

* Các chuyên gia nói tỉ giá phải cao hơn, thu hẹp biên độ có dẫn đến tỉ giá cứng nhắc?

- Thu hẹp biên độ không phải để cố định tỉ giá mà là giúp NH Nhà nước chủ động hơn trong điều hành tỉ giá đảm bảo được các mục tiêu chung. Anh để biên độ rộng, tạo ra đường nhiều làn xe nhưng mạnh ai nấy đi dẫn đến rối loạn, ách tắc. Tỉ giá tăng cao có lợi cho người giữ USD nhưng cũng gây hệ lụy khác như gây sức ép lên giá cả, khó cho nhập khẩu, đầu tư... Một hộp sữa nhập giá 5 USD, nếu tỉ giá tăng 5% thì giá bán cũng tăng theo.

Thu hẹp biên độ, bớt đi làn xe, thêm dải phân cách, có điều tiết, xe cộ qua lại bình thường mà không ách tắc. Thu hẹp biên độ, đồng thời NH Nhà nước sẽ cho tỉ giá liên NH biến động mạnh hơn tùy theo mục tiêu của kinh tế vĩ mô. Tỉ giá có lên có xuống, doanh nghiệp thôi găm giữ ngoại tệ vì không còn nghĩ đến câu chuyện nới biên độ nữa.

* Như vậy cũng khó vì thực tế doanh nghiệp cũng muốn biết hướng đi của tỉ giá để chủ động tính toán sản xuất kinh doanh?

- Ở đây không ai đánh đố thị trường, làm khó doanh nghiệp. Khi đã chủ động hơn trong điều hành tỉ giá, NH Nhà nước công bố luôn mức biến động tỉ giá trong năm để doanh nghiệp tính toán kế hoạch làm ăn. Trước đây, NH Nhà nước cũng đã từng công bố tỉ giá chỉ tăng không quá 1%/năm, nay cũng nên thông tin như thế.

* Có thực tế là doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin vào thông tin định hướng điều hành tỉ giá, liệu các giải pháp như ông đề nghị sẽ giúp rã băng thị trường ngoại tệ?

- Câu chuyện tỉ giá là phức tạp, bên cạnh xử lý về tâm lý còn phải kèm theo giải pháp kinh tế. NH Nhà nước cứ công bố mức định hướng về khả năng biến động của tỉ giá. Tin mức nào là quyền của doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh đó cũng nên tạo cho họ những công cụ phòng ngừa rủi ro tỉ giá. Phải cho phép NH làm các nghiệp vụ này. Anh không tin, vẫn lo tỉ giá tăng cao hơn mức NH Nhà nước công bố, vậy thì anh đi mua bảo hiểm tỉ giá.

Vấn đề quan trọng hiện nay là thị trường còn thiếu vắng nhiều sản phẩm như thế. Đồng thời cũng phải khai thông các quy định để tạo nguồn thu ngoại tệ cho NH. Nên sửa quyết định về cho vay ngoại tệ cho phép NH cho doanh nghiệp xuất khẩu vay USD có lãi suất rẻ.

Họ vay USD bán lấy VND thu mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu, khi thu được ngoại tệ sẽ bán lại cho NH. Còn hiện nay không được cho vay, NH đem ngoại tệ gửi ở nước ngoài với lãi suất rẻ, vừa lãng phí lại không tạo ra nguồn ngoại tệ cho NH.

Các lần điều chỉnh biên độ biến động tỉ giá trong các năm qua

7-2002

12-2006

12-2007

3-2008

6-2008

11-2008

3-2009

0,25%

0,5%

0,75%

1%

2%

3%

5%

"Không thể có một tỉ giá cứ tăng mãi. Xác định một mức tỉ giá mà ở đó nhà xuất khẩu, người nhập khẩu, doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ để đầu tư... đều chấp nhận được là mục tiêu của cơ chế điều hành tỉ giá. Tỉ giá cao, xuất khẩu được lợi nhưng nhập khẩu khó, người tiêu dùng lãnh đủ. Cần có một tỉ giá hài hòa các quyền lợi này. Phải sử dụng linh hoạt tỉ giá bình quân liên NH, biên độ biến động tỉ giá để có được mức tỉ giá đáp ứng yêu cầu phát triển"

T.Tu

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Tỷ giá khó tăng khi cho nhập vàng (13/11/2009)

>   Đắn đo việc nhập khẩu vàng (13/11/2009)

>   Tin đồn và các cơn sốt (13/11/2009)

>   Nhập khẩu vàng thận trọng kẻo lỗ (13/11/2009)

>   Phản ứng trong điều hành thị trường vàng còn chậm (13/11/2009)

>   Giá vàng chỉ còn quanh 25 triệu đồng (13/11/2009)

>   Giá vàng lên cao là do lo ngại VND mất giá (13/11/2009)

>   Trách nhiệm (13/11/2009)

>   Sốt giá vàng, ai hốt bạc? (13/11/2009)

>   Hà Nội kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý ngoại hối (12/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật