Tỷ giá khó tăng khi cho nhập vàng
Trước những suy luận cho rằng, tỷ giá sẽ biến động khi cho phép tái nhập vàng, vì nhu cầu USD để nhập vàng của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tăng. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cho nhập vàng, giá đôla sẽ giảm xuống.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố chính thức về việc cho phép một số doanh nghiệp và ngân hàng tái nhập vàng nhiều người đã liên tưởng đến việc tỷ giá sẽ còn biến động cao hơn so với mức 20.000 VND/USD đã tái lập trên thị trường tự do trong ngày 11/11.
Thế nhưng, tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do đã giảm ngay sau khi thị trường vàng hạ nhiệt. Cuối giờ chiều qua, giá USD trên thị trường tự do đã chính thức rời mốc 19.000 đồng/ USD, khi giao dịch phổ biến ở mức 18.700 - 18.800 đồng/USD.
Đến sáng 13/11, giá USD trên thị trường tự do được giao dịch ở mức 18.500 – 18.800 đồng/USD (mua vào- bán ra), giữ nguyên giá bán ra nhưng giá mua vào đã giảm nhẹ.
Trong khi đó, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại trong ngày 13/11 là 17.872 đồng/USD, giảm 1 VND/USD so với một ngày trước đó; trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết bình quân do NHNN công bố là 17.021 đồng/USD, giảm 1 VND/USD của ngày 12/11 (17.021 đồng/USD).
Trước những suy luận cho rằng, tỷ giá sẽ biến động khi NHNN cho phép tái nhập vàng, vì nhu cầu USD để nhập vàng của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ tăng. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo chí Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cho nhập vàng, giá đôla sẽ giảm xuống.
Theo lý giải của ông Giàu, chính giá vàng đã đẩy giá USD lên cao trong những ngày vừa qua. Còn đối với việc nhập vàng trong những ngày tới, NHNN chủ trương cấp quota cho những doanh nghiệp có tiềm lực về ngoại tệ, tránh trường hợp đồn thổi vì các đầu mối phải gom đôla để nhập vàng mà đẩy tỷ giá lên cao.
Lần này, NHNN sẽ tái cấp quota cho 5 – 6 doanh nghiệp và ngân hàng được nhập vàng. Các doanh nghiệp cho biết, tuy không nhiều như quý một đầu năm, nhưng với các doanh nghiệp trong ngành vàng cho biết, có quota xuất vàng trong tay sẽ chủ động được hơn so với 6 tháng trước.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, không phải cứ cho nhập vàng là các doanh nghiệp và ngân hàng ồ ạt nhập mà phải tính toán, cân đối giá trong nước với giá thế giới sau đó mới nhập.
Còn trường hợp giá thế giới và giá trong nước xích lại gần nhau thì chắc chắn các doanh nghiệp và ngân hàng được nhập quota sẽ chưa tính đến việc nhập vàng. Nhưng cho nhập vàng sẽ cân đối được cung – cầu trên thị trường và giá bình ổn hơn so với trước.
Thực tế, với thông tin cho phép nhập vàng được công bố trong chiều 11/11 thì ngay sáng 12/11 mặc dù các tiệm vàng chưa đến giờ mở cửa kinh doanh, nhưng người dân, nhất là ở khu vực Hà Nội (đã mua vàng sáng 11/11) đã phải xếp hàng để mong bán được vàng giá rẻ. PNJ cho biết, chỉ trong ngày 12/11, doanh số mua vào của Công ty tăng gấp đôi so với mức bình quân của các ngày vàng cao giá trước đó, đạt gần 1.800 lượng.
Giá vàng trong nước cũng giảm mạnh trong ngày 12/11 và tiếp tục giảm nhẹ trong sáng 13/11, tiến sát gần hơn với giá thế giới, chỉ còn dao động mức 25,5 – 26 triệu đồng/lượng (mua – bán). Trên thị trường thế giới vàng cũng bắt đầu dịu lại, giảm xuống còn 1.104 USD/ounce.
Theo bà Cúc, để chuẩn bị cho việc nhập khẩu vàng khi cảm thấy cần thiết, hiện PNJ đã chủ động được nguồn ngoại tệ, vì bản thân PNJ là đơn vị có xuất khẩu nữ trang.
Trong hơn 10 tháng đầu năm 2009, PNJ xuất được 12 triệu USD từ các sản phẩm nữ trang (loại trừ kim ngạch xuất khẩu vàng miếng đột biến trong quý 1/2009). Còn trị giá nhập khẩu nguyên liệu chế biến nữ trang đầu năm đến nay của PNJ là 8 triệu USD.
Tuy nhiên, tâm lý của nhiều người vẫn hiện bắt đầu có lo ngại và cho rằng, nguy cơ lạm phát sẽ tái bùng phát, nên vẫn có xu hướng mua ngoại tệ để cất giữ.
Vân Linh
ĐẦU TƯ
|