Tin đồn và các cơn sốt
Gần đây liên tiếp có những cơn sốt giá đủ loại trên thị trường vàng, nhà đất và chứng khoán trong nước. Nét chung trong hầu hết các cơn sốt giá ở nước ta là có vai trò của việc thông tin, là tâm lý bày đàn và cả những tin đồn...
Không phải thước đo
Sự gia tăng của giá vàng và bất động sản hiện nay ở Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài, trong nước và quốc tế, đồng thời có ý nghĩa 2 mặt, chứ không chỉ là "điềm xấu", nhất là càng không phải là sự phản chiếu bức tranh kinh tế Việt Nam với những gam màu đáng lo ngại, như lạm phát, tiền mất giá...
Điều khẳng định này được dựa trên việc Việt Nam đã vượt qua thời kỳ lạm phát cao khá tốt, hiện VND đang có độ ổn đinh và tin cậy khá cao, lượng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán tăng trong phạm vi cho phép, nợ xấu và tiền mặt trong thực tế ngày càng giảm, dự trữ ngoại tệ đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, mặt bằng giá cả bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội về cơ bản là không cao, thậm chí nhiều mặt hàng đang có sự giảm giá đáng kể... Dư luận thế giới cũng đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu mà chúng ta đã, đang và sẽ còn tiếp tục thu được.
Sự tăng giá vàng trong tháng 11/2009 này có nguyên nhân một phần bởi sự gia tăng giá vàng thế giới trong khi có sự liên thông trực tiếp giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Nhưng những động thái thị trường vừa qua cho thấy khá rõ nét rằng, về cơ bản đây là sự tăng giá mang tính đầu cơ cao, có chủ đích của một nhóm lợi ích có tiềm lực kinh tế và có tổ chức, tập trung ở phía Bắc, được tiếp tay bởi tâm lý "đám đông" và cả bởi một số bất cập nhất định trong cơ chế quản lý thị trường của Nhà nước...
Việc giá vàng trong nước luôn chênh lệch giá quy đổi so với vàng nhập khẩu từ 1-5 triệu đồng, tức có lúc cao nhất tới trên dưới 20%, đã chứng tỏ điều đó.
Hơn nữa, tính chất đầu cơ và tâm lý còn thể hiện rõ qua sự chênh lệch giá cao giữa giá vàng miếng (được mua-bán, trao đổi kiểu "tiền tươi-thóc thật" theo giá nội địa hiện hành, với giá sàn vàng ảo (luôn bám sát giá vàng thế giới ) có lúc lên tới 5 triệu đ/lượng.
Nó cũng như thể hiện qua sự chênh lệch cao giữa giá mua vào - bán ra của các cửa hàng và đơn vị kinh doanh vàng, đặc biệt là qua sự tương phản về trạng thái tấp nập thị trường trên bình diện cả nước.
Việc thị trường Hà Nội chiếm khoảng 50% thị phần mua bán vàng trong cơn sốt vừa qua cho thấy thủ đô hiện là "mặt trận chính" của giới đầu cơ vàng. Thực tế cho thấy, chỉ bằng một tuyên bố ngắn gọn và rõ ràng của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu hôm 11/9/2009 về việc NHNN sẽ cấp phép cho nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường cũng có sức mạnh tức thì "cắt sốt", làm đảo chiều giá vàng trên toàn quốc...
Còn giá bất động sản tăng cao gần đây cũng ít nhiều được giải thích tương tự, nhưng tính đầu cơ của thị trường bất động sản rõ nét và thường xuyên hơn, đặc biệt là vai trò "thủ phạm tăng giá" chủ yếu chính là giới chủ đầu tư và cò nhà đất đủ loại...
Tóm lại, cả 2 cơn sốt giá vàng và nhà đất hiện nay đều có nguyên nhân chính ở tính chưa hoàn thiện của cơ chế thị trường và tâm lý đám đông đặc trưng cho Việt Nam thời kỳ chuyển đổi , chứ không trực tiếp là "sắc ký" - thước đo mức độ đáng quan ngại của nền kinh tế nước ta.
Quá độ
Kinh doanh chứng khoán, về bản chất là việc thông qua việc mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác... để "bỏ phiếu" ủng hộ cho những công ty kinh doanh có hiệu quả cao và từ chối, thậm chí loại bỏ những công ty làm ăn kém. Đây cũng là quy luật đầu tư phổ biến trên thế giới. Điều này được bảo đảm và hỗ trợ bởi cơ chế thông tin thị trường đầy đủ, trung thực và thuận lợi cho các nhà đầu tư trong sự giám sát chung có hiệu lực và hiệu quả trên thực tế của các cơ quan hữu trách.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành chưa được 10 năm so với lịch sử trên dưới 300 năm của thị trường chứng khoán thế giới. Nó lại hoạt động trong một cơ chế thị trường chưa đầy đủ, với những bỡ ngỡ, bất cập từ cả 3 phía: Nhà nước, nhà đầu tư chứng khoán và các công ty, đặc biệt là vai trò giám sát, chế tài của Nhà nước còn nhiều lỏng lẻo.
Vì vậy, thị trường này trong thời kỳ đầu dường như con ngựa bất kham, hoạt động không theo nguyên tắc: giá chứng khoán cao phụ thuộc vào kết quả kinh doanh thực tế của công ty phát hành chứng khoán, cũng như càng không thể tránh khỏi yếu tố tâm lý đám đông và tính chất đầu cơ ngắn hạn rất cao, thậm chí có sức mạnh vượt trội những phản ứng lôgich "hợp quy luật" của các nhà đầu tư bài bản, và đôi lúc làm nhạt đi ý nghĩa tích cực của thị trường chứng khoán trong nền kinh tế...
Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện các nguyên tắc thị trường và gói kích cầu theo cách thức đặc thù của mình cũng khiến một số doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh nào đó của Việt Nam hoạt động có tính đặc thù cao, khiến các hoạt động kinh doanh chứng khoán của Việt Nam cũng ít nhiều có một số động thái đặc thù, thậm chí đi ngược với xu thế chung của thế giới.
Điều này mang tính quá độ, và cùng với thời gian, chắc chắn thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ bắt kịp và hội nhập chung vào thị trường thế giới. Điều này cần sự nỗ lực của tất cả các bên tham gia thị trường chứng khoán, đặc biệt là cần ưu tiên tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý và hệ thống thông tin, cũng như phát triển các dịch vụ cần thiết hỗ trợ cho hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán...
Tin đồn hay lỗ hổng quản lý
Về tổng thể cả về lý thuyết và thực tế, có thể nói, trong đời sống kinh tế thị trường, luôn tồn tại những tin đồn đủ loại về các hiện tượng thiên nhiên, tâm linh, những thay đổi về chính sách, nhân sự, chính trị và muôn mặt khác của đời sống xã hội... Các tin đồn ở một số lĩnh vực thường được quan tâm một cách nghiêm túc và đánh giá cao. Vì thế, nhiều nước trên thế giới có hẳn những viện nghiên cứu có thương hiệu và uy tín cao, chuyên nghiên cứu về tin đồn và dư luận xã hội, và chúng rất đắt hàng trước các cuộc bầu cử hoặc trong chiến dịch marketing của các doanh nghiệp...
Có thể nói, tin đồn thông thường là hiện tượng bình thường, thậm chí còn góp phần làm cho cuộc sống thêm sinh động và đa sắc. Đó là dịp để khởi động các phỏng đoán, các ý tưởng mới và thể hiện tâm lý, trình độ nhận thức của các bộ phận, tầng lớp xã hội, cũng như còn là thước đo uy tín và hiệu quả quản lý của một cá nhân, tổ chức và chính phủ.
Hơn nữa, cũng có lúc, có nơi một số giới chức, các tổ chức và cả các nhà hoạt động chính trị sử dụng tin đồn như một công cụ hữu dụng trong hoạt động của mình.
Tuy nhiên, loại tin đồn "đặc thù" trong lĩnh vực kinh tế lại có ý nghĩa khác, và thường chúng mang nặng tính định hướng có mục tiêu hoặc đầu cơ cao.
Khi tin đồn được mặc nhiên thừa nhận và trở thành nhận thức của đông đảo dân chúng thì trở thành sức mạnh khôn lường. Chúng có thể giúp cho ai đó thu bộn tiền, cũng có khi làm lao đao bao nhiêu số phận cá nhân và cả doanh nghiệp, thậm chí có thể làm giảm sút căn bản hiệu lực, hiệu quả của một chính sách quản lý nhà nước và làm tổn thất uy tín, cũng như tiền của quốc gia.
Những tin đồn thất thiệt loại này thường xuất hiện khi có sự không rõ ràng, nhất quán trong chính sách của chính phủ, khi chậm hoặc không có những phát ngôn chính thức có liên quan, hoặc khi do cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào đó chủ ý tung ra có mục đích định hướng dư luận, tranh thủ "đục nước béo cò" trước một đám đông hành động mất phương hướng và chủ kiến...
Cũng có khi tin đồn xuất hiện do sự phân tích, đồn thổi kiểu "tam sao thất bản" từ kinh nghiệm quá khứ, trí tưởng tượng, sự nhẹ dạ cả tin, sự hiếu kỳ và thói ưa buôn chuyện của giới vô công rồi nghề...
Nước ta đã trải qua nhiều biến cố lớn trong quá trình đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển. Rõ ràng đang tồn tại những lỗ hổng và bất cập nào đó trong quản lý nhà nước dung dưỡng và nương tay với các tin đồn thất thiệt, đồng thời những yếu tố tâm lý đã, đang và sẽ còn để lại dấu ấn đậm nét.
Cảnh người dân hối hả rút tiền tiết kiệm (cả bằng ngoại tệ) để mua vàng rõ ràng chỉ có thể giải thích được bằng sự thành công của việc "xuất chiêu" tung tin đồn kiểu rỉ tai, tuy cũ nhưng lợi hại mà giới đầu cơ Việt Nam thời nào cũng có, đã thực hiện một cách bài bản và có mục tiêu.
Cơn sốt ảo giá vàng này cũng chứng tỏ những lỗ hổng và bất cập trong cơ chế đảm bảo an toàn và hoạt động lành mạnh của thị trường vàng nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần ngồi lại với nhau để rà soát lại, bổ sung, điều chỉnh các chính sách và thể chế nhằm đối phó hữu hiệu, chủ động hơn với các hiện tượng sốt nóng - lạnh gắn với yếu tố tâm lí, tin đồn và đầu cơ.
Lời giải
Để góp phần ngăn chặn hiệu quả các yếu tố tâm lý và tin đồn thất thiệt tương tự trong thời gian tới, cần chú ý:
Thứ nhất, đảm bảo hoàn thiện và tuân thủ các nguyên tắc quản lý kinh tế và cạnh tranh thị trường, giảm thiểu và khắc phục các biểu hiện và lạm dụng công cụ quản lý hành chính, mệnh lệnh và hiện tượng "vận động hành lang" , "chạy chính sách" vì lợi ích ngành độc quyền, bất chấp lợi ích và uy tín quốc gia... Đảm bảo các biến động chính sách phải tường minh và có thể dự báo được trong xu hướng ổn định, nhất quán, phù hợp các nguyên tắc kinh tế thị trường và yêu cầu cam kết hội nhập, các thông lệ thế giới, cũng như các tín hiệu thị trường khách quan.
Thứ hai, phát hiện và trừng phạt kịp thời, nghiêm khắc các cá nhân và tổ chức tung tin đồn thất thiệt nhằm mục tiêu phá hoại chính sách, đầu cơ và cạnh tranh không lành mạnh...Có thể áp dụng xử lý hình sự với các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, thông báo rộng rãi làm gương trong dân chúng.
Thứ ba, tăng cường giáo dục dân trí, nâng cao nhận thức về kinh tế thị trường và hiểu biết pháp luật, tăng khả năng tự nhận thức và cảnh giác, tránh hành động kiểu bầy đàn, vô tình hoặc cố ý tiếp tay và trở thành nạn nhân của tin đồn...
Thứ tư, tăng cường và thể chế hoá các phát ngôn và cung cấp thông tin chính thức có chất lượng và trách nhiệm pháp lý cao định kỳ và không định kỳ của các cơ quan và đại diện nhà nước, các tổ chức kinh doanh có liên quan, nhất là các bộ kinh tế - tài chính tổng hợp, cũng như của các ngành và doanh nghiệp đang có độ độc quyền kinh doanh cao, như xăng, dầu, điện...
Không nên lạm dụng hoặc nhấn mạnh "yêu cầu bảo mật" trong các phát ngôn chính thức làm tổn hại uy tín và mất lòng tin của xã hội vào Chính phủ, tránh "một sự mất tín, vạn sự bất tin" kiểu hôm trước tuyên bố không tăng giá, nhưng hôm sau lại tăng giá...
Cần nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu, dự báo dài hạn và kịp thời về thị trường, những tuyên bố đúng lúc của các nhân vật có trách nhiệm và uy tín, những tin tức được cập nhật hằng ngày, hằng giờ từ đội ngũ báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, các quy chế kiểm tra thị trường đột xuất, có hiệu lực và hiệu quả cao sẽ là những cấu thành không thể thiếu được trong cơ chế bảo vệ sự cạnh tranh và hoạt động lành mạnh của kinh tế thị trường có quản lý vĩ mô của nhà nước, từ đó bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng tránh những thiệt hại từ sự đầu cơ và sự dại dột của chính mình.
Nguyễn Minh Phong
TUẦN VIỆT NAM
|