KMF, KMR sáp nhập và niêm yết tại Hàn Quốc
(Vietstock) - Chiều 20/11, CTCP Mirae (HOSE: KMR) phối hợp với CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức buổi hội thảo công bố phương án sáp nhập với CTCP Mirae Fiber (HNX: KMF) cũng như niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (Kosdaq).
Phát biểu về sự kiện sáp nhập này, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc VCSC cho biết, hiện Việt Nam chưa có luật cụ thể về mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) mà chỉ có hai hình thức sáp nhập và thâu tóm. Trong đó phổ biến nhất chính là hoạt động thâu tóm và sự kiện KMR và KMF là một tiêu biểu. Việc sáp nhập sẽ cho ra đời một pháp nhân mới và trước tiên cần phải hủy niêm yết hai công ty ban đầu, đây là vấn đề khá mới mẻ tại Việt Nam. M&A sẽ mang lại 5 giá trị cốt lõi, chính là giá trị gia tăng cho cổ đông, tăng cường sức mạnh cạnh tranh và giảm thiếu chi phí, mở rộng thị phần, đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô (Economy of scale) và cuối cùng là sở hữu công nghệ mới.
Lợi ích từ thương vụ
KMF sẽ sáp nhập vào KMR theo hình thức KMR mua lại 100% vốn của KMF thông qua việc phát hành thêm hơn 14 triệu cổ phiếu với tỷ lệ chuyển đổi 1:1.35 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu KMF nhận được 1.35 cổ phiếu KMR) vào cuối tháng 12 tới. Lượng cổ phiếu KMR sau khi phát hành là 27,304,189 cổ phiếu.
Sau sáp nhập, KMF sẽ trở thành chi nhánh tại miền Bắc của KMR. Với sự gia tăng quy mô vốn, vị thế về thương hiệu, tận dụng thuế ưu đãi cũng như nguồn nguyên liệu ổn định, KMR sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất bông tấm, bông chần, nâng cao năng lực cạnh tranh so với đối thủ cũng như có sự tác động đáng kể đến quan điểm của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì cơ cấu nhân sự để tạo tâm lý ổn định cho nhân viên.
Tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế KMR và KMF trước và sau sáp nhập
ĐVT: Triệu đồng |
Nguồn: Chứng khoán Bản Việt |
Về kế hoạch dài hạn, Ông Kim Chul Soo, Giám đốc Tài chính KMR cho biết, sau khi niêm yết trên Kosdaq, công ty còn có kế hoạch đưa nhà máy Đà Nẵng vào hoạt động (2011) và thành lập Văn phòng đại diện tại Hàn Quốc. Điều này giúp Công ty mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu của KMR là trực tiếp sản xuất nguyên liệu chần gòn (polyester fiber) nhằm tăng cạnh tranh về giá cả từ đó thu được lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, cổ đông KMR và KMR cũng nhận được giá trị tăng thêm từ những cổ phiếu mà mình đang sở hữu. Cụ thể, EPS của KMR tăng thêm 19.84%, KMF tăng 3.36% và mức tăng EPS của cả hai công ty là 12.01%.
ĐVT: Triệu đồng |
Nguồn: Chứng khoán Bản Việt |
Tại hội thảo, nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về sự phức tạp và rắc rối của việc sáp nhập và cho biết sẽ bán ra cổ phiếu KMR đang sở hữu để bảo toàn lợi nhuận. Nhà đầu tư này cho rằng, tỷ lệ chuyển đổi 1.35 sẽ làm giảm lợi nhuận của mình. Ông Kim Chul Soo – Giám đốc tài chính của KMR với cách lý giải hóm hỉnh và gần gũi, ví von KMR như là người con trai “đi cưới” người con gái KMF và đương nhiên đó là quà sính lễ cho nhà gái nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Niêm yết trên sàn Kosdaq
Điều mà nhà đầu tư quan tâm hơn cả là lợi ích từ việc KMR sẽ niêm yết ở nước ngoài, liệu đây có phải là một cơ hội đầu tư mới? Theo ông Tô Hải, lợi ích lớn nhất chính là nâng cao giá trị của công ty thông qua việc huy động nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy vậy, vẫn có một vài khó khăn nhất định khi chi phí môi giới sẽ thuộc về đối tác nước ngoài và lợi nhuận gửi về cũng không dễ.
Được biết, để được niêm yết tại sàn Kosdaq , KMR phải phát hành thêm 8 triệu USD cổ phiếu với thời gian dự kiến dành cho các khâu chuẩn bị, sáp nhập và hoàn tất niêm yết là 6 tháng (từ 30/06/2010 đến cuối năm 2010).
Theo đại diện của công ty tư vấn nước ngoài KIS thì cần lưu ý đến một số điểm khác biệt giữa TTCK Hàn Quốc và TTCK Việt Nam. Trước hết, biên độ giá ở Việt Nam chỉ có +/-5% còn Hàn Quốc là +/-15%. Bên cạnh đó, hệ thống công bố thông tin tại Hàn Quốc rất minh bạch, nghiêm khắc và đầy đủ. Ngoài ra, việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng không bị giới hạn như các thị trường khác.
Phạm Thị Phước
|