Nhún mình để bật cao hơn?
Tiêu đề trên để chỉ về biến động giá cổ phiếu của nhóm ngành ngân hàng khi so sánh tốc độ tăng giá của các cổ phiếu này và tốc độ tăng điểm của các chỉ số chung tại thời điểm hiện nay với thời điểm 31/8.
Như vậy, so ngày 20/11 với ngày 31/8, trong khi chỉ số chung trên cả hai sàn đều tăng lên, thì giá cổ phiếu của các ngân hàng đều bị sụt giảm ở mức hai chữ số.
Giải thích tình hình trên như thế nào?
Có ý kiến cho rằng các cổ phiếu của các ngân hàng bị co lại khi lãi suất huy động tiến sát với lãi suất cho vay, chênh lệch lãi suất không còn được bao nhiêu. Điều đó có phần đúng nếu so sánh một cách đơn thuần như trên, nhưng nếu so sánh giữa lãi suất huy động để cho vay tiêu dùng với lãi suất cao trên 1.5 lần thì chênh lệch không đến nỗi quá thấp. Đó là chưa kể còn có lợi nhuận ở các hoạt động khác, như kinh doanh hoặc dịch vụ kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng, ngoại tệ... Hơn nữa, mức lợi nhuận của các ngân hàng đều lớn, kế hoạch lợi nhuận năm nay đều cao hơn năm trước và tỷ lệ thực hiện tính đến 9 tháng đều đạt khá.
Các ngân hàng và không ít chuyên gia cho rằng do trong thời gian qua các nhà đầu tư đã lao vào các cổ phiếu các ngành khác có tính thời vụ, các cổ phiếu có thị giá nhỏ hơn hoặc các cổ phiếu có thị giá đã cao ngất ngưởng, các cổ phiếu tăng trần hàng chục phiên, hoặc các cổ phiếu chia thưởng... mà quên mất cổ phiếu ngành ngân hàng.
Các cổ phiếu ngân hàng đều có khối lượng cổ phiếu rất lớn (đạt trên 1 tỉ như VCB, CTG; từ 600-800 triệu như EIB, ACB, STB; thấp nhất như SHB cũng gần 200 triệu). Giá trị vốn hóa thị trường của các ngân hàng cũng thuộc loại lớn, đứng thứ hạng cao trên cả 2 sàn (VCB gần 59.2 ngàn tỉ đồng, đứng thứ nhất; CTG trên 34.5 ngàn tỉ đồng, thứ hai; ACB trên 31.3 ngàn tỉ đồng, thứ ba; EIB gần 22.3 ngàn tỉ đồng, thứ năm; STB gần 18.4 ngàn tỉ đồng, thứ chín; SHB trên 5.5 ngàn tỉ đồng, thứ 25).
Các chỉ tiêu như tỷ lệ cổ tức, ROE 4 quý gần nhất, EPS, P/E, P/B, tỷ lệ sở hữu của nước ngoài thuộc loại tốt, hiện đang được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Các ngân hàng được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ các gói kích thích kinh tế của Chính phủ, nhất là các gói cấp bù lãi suất sẽ có tác dụng kéo một lượng tiền lớn từ các ngân hàng ra lưu thông cho sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là giá của các cổ phiếu ngân hàng hiện thuộc loại hấp dẫn để mua vào. Nếu các “đại gia” trong nước để mắt đến (các nhà đầu tư nước ngoài đã tập trung mua ròng nhiều hơn đối với các ngân hàng), thì giá sẽ tăng, khi đó các nhà đầu tư cá nhân sẽ không chạy kịp khỏi các mã đã mua theo để sang các cổ phiếu ngân hàng.
Đào Lâm
Thanh niên
|