“Phát triển sản phẩm mới cho TTCK phải đi bằng hai chân”
Dù nhiều sản phẩm mới như: Giao dịch mua - bán lại chứng khoán của CTCK (repo), giao dịch ký quỹ đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) "thai nghén" khá lâu, nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện trên TTCK.
TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK, cho biết, không thể vội vàng đưa ồ ạt sản phẩm mới ra thị trường, mà phải "đi bằng hai chân", nghĩa là cùng với sự ra đời sản phẩm mới phải đảm bảo các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh đi kèm đủ đồng bộ, chặt chẽ, để phát huy mặt tích cực của các sản phẩm đó, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi lên TTCK.
Thưa ông, phải mất bao lâu nữa hai sản phẩm là giao dịch ký quỹ và repo mới có mặt trên TTCK?
Sau khi tiếp thu ý kiến của các bên hữu quan, UBCK đang khẩn trương hoàn tất Thông tư hướng dẫn Giao dịch ký quỹ để muộn nhất là cuối tháng này sẽ trình Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt. Dự thảo Thông tư hướng dẫn Giao dịch mua - bán lại chứng khoán của CTCK đã được chỉnh sửa xong, ngay trong tuần này, UBCK sẽ trình Bộ Tài chính.
Được biết, để đảm bảo cho các sản phẩm mới được triển khai hiệu quả, cùng với trình Bộ Tài chính phê duyệt UBCK cũng đã trình Bộ Quy chế giao dịch chứng khoán. Điểm đáng chú ý của quy chế này là gì và lộ trình ban hành ra sao, thưa ông?
UBCK đã trình Bộ Tài chính Quy chế giao dịch và đang được khẩn trương xem xét để phê duyệt. Điểm đáng chú ý của quy chế này là quy định chi tiết các vấn đề liên quan đến quy trình đặt lệnh, giao dịch trong một phiên, mở tài khoản, các giao dịch của CTCK…, nên sẽ góp phần đáng kể tăng tính thanh khoản, cũng như tạo ra sức hấp dẫn mới cho TTCK.
Thưa ông, khi quy chế này có hiệu lực, liệu có đảm bảo tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ để cho các sản phẩm mới được đưa vào sử dụng hiệu quả?
Hai sản phẩm giao dịch ký quỹ và repo, cũng như các sản phẩm khác trên TTCK đều có những mặt tích cực và hạn chế. Việc triển khai các sản phẩm này sẽ tăng tính thanh khoản, linh hoạt cho TTCK. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những thách thức cho cơ quan quản lý thị trường, các CTCK… trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực để đảm bảo cho TTCK vận hành an toàn, hiệu quả. Vì lý do này, nên Bộ Tài chính rất cẩn trọng trong quá trình xem xét các sản phẩm trên trước khi quyết định phê duyệt. Nắm bắt được tính chất phức tạp của việc đưa ra thị trường các sản phẩm mới nói chung, hai sản phẩm giao dịch ký quỹ và repo nói riêng, nên UBCK đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của TTCK thế giới trong quá trình xây dựng các sản phẩm này.
Thực tế, các nước đang sử dụng hai sản phẩm trên rất khác nhau. Cụ thể, có nước không cho giao dịch ký quỹ đối với tất cả các loại cổ phiếu, mà chỉ áp dụng cho trái phiếu và một số ít cổ phiếu. Hay sản phẩm repo, có nước chỉ áp dụng đối với trái phiếu, mà không triển khai đối với cổ phiếu… Vì tính chất phức tạp như vậy, nên bên cạnh việc đưa ra sản phẩm mới, thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn tài chính của các CTCK.
Cùng với quy định pháp lý rõ ràng về đảm bảo an toàn tài chính đối với các CTCK, theo ông cần xây dựng cơ chế hoạt động của thị trường và các CTCK như thế nào để kiểm soát rủi ro?
Việc ban hành quy định rõ ràng về an toàn tài chính của các CTCK là bước đi đầu tiên trong quá trình chuẩn bị triển khai các sản phẩm mới. Trên cơ sở an toàn tài chính, thì việc rất quan trọng cần chuẩn bị tiếp theo là phải xây dựng chế độ báo cáo hàng ngày về tình hình thị trường, cũng như hoạt động của các CTCK. Trong quá trình xây dựng các sản phẩm này, UBCK đã lấy ý kiến các thành viên thị trường, trong đó có các CTCK. Các công ty đang băn khoăn với nguồn nhân lực hạn chế, chưa biết phải xây dựng báo cáo như thế nào, để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý là hàng ngày phải tổng kết được tất cả các chỉ tiêu của thị trường để xây dựng báo cáo gửi về UBCK. Chỉ khi có được các báo cáo này, mới giúp cho cơ quan quản lý, CTCK đánh giá được mức độ rủi ro, trên cơ sở đó xây dựng phương án để chủ động xử lý khi tình huống không mong muốn xảy ra. Để đảm bảo an toàn hệ thống, ngoài yêu cầu các CTCK thực hiện chế báo cáo hàng ngày, UBCK sẽ hoàn thiện hệ thống cảnh báo và kiểm soát. Vì tính chất công việc phức tạp như vậy, nên không thể vội vàng triển khai ngay các sản phẩm kể trên.
Bởi vậy, cần xây dựng lộ trình cho việc triển khai các sản phẩm mới. Theo đó, có thể sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt hai sản phẩm nêu trên, thì trong 3 tháng đầu, các CTCK phải tập dượt, cải tiến phần mềm, xây dựng các chuẩn mực báo cáo UBCK… Tiếp đó tiến hành sắp xếp, phân loại CTCK để đưa vào hệ thống cảnh báo, hoặc kiểm soát đặc biệt. Thực hiện nghiêm ngặt các bước này mới đảm bảo cho việc triển khai các sản phẩm mới phát huy hiệu quả cao.
Hữu Hòe
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|