Thứ Bảy, 21/11/2009 07:48

Đằng sau lợi nhuận các công ty niêm yết

Các doanh nghiệp Việt Nam thường hạch toán dự phòng đầu tư tài chính và các khoản lợi nhuận bất thường vào cuối năm. Vì vậy, quý 4 phản ánh rõ nhất tác động của các hoạt động "đầu tư tay trái" của nhiều công ty.

Bất ổn lợi nhuận từ đầu tư tài chính

Theo thống kê của Vietstock, lợi nhuận từ đầu tư tài chính của các doanh nghiệp niêm yết chiếm tới 32% tổng lợi nhuận - một tỷ lệ rất cao và đáng lo ngại. Trong bối cảnh chứng khoán đang sụt giảm hiện nay, việc phụ thuộc khá lớn vào lợi nhuận từ đầu tư tài chính báo trước khả năng sụt giảm lợi nhuận của nhiều công ty niêm yết. Thậm chí, không loại trừ trường hợp doanh nghiệp đang báo cáo lãi bỗng trở thành lỗ như đã xảy ra cuối năm 2008 vừa qua.

Như cổ phiếu ngành thủy sản, sự bất ổn trong cơ cấu lợi nhuận của ngành này và nhiều công ty có tỷ lệ đầu tư tài chính cao là hoàn toàn có thật. Trên thực tế, bức tranh chung của ngành xuất khẩu thủy sản năm nay là khá ảm đạm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu thủy sản lại công bố lợi nhuận rất cao khiến nhà đầu tư nghi ngại và đặt câu hỏi: Lợi nhuận không tương xứng với thực trạng của ngành này đến từ đâu? Phân tích của Vietstock cho thấy, những cổ phiếu lợi nhuận cao đều đến từ công ty thủy sản có đầu tư tài chính. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của ngành này trong quý 2 chỉ chiếm chưa tới 37% tổng lợi nhuận. Sang quý 3 vừa rồi, con số này được nâng lên là 59%. Phần còn lại là từ hoạt động tài chính và lợi nhuận khác (chủ yếu là từ định giá tài sản nhưng khoản này thường chỉ có ở các doanh nghiệp bất động sản). Tương tự đối với ngành thực phẩm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trong quý 2 và quý 3 cũng rất khiêm tốn khi chỉ chiếm lần lượt là 48,6% và 45% tổng lợi nhuận.

Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính tại TP.HCM đặt vấn đề, trường hợp thị trường ảm đạm từ nay đến cuối năm, VN-Index ở dưới mức 580 trong khi các công ty đã trích dự phòng rủi ro ở mức trên 580 điểm thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời khá rõ ràng, nguy cơ về việc lợi nhuận bị "bốc hơi" nếu thị trường giảm sâu vào cuối năm là hoàn toàn có thật và đây là vấn đề mà nhà đầu tư phải cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.

Kích cầu hết, lợi nhuận giảm?

Một yếu tố quan trọng khác cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Trong nghiên cứu về 121 doanh nghiệp niêm yết phi tài chính từ năm 2008 đến nay, thống kê của Vietstock cho thấy, thời điểm quý 1/2008, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng khoảng 14% trong lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp này. Đến thời điểm lãi suất cho vay tăng cao (quý 2, quý 3/2008) chi phí lãi vay "đội" lên tới 30% trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ đã đưa chi phí lãi vay của các doanh nghiệp xuống chỉ còn 12,46% thời điểm quý 3 vừa qua. Kết quả này chứng tỏ, gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ đã tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Nhưng cũng từ kết quả này, câu trả lời về lợi nhuận của doanh nghiệp thời "hậu" kích cầu đã hé lộ. Đó là khi gói hỗ trợ lãi suất 4% hết hiệu lực vào cuối năm nay, lợi nhuận của các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ bị sụt giảm do chi phí lãi vay đội lên.

Như vậy có thể thấy, "sức khỏe" của nhiều doanh nghiệp niêm yết hiện nay thực chất không được tốt như báo cáo tài chính công bố. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để tạo "vùng đệm" cho các doanh nghiệp thời kỳ hậu kích cầu để tránh các trường hợp bị "sốc" hay không thể "trụ" nổi khi lãi suất ưu đãi bị cắt. Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, doanh nghiệp không nên trông chờ vào các chính sách ưu đãi bởi đến thời điểm nhất định, các ưu đãi cũng phải chấm dứt. Điều doanh nghiệp nên làm hiện nay là giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm để có thể giữ vững tốc độ phát triển thời kỳ hậu kích cầu.

Trước khi có "phong trào" đầu tư tài chính và được hưởng ưu đãi lãi suất, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của nhiều công ty vẫn rất ấn tượng. Điều đó cho thấy, nhiều công ty đã quá sa đà vào việc đầu tư tay trái mà quên mất sở trường của mình. Tuy nhiên, sự bất ổn từ nguồn lợi nhuận này là một lời cảnh tỉnh để các công ty niêm yết tập trung vào chuyên môn và có chiến lược dài hơi cho việc phát triển của mình.

Nguyên Hằng

Thanh niên

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu “vua” gây thất vọng (21/11/2009)

>   VF1 đăng ký bán 669,000 cp BVS (21/11/2009)

>   Các cổ đông đã bán được 53,800 cp HBD, SGD (20/11/2009)

>   Pca International Funds giảm tỷ lệ nắm giữ VNS còn 4.36% (20/11/2009)

>   TMC: Lợi nhuận 10 tháng vượt 33% kế hoạch năm (20/11/2009)

>   VCB: ĐHĐCĐ đồng ý phát hành hơn 112.29 triệu cp tăng VĐL (20/11/2009)

>   TPP: Phó TGĐ đăng ký bán 30,000 cp (20/11/2009)

>   Các cổ đông đăng ký bán 45,800 cp MKV, TST (20/11/2009)

>   CIC: Thay đổi thời gian họp ĐHCĐ bất thường (20/11/2009)

>   Các cổ đông ATA, BCI và AGF đăng ký bán 501,390 cp (20/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật