Thứ Bảy, 21/11/2009 14:50

Chuyên gia, nhận định và thị trường

Dường như cộng đồng NĐT nhìn nhận không đúng về vai trò của giới phân tích thị trường. Nhà đầu tư nên đơn giản hóa nhận định của chuyên gia phân tích thị trường chỉ là tổng hợp xu hướng, đưa ra nhận định có tính cá nhân với các dữ liệu thị trường tại thời điểm đó. Nhận định đó có thể đúng, có thể sai và điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu kỳ vọng các chuyên gia phân tích phải luôn luôn đúng, NĐT đã đặt sai vai trò của họ.

Báo cáo về loài cá

William O’ Neil - NĐT lừng danh người Mỹ có kể lại một câu chuyện về nhận định thị trường như sau: Một vị giáo sư giảng dạy chứng khoán ở Trường đại học Havard yêu cầu sinh viên viết một báo cáo đặc biệt về loài cá. Các sinh viên bèn đến thư viện, đọc những cuốn sách nói về loài cá và viết bài thu hoạch. Sau đó, các sinh viên nộp bài và hết sức bàng hoàng khi thấy giáo sư vo chúng lại và ném vào sọt rác.

Khi sinh viên hỏi báo cáo của họ có gì không ổn, vị giáo sư đáp: “Nếu các anh chị muốn học hỏi điều gì đó về loài cá, hãy dành thời gian ngồi trước bể hay hồ cá và quan sát chuyển động của lũ cá”. Sau đó, ông bắt sinh viên ngồi trước bể cá hàng giờ và quan sát lũ cá. Cuối cùng, họ viết lại bài thu hoạch và nhận được sự hài lòng từ người thầy: các bài viết phong phú, đa dạng và thể hiện nhiều góc quan sát khác nhau.

Lời khuyên của O’ Neil dành cho các NĐT thích thử thời vận bằng chứng khoán là: “Trở thành ‘sinh viên’ của ‘học viện’ chứng khoán cũng giống như các sinh viên trong lớp học của vị giáo sư kia. Nếu muốn học về TTCK, bạn cần phải quan sát và và nghiên cứu các chỉ số thị trường một cách kỹ lưỡng. Khi thực hiện việc đó, bạn sẽ nhận diện được những thay đổi có ý nghĩa bước ngoặt của thị trường tại các đỉnh tăng trưởng hay đáy suy thoái và học cách tận dụng chúng”.

Chuyên gia và nhận định thị trường

Tất nhiên, vì nhiều lý do, phần lớn NĐT không thể làm theo lời khuyên trên. Do vậy, trong quá trình giao dịch, các NĐT cá nhân đã sử dụng sự hỗ trợ khá lớn từ giới phân tích thị trường - những người đang chăm sóc “lũ cá trong chiếc hồ chứng khoán”. Đáp ứng nhu cầu này, mỗi ngày xuất hiện vô số thông tin, quảng cáo, quan điểm cá nhân, nhận định và lời khuyên miễn phí về TTCK từ các CTCK, chuyên gia phân tích độc lập, những người có kinh nghiệm...

Nhưng dường như cộng đồng NĐT nhìn nhận không đúng về vai trò của giới phân tích thị trường. Thứ nhất, không thể kỳ vọng chuyên gia phân tích là “ông thánh” để nói đúng tất cả. Nếu có khả năng siêu phàm đó, chắc hẳn họ sẽ từ bỏ mọi công việc khác để âm thầm tiến hành đầu tư cá nhân. Thứ hai, NĐT rất quan tâm đến kết quả (chẳng hạn, VN-Index sẽ tăng hay giảm đến bao nhiêu trong thời gian tới), mà bỏ qua các nhân tố tác động dẫn đến kết quả đó. Một số nhân tố đã xuất hiện, nhưng ở trạng thái “động” và một số nhân tố thậm chí còn chưa xuất hiện tại thời điểm chuyên gia phân tích đưa ra dự báo. Do đó, nên đơn giản hóa nhận định của chuyên gia phân tích thị trường chỉ là tổng hợp xu hướng, đưa ra nhận định có tính cá nhân với các dữ liệu thị trường tại thời điểm đó. Nhận định đó có thể đúng, có thể sai và điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu kỳ vọng các chuyên gia phân tích phải luôn luôn đúng, NĐT đã đặt sai vai trò của họ.

Cộng đồng NĐT có thói quen “quan trọng hóa” vai trò của một số chuyên gia phân tích, đặc biệt là khi có những nhận định đúng trong quá khứ. Một chuyên gia phân tích kỹ thuật người nước ngoài đã từng được cộng đồng NĐT “tôn sùng” khi vào tháng 10/2008 dự báo VN-Index sẽ trượt xuống khá xa khỏi đáy 366 điểm hồi mùa hè. Khi dự báo này đúng, lần trở lại Việt Nam sau 4 tháng, vị chuyên gia này được gửi gắm khá nhiều kỳ vọng từ giới đầu tư. VN-Index lúc đó xoay quanh 250 điểm, vị chuyên gia này cho rằng, chỉ số có thể xuống 220 điểm và mức sâu hơn là 176 điểm. Cộng đồng NĐT liền diễn giải nhận định này theo hướng, VN-Index sẽ xuống 220 điểm và sau đó là 176 điểm. Đúng ra, dự báo chỉ là khả năng có thể xảy ra, chứ không khẳng định nó sẽ xảy ra.

Nói đi thì cũng phải nói lại, trên thị trường cũng xuất hiện không ít nhận định với mục đích riêng. TTCK là tập hợp của nhiều chủ thể, mâu thuẫn bởi các quyền lợi. Mỗi người đều có cách nhìn, quan điểm riêng khi đầu tư và không phải ý kiến nào đưa ra thị trường cũng giữ được tính khách quan.

Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền Đức Quốc Xã, Joseph Goebbels - người có quan điểm tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” khiến người dân Đức tin mình là dân tộc thượng đẳng: “Nói 1 lần người ta không tin, nói lần thứ 2 có thể khiến người ta bỏ ngoài tai, nói lần thứ 3 người ta nổi giận… nhưng nói đến lần thứ 8 sẽ khiến người ta kín đáo chú ý, nói lần thứ 9 được lắng nghe chăm chú và đến lần thứ 10 thì thậm chí có thể người ta đinh ninh đó là chân lý”(!?).

Trên TTCK Việt Nam, một số phát biểu “có ý đồ”, không biết vô tình hay cố ý được một bộ phận truyền thông hỗ trợ, lặp đi lặp lại thời gian qua đã xói mòn niềm tin của cộng đồng NĐT. Chính các phát biểu, nhận định có ý đồ đã làm xấu đi hình ảnh của giới phân tích, khiến một bộ phận NĐT thành kiến, ác cảm với hai chữ “chuyên gia”.

Chuyên gia chứng khoán độc lập Huy Nam, người theo dõi sát sao TTCK Việt Nam từ những ngày đầu nhận xét, hiện tại xuất hiện nhiều nhận định về thị trường, trong đó có khá nhiều phát biểu cảm tính, nghiêng về phục vụ “lợi ích nhóm” - cổ vũ cho một nhóm cổ phiếu hay một danh mục đầu tư.

Theo ông Huy Nam, có nhiều ý kiến được đưa ra, mặt tốt là thị trường có thêm thông tin để tham khảo, mặt xấu là khi thị trường có nhiều thông tin như vậy thì đòi hỏi NĐT phải có khả năng lọc thông tin tốt. Điều thị trường cần nhất là thông tin đưa ra phải có chọn lọc và trách nhiệm. Mỗi NĐT cần phản ứng có chừng mực với thông tin theo cách “các sinh viên quan sát sự chuyển động của loài cá”.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Rút ngắn thời gian thanh toán: Lực bất tòng tâm (21/11/2009)

>   Nhún mình để bật cao hơn? (21/11/2009)

>   “Phát triển sản phẩm mới cho TTCK phải đi bằng hai chân” (21/11/2009)

>   Cổ phiếu bất động sản: Bệ đỡ cho VN-Index (21/11/2009)

>   SSM: Chủ tịch và Thành viên HĐQT đã bán 5,000 cp (21/11/2009)

>   SDH lấy ý kiến phát hành 15.77 triệu cổ phiếu (21/11/2009)

>   Đằng sau lợi nhuận các công ty niêm yết (21/11/2009)

>   Cổ phiếu “vua” gây thất vọng (21/11/2009)

>   VF1 đăng ký bán 669,000 cp BVS (21/11/2009)

>   Các cổ đông đã bán được 53,800 cp HBD, SGD (20/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật