Thứ Bảy, 14/11/2009 12:02

Không nên lao vào mua USD

Đã từ nhiều năm trước, người viết bài này chưa bao giờ khuyến cáo dòng vốn nên đầu tư vào USD. Có 3 lý do chính:

Một, Việt Nam lúc mới mở cửa hội nhập (đầu năm 1990- 1991) nhiều người đã quá “thần tượng hóa” đồng USD, nên có lúc mua với giá 16.000 đồng/USD. Nhưng sau đó giá USD ở trong nước đã rơi tự do và trở về dưới mức 10.000 đồng/USD. Vào năm 1997, khi cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo phá giá VNĐ lên 18.000-19.000 đồng/USD (lúc đó trên thị trường chỉ vào khoảng 12.000 - 13.000 đồng/USD), nhưng thực tế hơn 10 năm sau, tỷ giá chính thức cũng chưa đến mức đó. Nguyên nhân chính là cánh kéo tỷ giá (1 USD tại Việt Nam có sức mua gấp 4- 5 lần ở Mỹ, thể hiện ở chỗ tỷ giá hối đoái cao gấp 3-4 lần tỷ giá sức mua tương đương; khi việc mở cửa ngày càng sâu rộng thì khoảng cách này sẽ càng giảm).

Hai, số liệu thống kê lịch sử trong gần 20 năm qua cho thấy: Chỉ số giá USD ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với chỉ số giá tiêu dùng. Đường biểu diễn (xem biểu đồ đăng kèm) của giá USD đã nhiều năm nằm dưới trục hoành, gần như đi ngang, chỉ nhích lên rất ít so với giá tiêu dùng. Dù có cộng thêm lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD thì tốc độ tăng giá USD cũng còn thấp xa so với tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Ba, tỷ giá là một “huyệt đạo” rất quan trọng, có quan hệ không chỉ là xuất - nhập khẩu, vay - trả nợ, dòng vốn đầu tư vào USD, vào các kênh đầu tư khác, mà quan trọng hơn là tác động đến lòng tin vào đồng tiền quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước rất thận trọng trong việc “bấm vào cái huyệt” quan trọng này. Trên thực tế, giá USD trên thị trường tự do dù có những lúc “lồng lên” với tốc độ cao và vượt xa so với tỷ giá trên thị trường chính thức, nhưng chỉ diễn ra trong một số ngày, Nhà nước sẽ lập tức có giải pháp hạ nhiệt ngay. Nhiều người mua theo, bán theo tin đồn trên thị trường tự do đã bị thua lỗ lớn trong các đợt sốt giá trước đây cũng là một minh chứng cho khuyến cáo nói trên.

Trong năm nay, đúng là giá USD ở trong nước có tăng cao hơn các năm trước. Sau 10 tháng, giá USD tăng 5,74%, cao hơn tốc độ tăng 4,69% của giá tiêu dùng; nếu cộng thêm lãi suất gửi tiết kiệm thì còn cao hơn nữa, nhưng vẫn thấp thua lãi suất gửi tiết kiệm bằng VNĐ.

Tỷ giá VNĐ/USD năm nay tăng cao hơn các năm trước do nhiều nguyên nhân.

Một, cung ngoại tệ năm nay thấp hơn các năm trước do lượng ngoại tệ vào nước ta bị giảm từ các nguồn (FDI, FII, kiều hối, du lịch...).

Hai, tình trạng đô-la hóa và găm giữ USD tăng.

Ba, để hỗ trợ xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, tỷ giá thị trường liên ngân hàng đã được điều chỉnh lên (1 USD ngày 10.8 là 16.964 đồng, ngày 10.9 là 16.983 đồng, ngày 10.10 là 17.001 đồng, ngày 10.11 là 17.021 đồng).

Bốn, từ vài tuần nay, giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, từ 18.350 đồng/USD lên 18.700, rồi gần 19.000, có thời điểm lên trên dưới 20.000 đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới; việc nhập lậu vàng gia tăng, mà nhập lậu phải “vét” USD trên thị trường tự do, đẩy giá USD lên; khi giá USD lên, nhiều người đã lao vào mua USD làm cho giá USD tăng mạnh. Nhưng động thái cho nhập khẩu chính ngạch vàng đã chặn đứng cơn sốt vàng, làm giá vàng giảm mạnh; đồng thời cũng giảm sức ép đối với giá USD trên thị trường tự do và sẽ giảm xuống dưới mức hiện nay.

Trong khi đó, giá USD trên thị trường thế giới giảm. Hiện chỉ số USD (USD-Index) đã xuống dưới 75 điểm phần trăm và đang có xu hướng giảm tiếp, sẽ không tạo sức ép để Việt Nam phải tăng tỷ giá. Do vậy không nên lao vào mua USD trong lúc này.

Đào Lâm

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Nhìn lại tuần “nổi loạn” của giá vàng (14/11/2009)

>   Vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ (14/11/2009)

>   Phải rã băng tỉ giá (14/11/2009)

>   Tỷ giá khó tăng khi cho nhập vàng (13/11/2009)

>   Đắn đo việc nhập khẩu vàng (13/11/2009)

>   Tin đồn và các cơn sốt (13/11/2009)

>   Nhập khẩu vàng thận trọng kẻo lỗ (13/11/2009)

>   Phản ứng trong điều hành thị trường vàng còn chậm (13/11/2009)

>   Giá vàng chỉ còn quanh 25 triệu đồng (13/11/2009)

>   Giá vàng lên cao là do lo ngại VND mất giá (13/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật