Chủ Nhật, 15/11/2009 21:21

Dự trữ ngoại hối và tỷ giá

Liệu tỷ giá VND/USD tăng cao những ngày gần đây có bắt nguồn từ những lo ngại về nguồn dự trữ ngoại hối được cho là đang sụt giảm? Thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm trao đổi với chúng tôi.

Bất chấp tuyên bố của Thống đốc ngân hàng nhà nước sẽ kìm giữ tỷ giá VND/USD, thì tỷ giá thật vẫn lên rất cao những ngày gần đây. Nguyên nhân chính là gì, thưa ông?

Cung cầu lệch nhau. Nhu cầu về sử dụng USD để nhập nguyên liệu, dự trữ hàng để sản xuất, cho Tết nguyên đán tăng cao trong khi thu ngoại tệ giảm.

Thứ hai là ngân hàng nhà nước không can thiệp được vào các đơn vị có đô la. Nhiều người có tiền USD trong tài khoản, họ găm lại không bán mà ngân hàng nhà nước không bắt họ bán được, vậy thì các ngân hàng thương mại không có mà mua. Tức là tiền đô trong tài khoản thì có nhiều, nhưng ngân hàng lại không có USD để bán ra.

Thứ ba, các ngân hàng thương mại đối mặt với tình trạng khan hiếm về ngoại tệ trong thời gian dài cho nên khả năng thanh khoản ngoại tệ của họ bị hạn chế. Trong khi đó, khả năng can thiệp của ngân hàng nhà nước cũng chỉ có mức độ. Chúng ta thấy là dự trữ ngoại hối cứ giảm dần, giảm dần. Nếu không cẩn thận thì nó giảm đến mức không an toàn thì nguy hiểm.

Gần đây một số ý kiến cho rằng, 1 tỷ USD từ quỹ dự trữ ngoại hối được dùng cho hỗ trợ lãi suất, và cán cân thanh toán hụt 1,9 tỷ USD trong năm nay sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, gây sức ép lên tỷ giá. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ý kiến của ông như thế nào?

Về tổng thể thì dự trữ ngoại hối chưa đến mức báo động đâu. Thế nhưng trong từng thời điểm, với các khoản cụ thể thì cung cầu đô la không khớp, tạo tâm lý căng thẳng. Theo tôi, chúng ta cần chú ý điều hành linh hoạt. Ngân hàng nhà nước cần chi viện các ngân hàng thương mại khi họ có vấn đề về thanh khoản ngoại tệ.

Thí dụ, chỉ một vài ngân hàng thương mại có vấn đề về thanh khoản thôi mà ngân hàng nhà nước không hỗ trợ, để họ tự giải quyết thì họ sẽ ách tắc, gây tâm lý đồn thổi. Ngân hàng nhà nước can thiệp giúp những ngân hàng thương mại thực sự khó khăn thì tình hình tỷ giá sẽ dịu đi.

Ở các nước, thông tin về dự trữ ngoại hối được công khai, nhưng vì sao ở Việt Nam lại không như thế, kể cả từ thời ông làm Thống đốc?

Hồi tôi làm Thống đốc thì dự trữ ngoại tệ còn rất ít, khả năng đáp ứng không đảm bảo, công bố ra thì người ta hoang mang. Bây giờ, như Thủ tướng nói năm ngoái, cán cân thanh toán ngoại tệ chưa có vấn đề gì lớn. Hiện nay, về tổng thể thì vẫn trong mức an toàn, còn cụ thể thì có thể có nhiều cái trục trặc, không khớp, gây hoang mang. Tôi nghĩ ngân hàng nhà nước phải tiếp tục xử lý thôi.

Điều hành chính sách tiền tệ càng minh bạch càng tốt. Cuối năm ngoái Thống đốc công bố dự trữ ngoại tệ và cân bằng cán cân thanh toán thì tình hình tỷ giá dịu đi ngay. Chắc Thống đốc phải xử lý theo hướng công khai như vậy thôi.

Theo ông, tỷ giá lên cao như vậy thì đã đến lúc ngân hàng nhà nước công khai con số hay chưa?

Về lý thuyết, trong tình hình cung cầu vừa qua như vậy, dự trữ phải giảm chứ không thể tăng lên được. Điều này đòi hỏi phát ngôn chính thức của những người có trách nhiệm. Vì sao ngân hàng nhà nước không tuyên bố công khai quỹ này? Anh nên hỏi người ta.

Chắc chắn trong điều hành Thống đốc sẽ phải cân nhắc thời điểm công khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng thôi. Theo nguyên tác, càng minh bạch, công khai bao nhiêu thì càng tạo niềm tin cho thị trường bấy nhiêu. Tuyên bố của lãnh đạo có trách nhiệm sẽ tác động trực tiếp đến tâm lý của người dân.

Một số đại biểu cho rằng, Quốc hội không quan tâm đến nguồn tiền dành cho kích cầu trị giá 1 tỷ USD nằm trong dự trữ ngoại hối vì nó không thuộc tiền ngân sách. Ý kiến của ông?

Không phải thế. Vừa rồi có nhiều ý kiến trong Quốc hội đề xuất là chi tiêu từ quỹ dự trữ ngoại hối phải được Quốc hội thông qua. Có nhiều ý kiến gay gắt đề nghị là khi lấy ra thì không chỉ Thường vụ quốc hội thông qua, mà phải quốc hội thông qua.

Đây là tài sản quốc gia, mà chi tiêu hàng tỷ đô như thế thì phải có giám sát. Chi được 1 tỷ đô la thì sẽ chi được thêm vài tỷ. Cái vừa qua đặt ra một tiền đề để Quốc hội đưa ra phán quyết mới. Trong nghị quyết của Quốc hội về kinh tế xã hội được biểu quyết gần cuối kỳ họp này sẽ nhấn mạnh đến việc tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội với quỹ này. Tinh thần là Quốc hội sẽ giám sát chặt hơn.

Tư Giang

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Ấn Độ - nguồn cơn gây sốt vàng ở Việt Nam (15/11/2009)

>   Giá vàng vụt tăng trở lại, tiến sát 28 triệu đồng (14/11/2009)

>   Thưa Thống đốc, “căng thẳng ngoại tệ” tháo gỡ thế nào? (14/11/2009)

>   Không nên lao vào mua USD (14/11/2009)

>   Nhìn lại tuần “nổi loạn” của giá vàng (14/11/2009)

>   Vàng đang khuấy đảo thị trường dự trữ ngoại tệ (14/11/2009)

>   Phải rã băng tỉ giá (14/11/2009)

>   Tỷ giá khó tăng khi cho nhập vàng (13/11/2009)

>   Đắn đo việc nhập khẩu vàng (13/11/2009)

>   Tin đồn và các cơn sốt (13/11/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật