Lãi suất tăng khi nguồn tiền chững lại
Lý giải về cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiếp diễn gần đây, các ngân hàng đều cho biết là nhằm giữ chân khách hàng, đồng thời thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư trước sự cạnh tranh về thị phần ngày càng nóng. Đó là một lý do, nhưng thực tế đang cho thấy, so với đầu năm 2009, lượng tiền nhàn rỗi vào ngân hàng bắt đầu chững lại trước sự gia tăng của chứng khoán, vàng, bất động sản và cả nhu cầu đầu tư phát triển trở lại sản xuất của doanh nghiệp.
Việc huy động khó khăn hơn ngược lại với nhu cầu của chính các ngân hàng là phát triển tín dụng trên cơ sở kiểm soát rủi ro và gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Để tăng được nguồn vốn đầu vào trong bối cảnh sản phẩm huy động vốn chưa đa dạng, giải pháp cố hữu của của các ngân hàng là tăng lãi suất. Chính vì vậy, lãi suất đầu vào cứ tiếp tục tăng cho dù LS cơ bản vẫn được giữ nguyên là 7%/năm.
Theo ông Ngô Xuân Dũng, Giám đốc điều hành VIB TPHCM, việc ngân hàng chạy đua tăng LS huy động là do tăng trưởng tín dụng ở các nhà băng thuận lợi hơn năm 2008. Nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu đầu tư, sản xuất, cho vay, tiêu dùng cao hơn. Thêm vào đó, một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng… cũng cạnh tranh hút vốn gây áp lực lên kênh tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, việc NHNN quy định giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% cũng tác động đến tỷ lệ huy động và cho vay của các ngân hàng.
Việc điều chỉnh tăng LS và các chương trình khuyến mại để hút khách hàng gửi tiền không chỉ diễn ra với các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, mà đã buộc cả ngân hàng có quy mô lớn và uy tín cao cũng phải "xem xét". Theo ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, mặc dù vẫn phải cân nhắc trong điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhưng Vietcombank vẫn có những nỗ lực gia tăng tiện ích cho khách hàng gửi tiền, với mục đích huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Vietcombank là một trong những ngân hàng đẩy mạnh thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ nên nhu cầu vốn cũng rất lớn.
Ông Thanh cho biết, tính đến nay, dư nợ cho vay của Ngân hàng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng; huy động vốn (thị trường một và hai) đạt 240.000 tỷ đồng.
Ngoài lý do nhu cầu vốn, cũng có ý kiến cho rằng, động thái tăng lãi suất của ngân hàng hiện nay nhằm đảm bảo tốt thanh khoản trước dự báo nguy cơ lạm phát tăng trở lại. Bài học lớn của năm trước đã để lại nhiều kinh nghiệm trong điều hành lãi suất của các ngân hàng hiện nay. Khi chỉ số giá tăng lên, ngân hàng nào có nguồn vốn tốt là ngân hàng được lợi, và ngược lại.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ "hậu khủng hoảng". Theo ông Lịch, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, phần thời gian còn lại của năm nay và năm 2010 có thể xem là thời kỳ hồi phục. Tuy nhiên, khả năng tái lạm phát có thể diễn ra.
Theo dự đoán của ông Lịch, chỉ số giá tiêu dùng quý IV này sẽ tăng trên 1%, trong khi cùng kỳ năm trước là âm. Do đó, việc có tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ và tăng chi ngân sách hay không đang là vấn đề phải cân nhắc. Song nếu điều chỉnh lãi suất cơ bản trong lúc này, ông Lịch cho rằng, không phải thời điểm phù hợp, vì lãi suất tăng sẽ đội chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Vân Linh
Đầut ư chứng khoán
|