Thứ Ba, 06/10/2009 06:15

Đua lãi suất: Hại hơn lợi

Lãi suất cơ bản tháng 10-2009 vẫn ở mức 7%/năm. Không có tín hiệu nào từ Ngân hàng (NH) Nhà nước để NH tăng lãi suất. Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động vẫn tăng, thỏa thuận ổn định lãi suất của Hiệp hội NH có nguy cơ bị phá vỡ.

Các NH muốn tăng thêm lãi suất nhưng cũng có nhiều biện pháp được triển khai nhằm kìm cương cuộc đua lãi suất. Lý do là nền kinh tế cần nguồn vốn có giá thấp, lãi suất cao không chỉ khó cho NH mà cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Anh cả vào cuộc

Theo các chuyên gia, việc các NH tăng lãi suất chẳng khác nào khơi dòng chảy để đưa vốn từ NH này sang NH khác có lãi suất cao hơn chứ khó lòng thu hút thêm nguồn vốn mới. Bởi lẽ trong các kênh đầu tư, hiện nay gửi tiền NH không hấp dẫn bằng đầu tư chứng khoán và bất động sản.

Cung - cầu vốn tăng sẽ dẫn đến lãi suất tăng. Tuy nhiên, nếu cứ tuân theo quy luật này thì lãi suất cho vay sẽ nhảy dựng lên. Trong khi đó, Chính phủ đang phải chi hàng ngàn tỉ đồng để bù lãi suất cho người vay vốn nhằm giảm bớt chi phí sản xuất kinh doanh. Đó là một nghịch lý.

Tuần qua đã có thêm anh cả của hệ thống NH là các NH thương mại nhà nước tăng thêm lãi suất huy động cho “bằng chị, bằng em”. NH Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cùng tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng: VND tăng 0,1-0,2%/năm, đạt 8,7-8,8%/năm cho kỳ hạn 18-24 tháng; USD thêm 0,2-0,5%/năm, trên 12 tháng có lãi suất 2-2,5%/năm. Nhóm NH cổ phần tăng thêm 0,1-0,3% cho lãi suất VND, kỳ hạn 12 tháng đạt 8,8-8,9%/năm; USD thêm 0,1-0,2%, kỳ hạn 12 tháng đạt 2,6-3%/năm.

Không chỉ lãi suất ở các kỳ hạn dài, gần đây các kỳ hạn tiền gửi 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng đã được nhiều NH tăng nhiều lần, trong đó chênh lệch lãi suất giữa các kỳ hạn cũng được giãn ra, tăng lên 0,1-0,2%.

Phổ biến kỳ hạn 1 tháng là 8,69%/năm, 3 tháng 9%/năm, 6 tháng 9,3%/năm, 12 tháng là 9,5-9,7%/năm, riêng các kỳ hạn từ 2-3 năm trên 10%/năm. Mức lãi suất này chưa phải là quá nóng nhưng cũng gây áp lực cho NH chưa tăng lãi suất.

1.001 lý do tăng lãi suất

Theo bà Dương Thu Hương - tổng thư ký Hiệp hội NH, có NH đưa lãi suất lên 10,5%/năm nhưng vẫn khó hút vốn. Hơn nữa, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ấm lên buộc các NH phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng. Giới chuyên gia cũng đưa ra những khuyến cáo không nên tăng lãi suất trong bối cảnh hiện nay vì khả năng lạm phát sẽ được kiềm chế dưới một con số. So với tốc độ lạm phát hiện nay, gửi tiền với mức lãi suất hiện nay là vẫn thực dương. Áp lực chi phí mà các NH phải gánh sẽ rất lớn nếu lãi suất vẫn bị đẩy lên cao.

Kìm cuộc đua lãi suất

Nhiều tuần qua, Hiệp hội NH đã thấy mặt trái của việc đua lãi suất huy động nên cùng các NH thành viên thỏa thuận sẽ kìm chân cuộc đua này. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản của NH Nhà nước đã phát đi một tín hiệu rõ ràng là sẽ điều hành thị trường tiền tệ theo hướng ổn định trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn, việc giữ nguyên lãi suất cơ bản cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nên chi phí đồng vốn của doanh nghiệp có thể tạm ổn định. Điều này giúp doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo đồng vốn có khả năng đắt đỏ hơn do lạm phát có dấu hiệu tăng cao, khiến quyết định thắt chặt tín dụng có thể được đưa ra như một số đồn đoán trước đó. Sự ổn định của thị trường tiền tệ còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn như kế hoạch đã định.

Còn theo ông Hồ Hữu Hạnh - giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, các NH vẫn tăng lãi suất dù lãi suất cơ bản không đổi, ngoài lý do cần vốn còn do NH muốn giữ khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh về thị phần tiền gửi. Hiện nay, thanh khoản của các NH vẫn được đảm bảo tốt. Nhưng nếu không thận trọng và mải chạy theo cuộc đua tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và không có lợi cho nền kinh tế.

Việc kìm lãi suất huy động có thể thiệt hại cho người gửi tiền nhưng nếu để thị trường quyết định sẽ dẫn đến lãi suất cao, đẩy các doanh nghiệp vào cảnh khó khăn, chi phí sản xuất tăng, giá thành tăng, sản phẩm khó tiêu thụ. Nếu để lãi suất cao sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cũng như tăng nhanh xuất khẩu khi kinh tế thế giới hồi phục.

Theo một số chuyên gia, kìm lãi suất huy động chưa hẳn người gửi tiền đã bị thiệt vì hiện nay gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương rất cao nhờ lạm phát ở mức thấp. Nếu cân đo thì người gửi tiền tiết kiệm chỉ không được lợi nhiều do việc kiểm soát đà tăng của lãi suất huy động.

Theo một số NH, phải tăng lãi suất huy động ngoài lý do cho bằng với mặt bằng chung còn nhằm chuẩn bị vốn để cho vay nếu gói kích thích kinh tế được triển khai. Mặt khác, các NH cũng tranh thủ mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp nhờ lạm phát thấp để đẩy lãi suất ở các kỳ hạn gửi dài lên cao, tạo ra sự khác biệt nhằm huy động nguồn vốn dài hạn có lãi suất rẻ. Như vậy, các đợt tăng lãi suất đang diễn ra chủ yếu là chuẩn bị cho tương lai. Theo các NH, không huy động lúc này thì trong những tháng tới khó có được nguồn vốn rẻ.

Nhưng cũng có lý do để NH tăng lãi suất. Theo phó tổng giám đốc một NH thì người gửi tiền chỉ muốn gửi các kỳ hạn ngắn, buộc NH phải tăng lãi suất huy động ngắn ngày để hút khách, sau đó mới triển khai những chương trình tiếp theo để số khách hàng gửi tiền hiện tại có thể ở lại lâu dài với NH.

M.Khanh

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   MB: Xếp hạng tín dụng nội bộ giúp kinh doanh hiệu quả (05/10/2009)

>   Hội nghị thường niên IMF/WB năm 2009 (04/10/2009)

>   Rủi ro từ cho vay mua nông sản (03/10/2009)

>   Lãi suất “bắt nhịp” cung cầu hay đón đầu phục hồi kinh tế? (03/10/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 408.206 tỷ đồng (02/10/2009)

>   Chính phủ đánh giá hiệu quả gói kích thích kinh tế (02/10/2009)

>   Đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn (02/10/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: Ngân hàng ngại trách nhiệm (02/10/2009)

>   Không cần thực hiện gói kích cầu thứ hai (01/10/2009)

>   HDBank tăng lãi suất huy động ngắn hạn (01/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật