Thứ Năm, 01/10/2009 16:42

Không cần thực hiện gói kích cầu thứ hai

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng việc hỗ trợ lãi suất đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã phát sinh tình trạng bất công bằng và không cần thêm gói kích cầu thứ hai.

Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ tại cuộc họp toàn thể Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ngày 30/9, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả kiểm tra, thanh tra tại các địa phương thời gian qua cho thấy các vướng mắc chủ yếu trong thực hiện hỗ trợ lãi suất là thủ tục, hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ và chưa đúng quy định của cơ chế cho vay thông thường.

Bên cạnh đó có một số ít trường hợp cho vay chưa đúng đối tượng hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã thu hồi nợ gốc và lãi.

Đánh giá của Ngân hàng nhà nước cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên việc áp dụng trong ngắn hạn đã phát sinh tình trạng không công bằng do mức hỗ trợ lãi suất tiền vay 4 phần trăm là khá lớn. Đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế nên nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ông Tiến cũng cho biết đại diện IMF, WB và các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng đã khuyến nghị với Chính phủ cần kiềm chế việc tăng chi ngân sách đã dự tính theo kế hoạch kích thích kinh tế và một số chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất cần được xóa bỏ hơn dự kiến.

Về việc có nên tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất hay thực hiện gói kích cầu thứ hai, ông Tiến cho rằng trong những tháng cuối năm 2009, suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn, nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay phát sinh trong năm như vậy về thời hạn thực hiện hỗ trợ hỗ trợ lãi suất đã được công khai ngay từ khi triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất chuẩn bị về tâm lý, ít bị sốc khi cơ chế hỗ trợ lãi suất được chấm dứt vào cuối năm 2009.

“Những biểu hiện không tích cực của cơ chế hỗ trợ lãi suất đã bộc lộ, tác động không thuận lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng”- Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ông Tiến cũng cho rằng thay vì thêm một gói kích cầu thứ hai, Chính phủ có thể tập trung vào việc đẩy mạnh các cải cách như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ chế hợp lý.

Kích cầu khu vực nông thôn: Vì sao thấp?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết chủ trương cho vay kích cầu với khu vực nông thôn ra đời muộn, giữa tháng 4 nên đến nay dư nợ cho vay với nhóm này ở mức rất thấp, chiếm 2% trên tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất.

Tính riêng ở Quảng Nam cơ cấu tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm có 11 phần trăm tổng dư nợ. Việc vốn kích cầu không được giải ngân mạnh trong nhóm đối tượng này một phần cũng do thông tin về việc cho vay đến bà con nông dân còn hạn chế.

Cùng với đó thời gian cho vay ngắn với các đối tượng này được đánh giá là ngắn. Máy móc thiết bị chỉ được hỗ trợ cho vay trong 2 năm, làm nhà ở 1 năm. Với những đối tượng ở khu vực nông thôn, thời gian như vậy quá ngắn. Cùng với đó thủ tục cho vay vẫn còn khó khăn. Người dân thấy thủ tục phức tạp hơn so với vay theo cơ chế thông thường nên cũng không mặn mà.

Chỉ tính riêng quy định việc mua sắm máy móc thiết bị phải mua máy móc trong nước sản xuất mà không tính đến chất lượng, hiệu quả và giá thành cũng là yếu tố khiến người dân ngại không muốn tiếp cận các khoản vay hỗ trợ.

“Thiết bị của Việt Nam là đơn năng, còn thiết bị nước ngoài là đa năng và giá luôn rẻ hơn. Điển hình như máy sấy lúa của Trung Quốc bán 10 triệu trong khi của Việt Nam bán tới 15 triệu nên người dân cũng không muốn vay. Tôi cho rằng nên điều chỉnh lại chính sách cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn”- Ông Sỹ kiến nghị.

Ông Tiến cũng thừa nhận cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 479/QĐ-TTg hiện đạt kết quả thấp. Mới có 461,58 tỉ đồng được giải ngân. Việc này do có sự trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất giữa quyết định số 131 và quyết định số 443 trong việc cho vay mua sắm máy móc thiết bị, cơ khí, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tán đồng ý kiến trên, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương, ông Lê Đình Khanh cũng cho rằng cơ chế hỗ trợ cho khu vực nông thôn cũng có những hạn chế và cơ chế cho vay chưa tập trung định hướng để cơ cấu lại nền kinh tế.

Điển hình như người nông dân vay tiền làm nhà thì chỉ được hỗ trợ cho vay trong 12 tháng trong khi vay mua máy móc, thiết bị được hỗ trợ trong 24 tháng. Cùng với đó chưa có quy định, cơ chế khuyến khích rõ ràng về việc các doanh nghiệp, hộ nông dân khi vay vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Đây là điều bất hợp lý.

Báo cáo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả khảo sát ở một số địa phương, ngân hàng thương mại cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã có tác động giảm chi phí vay vốn 36,6 phần trăm ở TP. Hồ Chí Minh; giảm 30 phần trăm ở Thừa Thiên – Huế; giảm 36,64 phần trăm ở 72 doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu; giảm 35 phần trăm đối với các doanh nghiệp chế biến bột cá, vận tải, sản xuất nhựa, cơ khí, chế biến cà phê vay vốn tại ngân hàng công thương Việt Nam; hạ giá thành sản phẩm từ hai đến 4,65 phần trăm ở TP. Hồ Chí Minh; 4 phần trăm ở Hưng Yên.

Phạm Tuyên

Tiền Phong

Các tin tức khác

>   HDBank tăng lãi suất huy động ngắn hạn (01/10/2009)

>   Thận trọng hơn với tín dụng cá nhân  (01/10/2009)

>   Tháng 12, sẽ khai mạc Banking Việt Nam 2009 (01/10/2009)

>   Bán chéo sản phẩm tài chính: Đến thời điểm bùng nổ (10/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật