Thứ Bảy, 03/10/2009 11:58

Rủi ro từ cho vay mua nông sản

Thời gian qua, giá nông sản trong và ngoài nước biến động thất thường. Để hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn mua nông sản dự trữ, đồng thời góp phần giữ giá cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, một số ngân hàng đã cho các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản vay theo nhiều hình thức, kể cả cho vay tín chấp hoặc khi chưa có hợp đồng xuất khẩu.

Ngân hàng mạnh tay cho vay

Ngoài các ngân ngân hàng có thế mạnh truyền thống cho vay mua nông sản như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), trong thời gian gần đây, một số ngân hàng khác cũng đã cung cấp dịch vụ này, như Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và mới đây nhất là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Trong thời gian qua, VIB đã triển khai ba chương trình hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp kinh doanh chế biến gạo, thủy sản và cà phê với nguồn vốn tín dụng khoảng 3.500 tỉ đồng. Chương trình cho vay của VIB có lãi suất ưu đãi, thủ tục vay đơn giản như cho vay tín chấp, nhận thế chấp hàng tồn kho luân chuyển, cho vay chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu, cho vay mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu và tài trợ xuất khẩu bằng tiền đồng.

Mặc dù ACB mới triển khai chương trình hỗ trợ cho vay mua gạo khoảng một tháng nay, nhưng dư nợ của mảng này đã vượt 400 tỉ đồng. Hiện nay, ngoài việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu mua gạo dự trữ, ACB cũng hỗ trợ cho một số khách hàng đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản.

Nói về việc tài trợ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, ông Đỗ Minh Tòan, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết trong lúc này tăng trưởng của các ngân hàng đều ở mức tương đối cao. Song với ACB có điểm khác biệt là từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 35%, nhưng tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động được của ACB lại quá thấp, dưới 50%. Do đó, “chúng tôi đã tính toán được cơ hội cho mình cũng như giúp doanh nghiệp phát triển, đồng thời đây cũng là cơ hội để ACB giành thêm thị phần”.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, tiêu, điều trở thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua giá cả nông sản biến động mạnh, để ổn định được khâu mua và chế biến, nhất là về giá cả cho nông sản, chuyên gia tài chính và đầu tư Đinh Thế Hiển cho rằng rất cần có sự hỗ trợ của ngân hàng để ngành này phát triển.

Theo ông Toàn, việc cho vay mua nông sản sẽ có lợi cho cả hai phía. Ngân hàng giải quyết được đầu ra tín dụng và sẽ được doanh nghiệp ưu tiên bán ngoại tệ sau khi có nguồn thu từ xuất khẩu. Ngân hàng sẽ có nguồn ngoại tệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhập khẩu, còn doanh nghiệp sẽ được ngân hàng hỗ trợ vốn vay.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng bắt đầu tài trợ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản khoảng năm năm trở lại đây, hình thức này hiện đang trở thành thế mạnh của Techcombank. Cho vay mua nông sản hiện chiếm 21% tổng dư nợ của ngân hàng, tương đương gần 4.000 tỉ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, số tiền dành cho dịch vụ này là hơn 1.000 tỉ. Nếu thấy chiều hướng tiến triển tốt, Techcombank có thể hỗ trợ tối đa 2.000 tỉ trong năm nay. Mặc dù nhu cầu vay của các doanh nghiệp còn rất lớn, tuy nhiên Techcombank không thể tăng thêm vốn vay, một mặt phòng ngừa rủi ro, mặt khác do Ngân hàng Nhà nước hạn chế tăng trưởng tín dụng ở mức 25-30% trong năm nay, trong khi Techcombank đã đạt mức tăng hơn 20%.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, tiêu, điều trở thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua giá cả nông sản biến động mạnh, để ổn định được khâu mua và chế biến, nhất là về giá cả cho nông sản, chuyên gia tài chính và đầu tư Đinh Thế Hiển cho rằng rất cần có sự hỗ trợ của ngân hàng để ngành này phát triển. Mặt khác, các ngân hàng cũng có nhu cầu mua ngoại tệ, do vậy việc mạnh tay cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh chế biến nông sản là có lợi cho cả đôi bên.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng việc cho vay mua nông sản dự trữ, kể cả khi doanh nghiệp chưa có hợp đồng xuất khẩu là khá rủi ro trong quá trình triển khai tín dụng. Mặt khác, doanh nghiệp mua nông sản chủ yếu là mua hàng trôi nổi trong dân, không có hóa đơn chứng từ, do vậy giả sử doanh nghiệp khai khống số liệu để tăng tỷ lệ được vay, nếu ngân hàng không có hệ thống quản trị rủi ro tốt sẽ hết sức nguy hiểm. Chưa kể đối với các ngành hàng nông sản chịu ảnh hưởng không chỉ ở các yếu tố cung cầu thông thường mà cả yếu tố thời tiết, nếu ngân hàng dự báo sai, mùa màng thất bát, giá xuất khẩu giảm thì rủi ro từ các khoản cho vay trên là rất cao.

Những giải pháp ngăn ngừa rủi ro

Về phía ngân hàng, bà Tâm thừa nhận, việc cho các doanh nghiệp vay mua nông sản là hết sức rủi ro. Tuy nhiên, mức độ còn tùy thuộc vào hệ thống quản trị rủi ro của từng ngân hàng. Techcombank đã thiết lập cho mình một hệ thống quản lý phòng ngừa rủi ro, dựa trên các báo cáo, phân tích và dự báo thị trường bằng phương pháp dự báo định lượng có kiểm định của đội ngũ chuyên gia ngành hàng, theo dõi sát sao diễn biến mùa màng, giá cả của thị trường trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu những rủi ro cho ngân hàng.

Ngoài ra, Techcombank còn cung cấp cho khách hàng giải pháp phòng ngừa rủi ro và các công cụ tài chính với hợp đồng kỳ hạn (forward), quyền lựa chọn (option), giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap), hợp đồng tương lai hàng hóa (futures contract)… Techcombank cho vay có chọn lọc, dựa trên xếp hạng doanh nghiệp, thẩm định chặt chẽ kế hoạch sản xuất kinh doanh và năng lực thực tế của doanh nghiệp. Khi cho vay, Techcombank sẽ có những điều chỉnh hợp lý về quy định vay vốn, về yếu tố rủi ro của khoản cho vay.

Một điều quan trọng hơn đã được Techcombank tính tới là phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội kinh doanh nông sản, tạo ra cơ chế mở về mặt thông tin, để ngân hàng có thể nắm được tình hình cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngân hàng cũng sẽ không giải ngân cho những hợp đồng vay mà giá của loại nông sản đó trên thị trường chưa bình ổn ở mức hợp lý.

Còn với ACB, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, ngân hàng đã xây dựng những tiêu chí nhằm lựa chọn khách hàng để cho vay. ACB tập trung vào những doanh nghiệp là đầu mối xuất khẩu gạo thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II). Bên cạnh đó, ACB cũng hỗ trợ vốn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo tư nhân có năng lực xuất khẩu và đầu ra ổn định. Đối với sản phẩm hạt điều và thủy sản, ACB chỉ chọn những doanh nghiệp truyền thống lâu năm để cho vay.

Các doanh nghiệp chưa có hợp đồng đầu ra, trước khi cho vay, ACB căn cứ vào năng lực xuất khẩu trong vòng ba năm gần nhất. Vì đối với những doanh nghiệp này, theo ACB, chắc chắn họ biết rất rõ khi mua nông sản dự trữ sẽ có lợi gì và liệu có khả năng tiêu thụ được hay không.

ACB còn kiểm tra kỹ việc doanh nghiệp tổ chức quản lý hàng tồn kho như thế nào. Bởi nếu doanh nghiệp không tổ chức tốt khâu quản lý hàng tồn kho sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Đồng thời, các doanh nghiệp buộc phải mua bảo hiểm hàng hóa và có chế độ xử lý về hư tổn… Ngoài ra, ACB cho vay và giải ngân theo tiến độ. Khi giải ngân xong, ACB sẽ kiểm tra hàng đối ứng của doanh nghiệp xem giá trị có đảm bảo hay không, sau đó mới ký các hợp đồng tài trợ vốn tiếp theo.

Mạnh Quân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Lãi suất “bắt nhịp” cung cầu hay đón đầu phục hồi kinh tế? (03/10/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 408.206 tỷ đồng (02/10/2009)

>   Chính phủ đánh giá hiệu quả gói kích thích kinh tế (02/10/2009)

>   Đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn (02/10/2009)

>   Hỗ trợ lãi suất: Ngân hàng ngại trách nhiệm (02/10/2009)

>   Không cần thực hiện gói kích cầu thứ hai (01/10/2009)

>   HDBank tăng lãi suất huy động ngắn hạn (01/10/2009)

>   Thận trọng hơn với tín dụng cá nhân  (01/10/2009)

>   Tháng 12, sẽ khai mạc Banking Việt Nam 2009 (01/10/2009)

>   Bán chéo sản phẩm tài chính: Đến thời điểm bùng nổ (10/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật