Khi doanh nghiệp và ngân hàng đều phải tính!
Tuần qua, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục tăng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng nhẹ. Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp phải làm gì để tự chủ hoạt động trước chính sách tiền tệ “ít nới lỏng” do kỳ vọng lạm phát đang tăng?
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần qua, lãi suất trên thị trường tiếp tục xu hướng tăng, giới hạn chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) chỉ còn 1,5% so với 2,7% của năm 2008.
Cầu vốn tăng
Do lãi suất huy động tăng nên lãi suất cho vay hầu hết ở các ngân hàng đều kịch trần (10,5%/năm). Thậm chí, kể từ 14/9 trở đi, có ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động lên 10,05%/năm với kỳ hạn 36 tháng và NIM của kỳ hạn này chỉ còn 0,45%/năm!
Cùng đó, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần tăng khoảng 0,03%/năm.
Xin nói thêm, nếu như trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản 7585/NHNN -CSTT ngày 19/8/2008, lãi suất liên ngân hàng lúc đó vọt quá 40%/năm thì nay, loại lãi suất này bị “nhốt” chung vào khung điều chỉnh của Quyết định 16/2008/QĐ - NHNN.
Vì vậy, món lợi từ những ngân hàng có vốn nhưng “chuyên kinh doanh trên lưng kẻ khác” mà không tập trung vào nền kinh tế không còn nhiều và thực tế này đã góp phần đưa lãi suất thị trường ổn định hơn.
Tại sao lãi suất tăng và điều này có trở thành xu hướng? Chúng có liên quan gì đến kỳ vọng lạm phát và lãi suất điều hành?
Giám đốc một ngân hàng thương mại phân tích: “Mặc dù tính thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở mức độ khá ổn định nhưng hiện tại, do các ngân hàng thương mại đang chuẩn bị nguồn vốn ngắn hạn, thậm chí cả trung, dài hạn cho thời gian tới nên họ đẩy mạnh huy động”.
Một lý do khác, rất có thể Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất để tránh hụt hẫng cho các doanh nghiệp sau thời gian được hưởng lợi từ gói kích cầu dành cho nguồn vốn lưu động.
Theo vị giám đốc trên, khi có thêm gói kích cầu, sẽ đính kèm yếu tố lạm phát và do đó, các cơ quan điều hành không thể lơ là với vấn đề này. Dĩ nhiên, lạm phát ở mức độ nào thì phải có những đánh giá chi tiết nhưng nhìn chung, có vẻ như trong hoạt động kinh tế vi mô và vĩ mô, đang có sự chuẩn bị để đối phó với khả năng không mong đợi này.
Theo đó, một khi lạm phát được kỳ vọng thì yếu tố lãi suất cũng được kỳ vọng theo. Trong điều kiện các công cụ điều hành lãi suất chưa được nới thêm, lãi suất thị trường đang ở mức thấp so với kỳ vọng thì các ngân hàng buộc phải nhanh chân tăng lãi suất huy động để thu hút một lượng vốn giá rẻ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho mở rộng đầu tư giai đoạn hậu suy giảm kinh tế là hiển nhiên.
Bài toàn khó
Liên quan đến câu chuyện này, có hai vấn đề đặt ra: Giả định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản, khống chế trần lãi suất thị trường thì các ngân hàng tự cân đối lợi nhuận như thế nào? Đồng thời, doanh nghiệp ứng xử với đòn bẩy tài chính ra sao?
Trong điều kiện lãi suất cơ bản tiếp tục giữ nguyên ít nhất đến hết 2009 (quan điểm của Ngân hàng Nhà nước), rõ ràng giới hạn NIM của các ngân hàng rất thấp.
Âm ỉ hoặc thậm chí công khai lên tiếng, một số ngân hàng thương mại rất mong muốn Ngân hàng Nhà nước “dỡ” trần lãi suất cơ bản, để họ tự ấn định lãi suất kinh doanh vì e ngại áp lực từ phía cổ đông do khó cân đối lợi nhuận.
Tuy nhiên, tại Hội thảo “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp miền Trung sau thời kỳ khủng hoảng” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và LienVietBank tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12/9, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ bày tỏ: “ Xét về chênh lệch lãi suất hiện nay, theo lãi suất trần, chênh lệch thực tế chỉ còn khoảng hơn 1,5% so với 2,7% của năm 2008 nhưng do nguồn vốn tự có của các ngân hàng lớn, trong khi tăng trưởng tín dụng vẫn cao nên phần thu nhập vẫn tăng”.
Cũng theo ông Bảo, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang chịu sức ép phải tăng lãi suất cơ bản để nâng lãi suất trần nhưng quan điểm của Chính phủ là vẫn giữ ổn định. Nếu ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động thì phải tự tính toán cân đối an toàn cũng như lợi nhuận.
Như vậy, trước mắt, vấn đề lợi nhuận của ngân hàng thương mại không thực sự đáng lo do phần lớn các ngân hàng đều có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng và trong bảng cân đối kế toán, lợi nhuận từ nguồn lực này chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Nếu như kỳ vọng về lạm phát và lãi suất điều hành không diễn ra theo tính toán của ngân hàng thương mại và trong khi áp lực đè lên ngân hàng (do giá vốn huy động cao nhưng chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt) thì liệu các doanh nghiệp vay vốn có “kê cao gối để mà ngủ” nhờ được hưởng lợi từ giá vốn thấp?
Theo một chuyên gia tài chính, kể cả khi giá vốn rẻ thì doanh nghiệp cũng không nên lệ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, không thể quyết định tài trợ cho phần lớn tài sản của mình bằng nợ vay, nhất là khi không thể tin chắc rằng tỷ suất sinh lời trên tài sản cao hơn lãi suất vay nợ.
Bởi thế, ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank cho rằng, trong điều kiện giá vốn đang rẻ, doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu hoạt động cũng như tận dụng khả năng tư vấn hiệu quả dự án từ phía các ngân hàng.
Hiện tại, một số ngân hàng như LienVietBank, TienPhongBank, BaoVietBank khi tài trợ dự án thường cung cấp miễn phí dịch vụ tính toán hiệu quả sử dụng đồng vốn nếu doanh nghiệp có nhu cầu.
Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đón nhận ưu ái này vì sự đời “tự vạch áo cho người xem lưng” khi ai đó “nhòm ngó” đến sổ sách!
Nguyễn Hoài
TBKTVN
|