Chưa tăng thuế tài nguyên, DN đã kêu
Luật Thuế tài nguyên đang được Bộ Tài chính xây dựng để trình Quốc hội ban hành trong năm nay. Về vơ bản, các mức thuế suất trong dự thảo mới không có gì thay đổi nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lại kêu ca đòi giảm thuế.
Theo dự thảo, mức thuế đánh vào tài nguyên không có gì thay đổi so với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên năm 2008. Dự thảo lần này chủ yếu thay đổi một số vấn đề kỹ thuật trong cách tính thuế, giá tính thuế cũng như cách tính khối lượng.
Cụ thể, khoáng sản kim loại có khung thuế từ 5 – 30%; khoáng sản không kim loại 3 – 15%; dầu thô 6 – 30%; khí thiên nhiên, khí than 0 - 25%; sản phẩm rừng tự nhiên: 10 - 40%; thuỷ sản tự nhiên 1 – 2 %. Nước thiên nhiên 0 – 5%; nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thuỷ điện 2 – 5%. Tài nguyên thiên nhiên khác 0 - 20%.
Biểu thuế suất này mới được nâng lên trong năm 2008 với mục tiêu chính là yêu cầu các đối tượng khai thác và sử dụng tài nguyên sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Bên cạnh đó, còn có mục tiêu tăng thu ngân sách từ nguồn quan trọng này vì hiện nay mức đóng góp của nguồn này trong ngân sách quốc gia được cho là không tương xứng.
Điều này cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia vì đa số tài nguyên Việt Nam hiện vẫn được khai thác và xuất thô, khiến cho thế mạnh này không được tận dụng vào để tạo nguồn lực cho đất nước và nguồn thu ngân sách cũng hạn chế.
Tuy nhiên, trong lần tham khảo ý kiến các DN mới đây để đóng góp cho dự thảo này, dù mức thuế không tăng nhưng các DN kinh doanh trong lĩnh vực này lại được dịp kêu ca mức thuế hiện nay đánh vào khai thác tài nguyên là quá cao và không thu hút được đầu tư. Thậm chí, các DN lại nhất loạt kiến nghị giảm khung thuế suất đối với hầu hết các loại tài nguyên và coi đây là biện pháp quan trọng để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Một trong những lý do được các DN đưa ra là, Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú, cần khai thác hợp lý để phục vụ phát triển. Tuy nhiên, do thuế suất chưa hợp lý nên khó thu hút đầu tư vào mảng này. Vốn đăng ký nước ngoài vào mảng này chỉ chiếm 1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài tư năm 2009.
Chính vì thế, ông Bill Howell - Chuyên gia kinh tế thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, cho rằng, nếu Luật Thuế tài nguyên được thông qua sẽ khiến Việt Nam mất đi lợi thế so với các nước trong khu vực khi có mức thuế hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội kinh doanh Vàng cũng cho rằng, với mức thuế suất này thì các DN khai thác vàng sẽ phải đóng cửa và mua bán vàng lậu và khai thác lậu sẽ gia tăng. Còn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng cho rằng, với mức thuế này thì không ai dám đầu tư trồng và khai thác rừng. Mục tiêu khuyến khích đầu tư trồng và khai thác rừng hợp lý khó phát triển mà trái lại khai thác gỗ vẫn hoành hành.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính lại cho rằng, mức thuế trong dự thảo không có gì thay đổi so với hiện hành, nó phù hợp với mục đích bảo vệ khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm và hiệu quả. Cho nên không có ý định thay đổi. Còn những vấn đề của các nhà đầu tư lo ngại, không hẳn do nguyên nhân hoàn toàn từ thuế.
Phước Hà
Vietnamnet
|