Lãi suất huy động VND sẽ hết “nóng”?
Sau những biến động nhanh và mạnh trong tháng 8 và đầu tháng 9, lãi suất huy động VND dự báo sẽ ổn định ở những tháng cuối năm.
Cuối tuần qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phát đi một thông điệp đáng chú ý: Các ngân hàng hội viên đã đạt được đồng thuận giữ ổn định thị trường tiền tệ những tháng cuối năm.
VNBA cho rằng, từ trung tuần tháng 8/2009 đến nay, một loạt các ngân hàng thương mại đã tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn, ít nhiều dẫn đến sự xáo trộn vốn giữa các ngân hàng thương mại, không có lợi cho hoạt động kinh doanh. Đầu mối này đã tổ chức gặp mặt các thành viên và đã tìm được tiếng nói chung ở thông điệp trên.
Trên thực tế, sau những lần điều chỉnh vừa qua, cuộc đua lãi suất huy động VND đã lên gần hết độ “nóng”, theo cơ chế điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện hành, cũng như theo khả năng sinh lãi từ tín dụng của các nhà băng.
Trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản bằng VND ở mức 7%/năm; lãi suất cho vay tối đa đối với doanh nghiệp theo đó ấn định ở mức 10,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại hiện đã tăng cao, nhiều thành viên đã áp quanh mức 10%/năm. Dư địa để lãi suất huy động VND tiếp tục tăng đã rất hẹp.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố gần đây của Standard Chartered và Business Monitor International (BMI) về tình hình kinh tế Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến chính sách tiền tệ, dự báo chung được đưa ra đều tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản 7% cho đến hết năm, trước khi xem xét để có thể có những điều chỉnh.
TS. Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, lãi suất cơ bản dự kiến sẽ được giữ ổn định ở mức 7%/năm như hiện nay, trần lãi suất cho vay tối đa đối với doanh nghiệp vẫn là 10,5%/năm. Theo đó, các ngân hàng cần phải xem xét để có những điều chỉnh, cơ cấu hợp lý để đảm bảo khả năng sinh lãi, khi tỷ lệ lãi biên hiện chỉ còn khoảng 1,5%, trong khi năm 2008 là 2,7%.
Về định hướng cơ cấu, ông Bảo một lần nữa khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng thương mại cần có cơ cấu giảm bớt tín dụng vào bất động sản, chứng khoán để tập trung cho vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Trước một số thông tin phản ánh về khó khăn của các ngân hàng thương mại khi thực hiện cơ chế trần lãi suất (lãi suất cho vay tối đa theo 150% lãi suất cơ bản), lãnh đạo vụ chức năng này cũng khẳng định cơ chế đó vẫn cần và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới; hiện chưa phải là thời điểm để thực hiện tự do hóa lãi suất.
Với lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ nguyên, theo cơ chế trần lãi suất, lãi suất huy động VND thời gian tới sẽ ổn định.
Những ngày gần đây, một số ngân hàng vẫn tiếp tục có điều chỉnh, nhưng chỉ tập trung ở các kỳ hạn còn dư địa tăng thêm. Ngoài ra, một số thành viên cũng đã có những điều chỉnh trong cơ cấu các kỳ hạn để tạo thêm hấp dẫn và lựa chọn cho người gửi tiền. Tại Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBAnk) hay Ngân hàng Phương Đông (OCB)…, các kỳ hạn mới như 13 tháng, 18 tháng đã bắt đầu được bổ sung.
Minh Đức
TBKTVN
|