Huy động ngoại tệ: Đỉnh lãi suất đang tăng dần
Nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp tăng là động lực khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi USD.
Lãi suất huy động USD tiếp tục có xu hướng tăng, với mức tăng từ 0,4 - 1,8%/năm so với đầu tháng 8/2009. Mức đỉnh đang được Habubank áp dụng là 4,15%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Mới đây, SCB cũng tăng lãi suất huy động USD kỳ hạn 1 - 60 tháng, với biên độ tăng từ 0,1 - 0,7%/năm. Mức cao nhất được SCB áp dụng cho kỳ hạn 60 tháng là 4%/năm.
Theo SCB, việc tăng lãi suất huy động USD, đặc biệt ở các kỳ hạn gửi dài là nhằm mang đến lãi suất cạnh tranh cho khách hàng tiền gửi cũng như đảm bảo nhu cầu vay ngoại tệ của DN. Song song với việc tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, các ngân hàng cũng điều chỉnh dần lãi suất cho vay bằng USD với mức tăng từ 0,5 - 1,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay USD của nhóm NHTM nhà nước phổ biến ở mức 3 - 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của nhóm NHTM cổ phần ở mức 4 - 5%/năm; cho vay trung và dài hạn là 6 - 8%/năm.
Các ngân hàng cho biết, nhu cầu vay ngoại tệ đang có xu hướng tăng lên sau một thời gian dài các DN e ngại vì sợ rủi ro. Các nhà nhập khẩu đã quay lại ngân hàng vay ngoại tệ, thay vì tìm cách mua ngoại tệ với giá cao hơn giá niêm yết để thanh toán tiền nhập khẩu như trước. So với tiền đồng, mặt bằng lãi suất cho vay ngoại tệ hiện nay được các DN nhập khẩu cho là chấp nhận được.
Trên thực tế, trong thời gian qua, mối lo ngại lớn nhất của khách hàng là vấn đề rủi ro tỷ giá trong một thị trường có nhiều biến động và tâm lý lo ngại áp lực tái lạm phát trong nền kinh tế, nhưng nếu biết lựa chọn sản phẩm tín dụng thì vay ngoại tệ áp lực lãi suất sẽ thấp hơn. Chẳng hạn, tại Eximbank, với khách hàng nhập khẩu, Ngân hàng đảm bảo đủ nguồn ngoại tệ để cung cấp cho khách hàng vay, với lãi suất vay vốn rất thấp dưới 4%/năm. Vay vốn bằng ngoại tệ ở Eximbank, các DN nhập khẩu sẽ không còn phải lo ngại về vấn đề rủi ro tỷ giá, bởi nhờ có sản phẩm cho vay "Tài trợ nhập khẩu cố định tỷ giá", như một hình thức bảo hiểm rủi ro tỷ giá cho khách hàng. Chính nhờ sự ưu việt của sản phẩm này mà chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, doanh số cho vay khách hàng DN của Eximbank đã tăng đáng kể, đạt hơn 54 triệu USD.
Nhu cầu vay ngoại tệ tăng là động lực khiến các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi USD. Song theo số liệu thống kê vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, số dư tiền gửi bằng ngoại tệ tháng 8 lại có chiều hướng tăng chậm hơn dư nợ cho vay. Cụ thể, số dư tiền gửi ngoại tệ toàn hệ thống tháng 8/2009 ước tăng 1,04% so với cuối tháng trước. Trong khi, tín dụng bằng ngoại tệ của ngành tháng 8 lại ước tăng 1,52% so với cuối tháng trước.
Sở dĩ tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng tăng chậm hơn so với 6 tháng đầu năm là nhu cầu nắm giữ ngoại tệ của người dân không còn tăng cao. Một phần, do tỷ giá hối đoái đã phần nào ổn định hơn và các DN xuất khẩu phải tính chuyện bán ra ngoại tệ để bổ sung vào vốn lưu động, khi vốn hỗ trợ lãi suất kích cầu bằng tiền đồng đang được ngân hàng "siết" lại để đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong hạn mức cho phép. Mặt khác, kỳ vọng tỷ giá hối đoái tiếp tục tăng không được đáp ứng như mong đợi, nên việc duy trì ngoại tệ trên tài khoản của DN đang giảm dần.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM cho biết, nếu như 7 tháng đầu năm nay tổng số dư huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn tăng 8,3% thì hiện đang có xu hướng chững lại. Trong khi đó, theo ông Minh, nhu cầu vay ngoại tệ của DN được đánh giá bắt đầu tăng trưởng nhẹ. Chính vì vậy, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoại tệ là tất yếu và chưa dừng lại.
Vân Linh
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|