Thứ Bảy, 12/09/2009 09:41

BH trách nhiệm nghề nghiệp: Rộng nhưng không dễ “ăn”!

“Chúng tôi muốn mua bảo hiểm trách nhiệm cho những trường hợp sập mạng, lỗi kỹ thuật trong quá trình giao dịch, nhưng hiện tại vẫn chưa có DN bảo hiểm nào cung cấp dịch vụ này”, tổng giám đốc một sàn giao dịch vàng hiện có hơn 5.000 tài khoản NĐT đang giao dịch chia sẻ với ĐTCK. Trên thực tế, không chỉ lĩnh vực kinh doanh vàng nhiều rủi ro và còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhiều nghề nghiệp mang tính truyền thống vẫn chưa được các DN bảo hiểm khai thác đúng mức.

Có thể kể đến nhiều nghề nghiệp có tính rủi ro cao và rất cần mua bảo hiểm. Chẳng hạn, trên thế giới, các công chứng viên khi hành nghề buộc phải mua bảo hiểm nghề nghiệp bởi đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nếu công chứng viên mắc sơ xuất chính là người dân. Hiện tại, ở Việt Nam nhiều công chứng viên không mua hoặc không muốn mua. Tại Hà Nội, mới có 5 văn phòng công chứng tư mua bảo hiểm.

Một nghề nghiệp khác khá rủi ro là ngành kiểm toán đòi hỏi trách nhiệm cao của các công ty và người hành nghề. Họ hoàn toàn có thể gặp những rủi ro, nhất là khi kiểm toán các DN thành viên thị trường trong bối cảnh TTCK Việt Nam ngày càng phát triển. Theo quy định tại Thông tư 64/2004/TT-BTC, các công ty kiểm toán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiểm toán hoặc lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp để tạo nguồn chi trả bồi thường thiệt hại do lỗi của công ty gây ra cho khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán. Vậy nhưng, theo thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, hiện nay mới có 1/3 công ty kiểm toán có quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp, 12 công ty mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Trong số công ty kiểm toán đã mua bảo hiểm thì 100% là DN có vốn nước ngoài hoặc các công ty trong nước là thành viên của các hãng kiểm toán nước ngoài, trong khi hoàn toàn vắng bóng DN trong nước. Trong số hơn 150 công ty kiểm toán đang hoạt động hiện nay, con số trên quả thực ít ỏi.

Tuy nhiên, thực tế trên không phải do lĩnh vực bảo hiểm nghề nghiệp không có tiềm năng mà thực tế các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm trong nước chưa cung cấp các sản phẩm đủ hấp dẫn. Hiện nhiều công ty kiểm toán trong nước khi trở thành thành viên của các hãng kiểm toán nước ngoài đều thực hiện mua bảo hiểm ở mức cao. Chẳng hạn, năm 2008 Công ty TNHH Deloite Việt Nam mua bảo hiểm nghề nghiệp của Công ty Bảo hiểm Nautilus Indemnity Holdings là 97.613 USD/năm; Công ty UHY Việt Nam đang dự kiến mua với mức 20.000 USD/năm. Hiện nay, trong số 150 công ty kiểm toán đang hoạt động thì có 24 công ty là thành viên của các hãng nước ngoài. Với quy định bắt buộc các đơn vị này phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, rõ ràng “sân chơi” không phải không có, nhưng các DN trong nước đang “nhường” cho các DN bảo hiểm nước ngoài.

Một lĩnh vực nữa các DN bảo hiểm hoàn toàn có thể tham gia, đó là bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của trong lĩnh vực chứng khoán. Vừa qua, một loạt CTCK bị UBCK xử phạt cũng như không ít nhân sự ngành chứng khoán phải nghỉ việc hoặc chuyển công tác, nhưng thực tế là hầu như không có trường hợp nào được bảo hiểm cho các rủi ro này.

Rõ ràng, sự không mặn mà trong việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có nguyên nhân quan trọng từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Hiện tại, có những nghề nghiệp như kiến trúc sư và tư vấn được nhiều công ty triển khai bảo hiểm, do đặc thù của nghề này nhiều rủi ro và tốc độ xây dựng hiện khá lớn. Tuy nhiên, nhiều nghề nghiệp trong các lĩnh vực đặc thù như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bác sĩ, giáo viên… vẫn chưa có những sản phẩm bảo hiểm riêng biệt. Ngay cả những DN có quy mô lớn về vốn và nhân lực cũng chưa triển khai dịch vụ này. Một môi giới bảo hiểm cho biết, bên cạnh năng lực cán bộ, những quy định về pháp lý xung quanh dịch vụ này còn thiếu khiến dịch vụ chưa đầy đủ.

Đại diện một DN bảo hiểm cho biết, tất cả các trách nhiệm dân sự phát sinh của mọi ngành nghề đều có thể xem xét nhận bảo hiểm, với điều kiện là nhà bảo hiểm có số liệu thống kê để tính toán mức độ rủi ro. Hiện nay, thị trường có vài sản phẩm mang tính phổ cập bắt buộc, nhưng điều này không có nghĩa là nhóm bảo hiểm trách nhiệm không được tung ra và khó bán trong tương lai. Từng trường hợp cụ thể, khách hàng đều có thể mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trên cơ sở phí thỏa thuận, trong điều kiện đó, phí bảo hiểm cho ngành nghề cá biệt tương đối cao.

Mặc dù vậy, bên cạnh việc chưa nhanh nhạy của các DN bảo hiểm thì phải thừa nhận rằng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có phạm vi trách nhiệm khá nặng nề nên không phải DN nào muốn là làm được. Mặt khác, lĩnh vực này cũng tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến trục lợi bảo hiểm, do hành lang pháp lý về lĩnh vực này chưa thực sự chặt chẽ. Trong khi đó, cách tính phí bảo hiểm chưa thống nhất, cụ thể, cũng là nguyên nhân khiến các DN bảo hiểm vẫn dè dặt khi triển khai.

Đông Hải

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Thuế chuyển nhượng hợp đồng: Thiệt cho nhà đầu tư (12/09/2009)

>   Lo thiếu vốn! (12/09/2009)

>   Chuyện cái hóa đơn, lẽ nào chính quyền bất lực? (12/09/2009)

>   Các ngân hàng đồng thuận giữ ổn định thị trường tiền tệ (11/09/2009)

>   DN được giãn, giảm 4.600 tỷ đồng tiền thuế (11/09/2009)

>   Chiều 11/09, vàng trở lại ngưỡng lịch sử 22 triệu đồng (11/09/2009)

>   Thêm ngân hàng thực hiện sản phẩm đầu tư phái sinh (11/09/2009)

>   Trong tuần, dư nợ hỗ trợ lãi suất tăng 1,293.1 tỷ đồng (11/09/2009)

>   “Lợi ích hãng TV kiểm toán quốc tế”: Kinh nghiệm cho VN (11/09/2009)

>   Trong tuần lãi suất huy động USD của các NHTM tăng nhẹ (11/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật