Hoạt động sàn giao dịch vàng: Mở hay siết?
Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, sàn giao dịch vàng (sàn vàng) phải chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng thì ở nước ta, đến nay vẫn chưa có một quy chế chung và chưa có đơn vị nào “quản” sàn vàng! Do vậy, cùng với lợi nhuận kếch sù, sàn vàng mọc lên như nấm sau mưa.
“Thòng lọng” của “nhà cái”
Qua 6 tháng đầu năm thì các ngân hàng thương mại (NHTM) thu được không ít lợi nhuận từ sàn vàng. Trong số 1.200 tỷ đồng lợi nhuận của ACB thì có đến 544 tỷ đồng thu được từ hoạt động kinh doanh vàng. Sàn vàng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng mang lại 120 tỷ đồng “tiền lời” dù mới đi vào hoạt động chưa đầy một năm! Tương tự, sàn vàng của NHTM Việt Á (Vietabank) cũng đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia với tổng khối lượng vàng giao dịch hiện lên đến 100.000 lượng/ngày.
Còn sàn giao dịch vàng SBJ của Sacombank, mặc dù mới thành lập chưa đầy nửa năm nhưng cũng đã “lôi cuốn” được khá nhiều NĐT với khối lượng giao dịch dao động từ 300.000 lượng đến 600.000 lượng/ngày… Thấy được lợi nhuận không nhỏ từ sàn vàng, gần đây nhiều tổ chức, cá nhân đã đua nhau “khai trương” sàn vàng, nâng tổng số sàn vàng trên cả nước hiện nay lên con số hơn 20 sàn, kèm theo hàng trăm đại lý nhận lệnh giao dịch với trên 20.000 tài khoản tham gia giao dịch mỗi ngày.
Để lôi kéo các NĐT trong bối cảnh “sàn rộng, người chơi thưa”, các sàn vàng đã đua nhau hạ tỷ lệ ký quỹ xuống rất thấp, thậm chí có nơi NĐT chỉ cần ký quỹ từ 1% đến 3% là có thể giao dịch! Do tỷ lệ ký quỹ quá thấp và quá dễ nên các NĐT cá nhân đã lao vào cuộc chơi như những con thiêu thân mà đâu biết rằng đây là sợi dây thòng lọng mà các “nhà cái” tung ra để “nhử” họ. Vì mức ký quỹ càng thấp “nhà cái” càng cho vay được nhiều và thu tiền lãi càng nhiều và tất nhiên NĐT càng thiệt khi phải oằn lưng trả lãi! Là một NĐT đã từng “cháy túi” trên sàn vàng bởi “việc làm luật” của các “nhà cái”. Bà M.T.L (ngụ tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, nếu không có quy định chung cho sàn vàng mà cứ để mỗi sàn vàng đưa ra một quy định riêng như hiện nay thì các NĐT chỉ có… nước chết!
Đưa sàn vàng vào “guồng”
UBND TPHCM đã kiến nghị các cấp trung ương về việc mở sàn giao dịch vàng tập trung để kiểm soát và hạn chế rủi ro cho người dân đồng thời giao Sở Giao dịch Chứng khoán TP (HOSE) quản lý sàn giao dịch vàng tập trung trên địa bàn TP. Còn theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nên giao việc quản lý các sàn vàng cho NHNN, vì giao dịch vàng là giao dịch có liên quan nhiều đến tiền tệ và các hoạt động liên quan như vay tiền, vay vàng. Và đa phần các công ty kinh doanh vàng hiện nay đều có 1 ngân hàng đứng sau nên nếu có những phát sinh thì NHNN có thể xử lý được. Một cách thức khác, Nhà nước có thể lập ra Sở giao dịch hàng hóa để quản lý việc giao dịch các mặt hàng nông sản, khoáng sản hay vàng… thì sẽ phù hợp hơn.
Trước thực trạng này, vừa qua Hiệp hội kinh doanh vàng đã kiến nghị cho dự thảo chung về quy định sàn vàng là nên nâng mức ký quỹ lên tối thiểu là 15% và kiến nghị chỉ NHTM hoặc các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh về vàng mới được phép mở và tham gia sàn vàng.
Tuy nhiên kiến nghị này đã gặp sự phản đối từ các chủ sàn vàng, trong đó có không ít chủ sàn là các NHTM đã cho rằng nếu mức ký quỹ lên đến 15% thì ngay lập tức số NĐT sẽ giảm khoảng 70% so với hiện nay và từ con số 20 sàn vàng rất có thể chỉ còn cao lắm là 5 sàn. Điều này đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các NHTM có kinh doanh sàn vàng sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Thậm chí, phó tổng giám đốc của một NHTM lớn đã cho rằng sàn vàng là một sân chơi, mở ra cho những người có nhu cầu chơi (giao dịch) nếu ngân hàng không mở thì các NĐT trong nước cũng chơi trên các sàn quốc tế; như vậy ngoại tệ sẽ bị chuyển ra nước ngoài làm ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Vì thế theo vị này nên “thả lỏng” cho sàn vàng thoải mái hoạt động và nên xem rằng đây là một sân chơi sòng phẳng, “dám chơi dám chịu”, những người chơi cần nhận thức được luật chơi và chịu trách nhiệm về kết quả cuộc chơi.
Tuy nhiên sau quá nhiều sự cố đã xảy ra trên sàn vàng, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã cho rằng đã đến lúc nên “siết” lại sàn vàng. Tiến sĩ Đào Duy Hùng, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, cơ quan quản lý không nên hạn chế mở thêm sàn vàng mà chỉ cần đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn về mặt “kỹ thuật”. Khắt khe hơn, Giám đốc Công ty Kinh doanh vàng Vina Nguyễn Trung Anh còn kiến nghị nên nâng tỷ lệ ký quỹ lên 20% để giảm bớt rủi ro cho các NĐT và hạn chế những NĐT “lôm côm”. Đồng thời, các sàn vàng nên tổ chức các lớp huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức cho NĐT trước khi cho họ “nhập cuộc” (việc này các nước trên thế giới đã làm) chứ không phải để họ tự mày mò rồi trả giá đắt để đổi lấy kinh nghiệm.
H.Liêm - M.Thi
Sài gòn giải phóng
|