Thứ Năm, 03/09/2009 15:04

Vì sao trái phiếu ngoại tệ vẫn ế?

Lãi suất huy động USD, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng đang tăng trở lại. Đó có phải là lý do chính khiến trái phiếu ngoại tệ dài hạn bị “chê”?

Giống như đấu thầu trái phiếu ngoại tệ hồi tháng 3 vừa qua, đợt phát hành lần hai trong tuần qua, 100 triệu USD trái phiếu ngoại tệ kỳ hạn 1 năm được bán hết; nhưng trong 100 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 2 năm chỉ bán được 47 triệu USD, và chỉ bán 20% trong tổng số 50 triệu USD trái phiếu kỳ hạn ba năm.

Ngắn không đủ nuôi dài

Hầu hết các thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu ngoại tệ là các ngân hàng thương mại trong nước nhưng đa số không trúng thầu vì hai lý do chính. Thứ nhất, ở đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 1 năm, mức lãi suất trần trúng thầu 2,98%/năm được ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB, đơn vị mua khoảng 70% khối lượng đợt trái phiếu kỳ hạn 1 năm, cho là “chấp nhận được”, tuy nhiên, đa số vẫn kỳ vọng cao hơn, thậm chí lãi suất đăng ký cao nhất tới 4,5%/năm. So với lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay, ở Vietcombank, BIDV là 1,5%/năm, Vietinbank là 2,5%/năm, các ngân hàng thương mại cổ phần xoay quanh mức 2,5 – 2,8%/năm, đầu ra cho vay ngắn hạn từ 3 – 3,5%, trung dài hạn 3,5 – 6%/năm, cho thấy để chấp nhận mức lãi suất trên ACB phải đong đếm kỹ mới mua về.

Cũng tương tự như vậy, đa số cũng kỳ vọng cao hơn mức trần 3,75% và 3,9% lần lượt ở hai cuộc đấu thầu trái phiếu kỳ hạn hai và ba năm.

Tuy nhiên, trái phiếu kỳ hạn trên một năm “ế” không chỉ vì lãi suất, mà lý do quan trọng là nguồn vốn ở nhiều ngân hàng hầu như chỉ tương thích với trái phiếu kỳ hạn 1 năm. Theo đó, hiện dư nợ cho vay trung dài hạn trên tổng dư nợ của các ngân hàng là khoảng 40%, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn từ dân cư khoảng 11%. Thí dụ, tại ngân hàng ACB, theo phân tích của công ty chứng khoán HSC, hầu hết tiền gửi bằng USD tại ACB là tiền gửi tiết kiệm. Vào cuối tháng 6 qua, tiền gửi có thể rút trong vòng một tháng chiếm 56% trong tổng huy động, tiền gửi có thể được rút trong vòng ba tháng chiếm 90% tổng huy động tiền gửi. Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB, cũng thừa nhận, nguồn vốn tiền gửi USD tại ACB phần lớn thích hợp để mua trái phiếu ngắn hạn.

Chính vì vậy, dù việc ngân hàng Nhà nước tháng trước cho phép trái phiếu ngoại tệ được cầm cố để vay vốn bằng tiền đồng đã giải quyết được vấn đề thanh khoản, cũng như nâng cao tính hấp dẫn, phần lớn trái phiếu ngoại tệ kỳ hạn dài vẫn ế ẩm.

Lãi suất càng cao, trái phiếu càng ế

“Cứ vài ngày đi ngang ngân hàng lại thấy lãi suất tăng, cho thấy đỉnh lãi suất chưa dừng lại”, giám đốc một quỹ đầu tư trong nước nhận xét. Lãi suất không kỳ hạn, từ 0 – 3%/năm tháng trước, đầu tuần này tăng vọt gấp đôi, như ngân hàng ANZ vừa tăng lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn bằng tiền đồng lên mức 6,8%/năm, HDB tăng lên 7,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm và cho vay USD cũng đang được nhích theo. Như ở Vietcombank, từ 31.8 lãi suất huy động USD các kỳ hạn tăng trung bình 0,4 – 0,5%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn lên 4%/năm, trung dài hạn 5%/năm; trong khi hồi tháng 6, lãi suất cho vay USD ngắn hạn đồng thuận giữa các ngân hàng là 3%/năm.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng, ngoài việc không thuận lợi khi trái phiếu ngoại tệ được phát hành vào thời điểm lãi suất đang đà tăng, thì ngân hàng ông không tham gia đấu thầu vì đã có kế hoạch cho vay ngoại tệ đến cuối năm. Theo ông, một khi chương trình hỗ trợ lãi suất vay tiền đồng kết thúc cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ tính toán lại lợi ích giữa vay tiền đồng và USD, nhiều khả năng nhu cầu vay USD sẽ tăng mạnh trở lại.

Đó là chưa kể, ngân hàng còn phải tính bài toán lãi suất giữa USD và tiền đồng để giữ và thu hẹp chênh lệch thu nhập của người gửi tiền. Nhất là khi lãi suất tiền đồng tăng mức cao 9 – 10%/năm, trong khi tỷ giá vẫn khá ổn định từ đầu năm đến nay và được cho là không tăng giá quá 5% năm nay, khiến người gửi đang tính toán thiệt hơn giữa tiết kiệm USD và đồng.

Lãi suất, theo nhiều dự báo, đến cuối năm sẽ dần tăng khi kinh tế thế giới và trong nước từng bước phục hồi, và cũng để ngăn chặn đà lạm phát. Lãi suất tiền gửi trên thị trường ngày càng tịnh tiến khiến thị trường trái phiếu thứ cấp trên sàn Hà Nội càng ảm đạm, các cuộc phát hành trái phiếu bằng tiền đồng trở nên khó khăn, trái phiếu ngoại tệ cũng không tránh khỏi số phận này.

Hồng Sương

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp FDI có thể sẽ phải nộp thuế tài nguyên (03/09/2009)

>   Vàng bất ngờ tăng dữ dội nhưng khó tăng tiếp (03/09/2009)

>   Củng cố mục tiêu ngân hàng bán lẻ (03/09/2009)

>   Công nhận 13 thành viên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (03/09/2009)

>   Gian nan chuyện vay thế chấp nhà (03/09/2009)

>   Kinh doanh vàng qua mạng: Nên cho hay cấm? (03/09/2009)

>   Ngân hàng bám doanh nghiệp sang Lào (02/09/2009)

>   Trục lợi bảo hiểm: Khi khách hàng làm nghề “đạo diễn”  (02/09/2009)

>   Người ở nhà tầng cao vẫn phải nộp thuế đất (02/09/2009)

>   Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất USD (02/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật