Thứ Năm, 03/09/2009 09:08

Củng cố mục tiêu ngân hàng bán lẻ

Ngày 26-8-2009, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã công bố việc bán thêm 5% cổ phần cho Ngân hàng Pháp BNP Paribas (BNPP) để tăng vốn điều lệ từ 1.475 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của BNPP trong OCB từ 10 lên 15%. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên xoay quanh việc mua bán này, ông TRẦN VĂN VĨNH, tân Tổng giám đốc của OCB, cho biết:

- Theo Nghị định 141 ban hành ngày 21-11-2006 của Chính phủ, đến hết năm 2010 vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần phải đạt ít nhất 3.000 tỉ đồng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi thị trường dần mở cửa theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính vì thế, đợt bán cổ phần lần này đã nằm trong kế hoạch của cả OCB và BNPP từ sau khi hai bên trở thành đối tác chiến lược vào tháng 2-2007. Đây cũng là bước đi tạo tiền đề để OCB tiếp tục tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng trong năm 2010 và củng cố mục tiêu trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại và năng động.

Về giá bán cổ phần, do điều kiện hợp đồng ràng buộc nên chúng tôi không thể công bố được. BNPP đang có nhu cầu nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong OCB lên 20% khi điều kiện cho phép.

Sau hơn một năm rưỡi trở thành đối tác chiến lược, BNPP đã giúp được gì để OCB phát triển thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại như mục tiêu đặt ra?

- Ông Trần Văn Vĩnh: Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược năm 2007, BNPP sẽ giúp OCB tăng cường kiểm soát rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian qua, BNPP đã cử người tham gia Hội đồng quản trị, Ban giám đốc và gửi một số chuyên viên sang Việt Nam giúp OCB thực hiện các dự án kinh doanh then chốt. Kết quả, hiện OCB đã hoàn thiện được các hạng mục trọng yếu làm nền tảng cho phát triển kinh doanh như: vận hành trung tâm dữ liệu (Data Center) để chuẩn bị triển khai các dự án phát triển dịch vụ tín dụng trực tuyến, quản lý danh mục khách hàng theo mã số, nâng tầm các công cụ quản lý rủi ro tín dụng và thông tin điều hành. Cuối năm nay, OCB sẽ khánh thành dự án ngân hàng lõi (core - banking) và hoàn thiện mô hình hoạt động theo tiêu chuẩn đang được các ngân hàng mạnh trên thế giới áp dụng.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là các chuyên viên của OCB đã được gửi đi đào tạo tại một số chi nhánh của BNPP trên thế giới để học hỏi, trang bị thêm các kỹ năng tổ chức công việc chuyên nghiệp, trao đổi thông tin và kinh nghiệm với các chuyên viên của BNPP đang làm việc ở một số quốc gia có môi trường kinh doanh gần giống với Việt Nam. Với lực lượng nhân sự được chuẩn bị như vậy, OCB sẽ có nhiều thuận lợi trong việc triển khai các dự án kinh doanh đang ấp ủ.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, BNPP cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Như vậy, việc hợp tác giữa OCB và BNPP có gặp trở ngại gì không, thưa ông?

- Ảnh hưởng của cuộc khủng tài chính lần này đối với BNPP là không lớn nếu so với nhiều tập đoàn tài chính đa quốc gia khác. Do đó, các thỏa thuận hợp tác giữa OCB và BNPP vẫn diễn ra theo đúng lộ trình đã vạch ra. Thời gian tới, cùng với việc tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ, BNPP có khả năng tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý, điều hành để giúp OCB phát triển đúng định hướng và có cơ hội tiếp cận thêm các đối tác, khách hàng có quan hệ với BNPP.

Đích ngắm mà OCB hướng đến sau khi bán thêm 5% cổ phần cho BNPP là gì?

- Mục tiêu của OCB là phát triển thành ngân hàng bán lẻ với khách hàng chủ đạo là các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, đối tượng khách hàng cá nhân đang chiếm hơn 65% số dư huy động vốn cũng như cho vay của OCB, một tỷ lệ tương đối phù hợp so với mục tiêu phát triển của ngân hàng. Trong tương lai, OCB sẽ kết hợp với BNPP để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó cải thiện cơ cấu thu nhập theo hướng tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, số vốn thu được từ việc bán cổ phần lần này chủ yếu được OCB sử dụng để mở rộng mạng lưới, đầu tư phát triển công nghệ, mở rộng cho vay trung và dài hạn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ở miền Trung và miền Bắc, nơi mà các hoạt động đầu tư - thương mại gần đây diễn ra khá sôi động để tiếp cận khách hàng tốt hơn.

Một câu hỏi bên lề. Ông có gặp khó khăn gì không khi vừa rời bỏ vị trí Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh TPHCM để đảm nhận vai trò Giám đốc của một ngân hàng quy mô trung bình như OCB?

- Dù quy mô của BIDV lớn hơn so với OCB nhưng cũng có mảng hoạt động ngân hàng bán lẻ. Bản thân tôi cũng đã có 12 năm giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HD Bank), một ngân hàng có quy mô và quá trình phát triển khá tương đồng với OCB. Do đó, tôi có những kinh nghiệm và kiến thức để quản lý, điều hành hoạt động của OCB tốt hơn.

Hiện OCB đang có 70 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước, lợi nhuận dự kiến tám tháng đầu năm 2009 đạt khoảng 180 tỉ đồng. Cùng với BNPP, thời gian tới các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Bến Thành (Sunimex) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ tham gia hỗ trợ OCB phát triển kinh doanh. Năm 2009, OCB đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế tối thiểu là 255 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trả cổ tức thấp nhất là 10%.

Khang Minh

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Công nhận 13 thành viên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (03/09/2009)

>   Gian nan chuyện vay thế chấp nhà (03/09/2009)

>   Kinh doanh vàng qua mạng: Nên cho hay cấm? (03/09/2009)

>   Ngân hàng bám doanh nghiệp sang Lào (02/09/2009)

>   Trục lợi bảo hiểm: Khi khách hàng làm nghề “đạo diễn”  (02/09/2009)

>   Người ở nhà tầng cao vẫn phải nộp thuế đất (02/09/2009)

>   Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất USD (02/09/2009)

>   TPHCM đã cấp 1,3 triệu mã số thuế (02/09/2009)

>   Chống lỗ ảo từ doanh nghiệp FDI (02/09/2009)

>   ACB cho doanh nghiệp vay mua gạo dự trữ (01/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật