Thứ Tư, 02/09/2009 22:29

Trục lợi bảo hiểm: Khi khách hàng làm nghề “đạo diễn” 

Việc doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là hợp pháp và cũng là việc “cực chẳng đã”.

Trong phản ánh gửi ĐTCK, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ có trụ sở tại TP. HCM cho biết, công ty này vừa chấm dứt hợp đồng bảo hiểm xe ôtô với một khách hàng. Lý do được đưa ra là chỉ trong vòng 4 tháng, khách đã yêu cầu bồi thường đến 3 cặp gương chiếu hậu xe BMW X5 (do hợp đồng không khống chế số lần mất cắp bộ phận). Công ty buộc phải chấm dứt hợp đồng và trả lại tiền cho phần thời gian chưa bảo hiểm sau khi bồi thường đủ 3 lần, thông báo trước 30 ngày theo Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định.

Chưa hết, trong vòng 30 ngày này, khách hàng “tranh thủ” bị “mất cắp” thêm 3 cặp gương chiếu hậu nữa, công ty không có lý do từ chối và phải bồi thường.

“Rất khó có bằng chứng, nhưng trong trường hợp này, công ty chúng tôi cho rằng, đã có sự trục lợi bảo hiểm và không có sự lựa chọn nào khác là phải chấm dứt hợp đồng”, giám đốc công ty trên cho biết.

Những “đạo diễn” thiên tài…

Giám đốc một công ty bảo hiểm niêm yết trên sàn chia sẻ với ĐTCK rằng, việc trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày một phổ biến.

Đã là doanh nghiệp, khách hàng là thượng đế. Trong hoàn cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt để giành được khách hàng, việc phải chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn là hoàn toàn ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, những trường hợp “thượng đế” như trên thì quả là khó có doanh nghiệp nào có thể phục vụ nổi.

“Trong một thời gian ngắn, có những khách hàng gặp nhiều sự cố đến mức ‘đáng ngờ’. Rồi thì có những trường hợp gian lận bảo hiểm, buộc công ty phải huỷ hợp đồng”, vị giám đốc tâm sự.

Một chủ xe Toyota Innova mua bảo hiểm được một tuần, sau đó thông báo có tai nạn xảy ra và yêu cầu bồi thường. Tổng mức thiệt hại chỉ khoảng 20 triệu đồng và công ty đồng ý bồi thường. Tuy nhiên, trong lúc tiến hành thủ tục đền bù, nhân viên bảo hiểm phát hiện những khác biệt so với chiếc xe ban đầu mua bảo hiểm. Sau khi điều tra thì biết rằng, chiếc xe bị tai nạn trước khi mua bảo hiểm, khách hàng lấy biển số xe của xe bị hư hại gắn vào chiếc xe khác còn nguyên vẹn để mua bảo hiểm.

Một khách hàng khác mua bảo hiểm cho chiếc xe ôto Huyndai Santafe từ ngày 11/8/2009 và báo tai nạn ngày 16/8/2009. Tổng thiệt hại ước tính đến 150 triệu đồng. Trong quá trình điều tra giám định tai nạn, nhân viên bảo hiểm phát hiện sự không trung thực của khách hàng. Khách hàng mua bảo hiểm cho chiếc xe Huyndai Santafe đời 2007 với hình xe nộp cho công ty còn khá mới. Nhưng khi yêu cầu bồi thường lại là chiếc Huyndai Santafe đời 2003. Khách hàng đã “vô tình” lấy biển số xe bị hư hỏng gắn vào xe còn nguyên vẹn để được bồi thường bảo hiểm.

“Trong nhiều trường hợp, khách hàng như những “đạo diễn” của các vở ‘bi hài kịch’ có tỷ suất lợi nhuận cao và công ty bảo hiểm như những nhà phê bình phải tìm ra những ‘hạt sạn’ trong vở diễn ấy”, vị giám đốc nhận xét.

…cần được “lưu danh”

Trong một cuộc trò chuyện với ĐTCK, khi được hỏi về điểm nổi bật nhất của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, một chuyên gia nước ngoài đã trả lời khá bất ngờ: “Điểm nổi bật nhất là số lần bồi thường quá nhiều cho một hợp đồng bảo hiểm và tôi cho rằng, đó có thể là biểu hiện của tình trạng trục lợi bảo hiểm”.

Tại nhiều thị trường phát triển, các công ty bảo hiểm thường có “sổ theo dõi” khách hàng. Khách hàng ít bị tổn thất sẽ được giảm dần phí bảo hiểm trong những năm tiếp theo. Còn khách hàng nào trục lợi bảo hiểm, sẽ được cho vào “danh sách đen” và công khai trên toàn thị trường. Những khách hàng này sẽ rất khó mua bảo hiểm, nếu không cũng phải chấp nhận trả phí bảo hiểm rất cao, tương ứng “rủi ro” của mình.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện nay tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam là khá phổ biến. Tuy nhiên, việc phát hiện là rất khó khăn. Trong những trường hợp này, giải pháp duy nhất là công ty bảo hiểm huỷ hợp đồng.

Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm là hợp pháp và được quy định trong Điều 23, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Hiện nay, theo tìm hiểu của ĐTCK, tất cả công ty bảo hiểm đều có “danh sách đen” khách hàng “có mức độ rủi ro cao”. Tuy nhiên, như vị giám đốc công ty bảo hiểm nhận định, sự hợp tác giữa các công ty bảo hiểm còn yếu. “Có lẽ, thông qua Hiệp hội Bảo hiểm, các công ty nên có sự chia sẻ danh sách những khách hàng này để có thể cùng nhau phòng ngừa sự trục lợi bảo hiểm”.

Mua bảo hiểm không phải là để kiếm lời. Bản chất của bảo hiểm là nhiều khách hàng góp tiền mua bảo hiểm để bồi thường cho những khách hàng không may gặp rủi ro. Có loại bỏ, hạn chế trường hợp trục lợi bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm mới có thêm điều kiện để giảm phí bảo hiểm cho khách hàng trong những năm tiếp theo.

Từ góc độ doanh nghiệp, chừng nào còn có khách hàng trục lợi theo kiểu đóng chục triệu đồng mua bảo hiểm và sau vài tháng đã được đền bù tới hàng trăm triệu đồng thì công ty bảo hiểm còn phải chịu lỗ.

Vũ Giang

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Người ở nhà tầng cao vẫn phải nộp thuế đất (02/09/2009)

>   Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất USD (02/09/2009)

>   TPHCM đã cấp 1,3 triệu mã số thuế (02/09/2009)

>   Chống lỗ ảo từ doanh nghiệp FDI (02/09/2009)

>   ACB cho doanh nghiệp vay mua gạo dự trữ (01/09/2009)

>   "Sờ gáy" cửa hàng bán ngoại tệ trái phép (01/09/2009)

>   Lãi suất liên ngân hàng tăng cao (01/09/2009)

>   Citibank được thực hiện sản phẩm tiền gửi kết hợp với quyền chọn (01/09/2009)

>   14/09/2009, ngày ĐKCC trả lãi trái phiếu CP4A3603, CP4A3003, TP4A4504 (01/09/2009)

>   Dự thảo luật thuế nhà đất: Lẫn lộn các mục tiêu? (01/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật