Thứ Năm, 03/09/2009 18:32

Dự kiến chỉ có ngân hàng mới được mở sàn vàng

Dự thảo 10, thông tư quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản của Ngân hàng Nhà nước có ghi rõ đối tượng cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước là các ngân hàng thương mại. Trước thông tin này, một loạt các công ty vàng không thuộc đối tượng được phép hoạt động như quy định tại dự thảo đang băn khoăn về trường hợp của mình.

Nhiều thắc mắc

Không trực thuộc ngân hàng nào, các công ty kinh doanh vàng như công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), hay công ty vàng Phố Wall, Châu Á, Toàn Cầu, 24k… đang nằm trong trạng thái lo âu là nếu dự thảo này chính thức có hiệu lực thì số phận mình sẽ đi về đâu.

Theo Tổng giám đốc một công ty vàng mới đi vào hoạt động thì đây là một quy định khá “ngặt nghèo” cho họ. Vì chỉ có một đường để đi là tìm ngân hàng khác để xin sáp nhập, mà cũng không biết là các ngân hàng có đồng ý hay không. Còn nếu không thì các công ty này phải chuyển sang kinh doanh một lĩnh vực khác, trong khi họ đã đầu tư rất nhiều cho hệ thống kinh doanh sàn vàng.

Họ cũng đặt ra thắc mắc, trong trường hợp ngân hàng thương mại là đơn vị quản lý sàn vàng, nhưng vừa quản lý tài khoản của nhà đầu tư, vừa là người kinh doanh trên sàn thì liệu là quyền lợi của nhà đầu tư có được đảm bảo hay không.

Góp ý cho dự thảo, đa phần các công ty kinh doanh vàng đều cho là nên có một mô hình quản lý giao dịch tập trung như Sở giao dịch chứng khoán. Vì khi đó, sẽ tách bạch được tài khoản của nhà đầu tư và của trung tâm giao dịch vàng. Và cũng như các sàn giao dịch vàng trên thế giới thì sàn sẽ do một tổ chức độc lập điều hành và ngân hàng sẽ chỉ giữ chức năng thanh toán.

Một vị đại diện cho sàn vàng của một ngân hàng cũng cho rằng dự thảo vẫn còn rất nhiều điều chưa cụ thể như các ngân hàng thương mại được cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước, như vậy, việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thì do ai quản lý?

Bên cạnh đó, theo vị này, nếu công ty kinh doanh vàng được Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công Thương cấp phép cho hoạt động kinh doanh vàng thì Ngân hàng Nhà nước không thể đóng cửa vì các công ty không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Quản lý chặt vì không khuyến khích

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều ngày 2-9, đại diện Vụ Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, nơi trực tiếp soạn ra dự thảo 10, cho biết Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, vì nó mang lại nhiều rủi ro cho những người đầu tư.

Với quy định tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước chỉ giao cho các ngân hàng thương mại được cung ứng dịch vụ trên là để tránh rủi ro về thanh toán cho nhà đầu tư và Ngân hàng Nhà nước cũng tiện việc quản lý.

Lý giải cụ thể hơn, vị đại diện Vụ Ngoại hối cho rằng ngân hàng là nơi có những quy định kiểm soát tín dụng rất nghiêm ngặt, nằm dưới quyền điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nên việc rủi ro trong thanh toán là khó xảy ra. Và điều chắc chắn là nguồn vốn để xử lý các phát sinh thì các công ty mở sàn vàng không thể so với ngân hàng được.

Khi doanh nghiệp không bị chi phối bởi các quy định của Ngân hàng Nhà nước thì trong trường hợp một công ty kinh doanh vàng thua lỗ, phải tuyên bố phá sản, chắc chắn quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề.

Vị đại diện trên cũng khẳng định các công ty chỉ có một hướng đi dễ dàng nhất đó là làm đại lý nhận lệnh cho sàn vàng của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sẽ không xem xét thay đổi đối tượng như trong dự thảo đã quy định.

Còn việc các công ty đã được cấp phép hoạt động thì trong danh mục cấp phép của Sở Kế hoạch Đầu tư, hay Sở Công Thương đã quy định rõ là chỉ cho phép các doanh nghiệp được kinh doanh vàng vật chất, còn vàng tài khoản thì vẫn chưa có. Nếu đã được cấp phép để kinh doanh vàng vật chất nhưng lại kinh doanh sàn vàng thì các doanh nghiệp đã hoạt động không đúng như đăng ký. Khi thông tư này chính thức ra đời thì sẽ xử lý nghiêm với các doanh nghiệp vi phạm.

Ngoài ra, các công ty dù có sự góp vốn của các ngân hàng nhưng không trực thuộc ngân hàng thì vẫn không hợp lệ nên cũng sẽ không được phép hoạt động.

Về thắc mắc nếu ngân hàng cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản nhưng cũng đồng thời cũng có tự doanh, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết trong dự thảo đã có quy định rõ về nguyên tắc khớp lệnh, các ngân hàng phải tuân theo. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp thì dựa trên hợp đồng kinh tế được ký giữa nhà đầu tư và người cung ứng dịch vụ mà xử lý theo Luật Dân sự và các luật có liên quan.

Vụ ngoại hối cũng cho biết dự thảo này do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội kinh doanh vàng, Bộ Công Thương soạn thảo và đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu Chính phủ thông qua thì đây là quy chế để quản lý sàn vàng chính thức và dự kiến là quí 4 năm nay sẽ có hiệu lực.

Thanh Thương

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   E ngại hỗ trợ lãi suất (03/09/2009)

>   Vì sao trái phiếu ngoại tệ vẫn ế? (03/09/2009)

>   Doanh nghiệp FDI có thể sẽ phải nộp thuế tài nguyên (03/09/2009)

>   Vàng bất ngờ tăng dữ dội nhưng khó tăng tiếp (03/09/2009)

>   Củng cố mục tiêu ngân hàng bán lẻ (03/09/2009)

>   Công nhận 13 thành viên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (03/09/2009)

>   Gian nan chuyện vay thế chấp nhà (03/09/2009)

>   Kinh doanh vàng qua mạng: Nên cho hay cấm? (03/09/2009)

>   Ngân hàng bám doanh nghiệp sang Lào (02/09/2009)

>   Trục lợi bảo hiểm: Khi khách hàng làm nghề “đạo diễn”  (02/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật