Thứ Năm, 03/09/2009 15:46

E ngại hỗ trợ lãi suất

Chỉ còn 4 tháng, “bầu sữa” hỗ trợ 4% lãi suất vốn lưu động kết thúc. Trong khi nhiều doanh nghiệp hồi hộp chờ đợi thêm một gói tương tự thì từ phía ngân hàng và thậm chí cả doanh nghiệp, đã có những tiếng nói nên dừng lại. Vì sao vậy?

Liên tục trong các hội thảo khoa học liên quan đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ - tài khóa vấn đề cần có thêm một gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn làm bước đệm để tránh hẫng hụt cho doanh nghiệp sau thời điểm 31/12/2009, trở thành chủ đề rất được quan tâm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng hiện tại, các doanh nghiệp được hưởng lợi chính sách hỗ trợ lãi suất vừa qua rất lo lắng vì thời hạn giải ngân sắp hết nhưng chưa tìm thấy một nguồn vốn khác.

Theo ông Thịnh, do chưa có những đánh giá chính xác về đà suy giảm kinh tế nên vẫn cần có một gói hỗ trợ lãi suất nhưng với liều lượng nhỏ hơn, lãi suất hỗ trợ thấp hơn, ở mức 2%/năm thay vì 4%/năm như trước.

Bởi vậy, nếu Nhà nước tiếp tục “tặng” cho doanh nghiệp thêm một cơ hội thì cần phải rà soát kỹ từng đối tượng, doanh nghiệp nào thực sự cần vốn, đủ điều kiện thì mới được thụ hưởng.

Đồng tình, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu quan điểm: các doanh nghiệp đang được hưởng lãi suất rất tốt, nếu đột ngột thay đổi thì ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn sẽ gặp khó khăn. Bởi thế, cần có một gói kích cầu với cường độ giảm dần để doanh nghiệp thích nghi tốt hơn. Cùng đó, phải kiểm tra, kiểm soát để tránh thất thoát và nợ xấu nảy sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khá nhiều ý kiến khác cho rằng, Nhà nước không nên tiếp tục hỗ trợ theo kiểu này.

Ông Trần Công Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Việt nhấn mạnh: “Nhà nước nên sớm bỏ gói kích cầu do chính sách này đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất cạnh tranh không lành mạnh, nuôi dưỡng thói ỷ lại trong khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế”.

Còn ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn phân tích: “Trẻ sau khi dứt sữa bao giờ cũng có một giai đoạn ăn cháo, sau đó mới đến ăn cơm và doanh nghiệp cũng phải hành xử theo kiểu như vậy trong hoàn cảnh này. Điều quan trọng là người mẹ phải dạy cho đứa con của họ biết lúc nào thì bú sữa, lúc nào thì ăn cháo và ăn cơm”.

Vậy còn quan điểm của phía ngân hàng thì sao? Từ góc độ nghiên cứu khoa học, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Bên cạnh tác động tích cực, cơ chế hỗ trợ lãi suất đang có những tác động không thuận lợi đối với kiểm soát tín dụng, thị trường tiền tệ và tỷ giá”.

Cụ thể, trong khi lãi suất cho vay VND sau khi được hỗ trợ chỉ còn 6%/năm, tương đương (ngang bằng) lãi suất cho vay ngoại tệ và từ ngày 1/6/2009, khi các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngoại tệ xuống còn 3 - 5%/năm; do lo ngại rủi ro về biến động tỷ giá, các doanh nghiệp nhập khẩu ít vay ngoại tệ, chuyển sang vay VND rồi mua ngoại tệ.

Thực tế này đã gây sức ép tăng tỷ giá, căng thẳng về thanh khoản ngoại tệ và dẫn đến tâm lý găm giữ ngoại tệ từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu. Cùng đó, do mức chênh lệch lãi suất VND cho vay sau hỗ trợ so với lãi suất huy động khoảng 3 - 4%/năm (kỳ hạn 12 tháng trở lên) thì hoạt động kiểm soát tình trạng doanh nghiệp sử dụng vốn hỗ trợ gửi ngược vào ngân hàng kiếm lời hoặc dùng vốn hỗ trợ kinh doanh nhưng lấy vốn tự có gửi vào ngân hàng, làm tăng dư nợ ngân hàng trong khi ngân hàng thiếu vốn để cho vay doanh nghiệp cần vốn, đã trở nên vô cùng phức tạp.

Chưa kể, sau khi có vốn hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp thường lập phương án sản xuất kinh doanh kéo dài thêm để được hưởng thời hạn trả nợ và lãi suất nhiều hơn, dẫn đến vòng quay vốn và tín dụng chậm lại, gây nguy hiểm cho hệ thống ngân hàng trong trường hợp diễn biến kinh tế thế giới vẫn còn phức tạp.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank chia sẻ: “Ngân hàng Nhà nước nên xem xét đề xuất với Chính phủ giảm dần, tiến tới ngừng hỗ trợ lãi suất. Tiếp tục duy trì hỗ trợ lãi suất một mặt sẽ tạo sức ép gia tăng lạm phát, mặt khác có thể dẫn đến việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả gây tác động không tốt cho nền kinh tế và hệ lụy xấu cho các ngân hàng thương mại. Dừng hỗ trợ lãi suất cũng sẽ trực tiếp giảm áp lực bội chi ngân sách, giảm áp lực lạm phát”.

Như vậy, phương án tiếp tục một gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn tương tự như “gói 1”; kéo dài thời gian gói hỗ trợ lãi suất đang thực hiện thêm một thời gian nhưng giảm dần lãi suất từ 4% xuống 2% hoặc bỏ hỗ trợ hoàn toàn đang là vấn đề khá nóng hổi. Có lẽ, một tuyên bố rõ ràng từ phía cơ quan quản lý tại thời điểm này là cần thiết.

NGUYỄN HOÀI

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Vì sao trái phiếu ngoại tệ vẫn ế? (03/09/2009)

>   Doanh nghiệp FDI có thể sẽ phải nộp thuế tài nguyên (03/09/2009)

>   Vàng bất ngờ tăng dữ dội nhưng khó tăng tiếp (03/09/2009)

>   Củng cố mục tiêu ngân hàng bán lẻ (03/09/2009)

>   Công nhận 13 thành viên hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (03/09/2009)

>   Gian nan chuyện vay thế chấp nhà (03/09/2009)

>   Kinh doanh vàng qua mạng: Nên cho hay cấm? (03/09/2009)

>   Ngân hàng bám doanh nghiệp sang Lào (02/09/2009)

>   Trục lợi bảo hiểm: Khi khách hàng làm nghề “đạo diễn”  (02/09/2009)

>   Người ở nhà tầng cao vẫn phải nộp thuế đất (02/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật