Sẽ giảm dần đối tượng được hỗ trợ lãi suất
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ với mức hỗ trợ 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay của các doanh nghiệp hơn 30%, nên xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm, vẫn cần có bước giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý.
Đánh giá mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất cho thấy, việc thực hiện chính sách tài khoá mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng (nhất là việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất khiến các doanh nghiệp và hộ sản xuất mở rộng sản xuất - kinh doanh, đầu tư theo chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ) đã kéo theo nhu cầu vay vốn lớn hơn khả năng huy động vốn từ nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao (7 tháng đầu năm 2009 tăng 22,61%).
Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ lãi suất 4%/năm khiến lãi suất cho vay VND sau khi được hỗ trợ còn khoảng 6%/năm. Dù từ ngày 1/6/2009, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngoại tệ xuống còn 3 - 5%/năm, nhưng do lo ngại rủi ro về biến động tỷ giá, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu nhưng lại hạn chế vay ngoại tệ, chuyển sang vay VND rồi mua ngoại tệ, gây sức ép tăng tỷ giá và căng thẳng về thanh khoản ngoại tệ.
Hơn nữa, với mức lãi suất cho vay sau khi được hỗ trợ lãi suất còn 6%/năm, thấp hơn khoảng 3 - 4%/năm so với lãi suất huy động VND (kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), thì khó có thể kiểm soát được hiện tượng tiêu cực là khách hàng vay VND, chuyển sang tiền gửi để hưởng chênh lệch lãi suất.
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn tự có gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao nhưng lại vay vốn VND được hỗ trợ lãi suất 4%/năm để kinh doanh, làm tăng khá lớn dư nợ cho vay, ngân hàng thương mại không có đủ vốn để cho vay đối với doanh nghiệp thiếu vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất thường lập phương án sản xuất - kinh doanh, dự án đầu tư với thời hạn trả nợ kéo dài hơn so với thời gian trước đây để được hưởng hỗ trợ lãi suất dài hơn, kéo theo vòng quay vốn và tín dụng chậm lại, gây rủi ro lớn cho ngân hàng thương mại nếu như diễn biến kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi.
Theo NHNN, cơ chế hỗ trợ lãi suất được Chính phủ quy định thực hiện trong năm 2009 và công bố công khai từ khi triển khai sẽ giúp doanh nghiệp không bị “sốc” về mặt thời điểm chấm dứt cơ chế. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ 4%/năm là khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay hơn 30% thì xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm, vẫn cần có bước giảm dần về đối tượng, lãi suất để ổn định tâm lý.
Theo đánh giá của NHNN, tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2010 sẽ đi theo một trong hai kịch bản. Kịch bản thứ nhất: tốc độ tăng của tín dụng và tổng phương tiện thanh toán năm 2009 khoảng 30%, năm 2010 khoảng 25 - 27%; năm 2010, tăng trưởng kinh tế khoảng 6 - 6,5%, lạm phát khoảng 10%. Kịch bản thứ hai: tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng năm 2009 khoảng 25 - 27%, năm 2010 khoảng 23 - 25%; năm 2010, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,2 - 7%, lạm phát khoảng 7,5 - 8,5%. NHNN nhận định, giai đoạn 2009 - 2010, đà tăng trưởng kinh tế được duy trì, nhưng lạm phát có sức ép tăng, vì thế NHNN sẽ tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng), kết hợp với kiểm soát lãi suất và tỷ giá.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán khoảng 30% và giảm dần trong những năm tiếp theo, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống. Ngoài ra, NHNN sẽ sử dụng các ngân hàng thương mại có quy mô lớn (ngân hàng thương mại nhà nước) đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ.
Gia Linh
Đầu tư chứng khoán
|