Chiếc cốc VN-Index: Rủi ro và cơ hội
(Vietstock) - Đối với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kĩ thuật, sự hình thành của mẫu hình chiếc cốc-tay cầm của chỉ số VN-Index là một dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng tăng điểm trong thời gian tới. Nhưng đâu là rủi ro? Cơ hội nào cho các nhà đầu tư chậm chân? Chiến lược đầu tư hiệu quả với mẫu hình này? Liệu sự giảm điểm của VN-Index trong thời gian qua có thực sự đáng ngại?
VN-Index đã hình thành mẫu hình chiếc cốc-tay cầm
Mẫu hình chiếc cốc-tay cầm được phổ biến bởi William J.O’Neil trong cuốn sách “Làm thế nào để kiếm tiến bằng chứng khoán” (McGraw Hill, 1988). Trong cuốn sách này, O’Neil đã đưa ra một số tiêu chuẩn lựa chọn chiếc cốc-tay cầm. Nói chung đây là mẫu hình củng cố xu hướng giá tăng ngắn hạn. Do đó, đây là một cơ hội cho các nhà đầu cơ giá lên.
Thomas N.Bulkowski trong cuốn sách “Bách khoa về mẫu hình” (tháng 12/1999) cũng đã nghiên cứu kỹ lưỡng mẫu hình chiếc cốc-tay cầm và đưa ra những kết luận quan trọng. Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên 500 chứng khoán từ năm 1991-1999 với 391 mẫu hình chiếc cốc-tay cầm được phát hiện thấy. Đây là những kết luận thú vị mà chúng tôi muốn chỉ ra cho các nhà đầu tư Việt Nam khi phân tích.
Bảng 1: Những kết luận quan trọng về mẫu hình chiếc cốc-tay cầm
Đối với VN-Index, mẫu hình chiếc cốc-tay cầm được hình thành từ ngày 27/8/2008 tại mức đỉnh 561.85 điểm. Giá sau đó rớt mạnh đến mức đáy 235.5 vào ngày 24/02/2009. Quá trình này hình thành nên miệng cốc bên trái. Sau đó, giá tiếp tục đi lên và hình thành nên miệng cốc bên phải tại đỉnh 511.27 vào ngày 11/06/2009. Trong quá trình hình thành chiếc cốc khối lượng có sự gia tăng rất mạnh, đặc biệt là ở giai đoạn hình thành miệng cốc bên phải. Chiếc cốc có hình chữ U (chữ V là không đúng).
Đáng lưu ý, chiều sâu của chiếc cốc là 54%-58% (được tính từ đáy đến miệng cốc bên trái hoặc phải), hơi sâu một chút so với tiêu chuẩn của O’Neil - chiều sâu tối đa của mẫu hình nên là 50%.
Tay cầm được hình thành khi VN-Index điều chỉnh đến mức đáy 416.43 điểm (ngày 21/07/2009) và tăng vọt lên 506.99 (ngày 14/08). Thời gian hình thành tay cầm là 64 ngày. Theo Bulkowski, thời gian tối thiểu hình thành nên tay cầm ít nhất là 1-2 tuần và không ấn định thời gian tối đa. Khối lượng giao dịch trong giai đoạn hình thành tay cầm có sự sụt giảm so với giai đoạn hình thành chiếc cốc. Vị trí của tay cầm cũng thỏa mãn tiêu chí của O’Neil khi nằm ở nữa trên chiếc cốc.
Tại ngày 21/8 khi giá đóng cửa vượt qua đường kháng cự ở miệng cốc (gọi là điểm vỡ), mẫu hình chiếc cốc-tay cầm được xác lập. Khối lượng giao dịch lớn là đặc trưng của điểm vỡ. Thời gian hình thành mẫu hình là 352 ngày (khoảng 70 tuần). Theo tiêu chuẩn của O’Neil, một chiếc cốc nên được hình thành trong thời gian từ 7 đến 65 tuần.
Theo O’Neil, chứng khoán cần có mức tăng ít nhất 30% trước khi hình thành mẫu hình. VN-Index đã thỏa mãn tiêu chí này khi có mức tăng đến 50% từ mức 366 điểm (ngày 20/06/2008) đến miệng cốc bên trái.
Hình 1: Mẫu hình chiếc cốc-tay cầm của VN-Index
Nhận diện rủi ro và mức lãi kỳ vọng
Bảng 1 cho thấy, mẫu hình chiếc cốc-tay cầm có tỷ lệ thất bại lên đến 26%, một mức rủi ro khá cao để đầu tư. Tuy nhiên, Bulkowski chỉ ra rằng, nếu như chờ cho đến khi điểm vỡ xảy ra, tỷ lệ thất bại giảm xuống chỉ còn 10%.
Vào thời điểm hiện nay, VN-Index tạo nên điểm vỡ tại ngày 20/08/2009, và mức giá đã vượt qua được điểm vỡ do đó mức rủi ro là khá thấp cho các nhà đầu tư.
Đối với mẫu hình chiếc cốc-tay cầm, nghiên cứu trên cho thấy, mức lãi trung bình của mẫu hình là 38%. Điều này có nghĩa VN-Index có thể lên đến 700 điểm! Tuy nhiên, có một điều mà nhà đầu tư nên lưu ý, mức lãi chắc chắn nhất của mẫu hình chỉ nằm trong khoảng 10%-20% và thậm chí có sự phân phối. Một nghiên cứu khác cho thấy, 39% số mẫu hình có mức lãi thấp hơn 20%, trong khi chỉ có 27% số mẫu hình có mức lãi cao hơn 50%. Đây là một thông điệp quan trọng đối với các nhà đầu tư. Nếu như bạn nghĩ rằng, có thể kỳ vọng một mức sinh lợi lớn vào mẫu hình chiếc cốc-tay cầm. Hãy suy nghĩ lại. Chỉ có 7% cơ hội bạn gấp đôi số tiền.
Vậy mức kỳ vọng bao nhiêu là hợp lý? Chúng tôi cho rằng, không nên kỳ vọng một sự gia tăng quá nhanh đối với VN-Index vì một số lý do:
• Thứ nhất, mẫu hình của VN-Index có miệng cốc bên phải thấp hơn miệng cốc bên trái. Thông thường, tỷ suất sinh lợi sẽ được cải thiện nếu như miệng cốc bên phải nằm cao hơn.
• Thứ hai, nghiên cứu cho thấy xác suất đạt đến mục tiêu giá khoảng 49%. Mục tiêu giá được xác định bằng cách lấy chiều cao mẫu hình cộng với mức giá tại điểm phá vỡ. Nếu theo cách tính này, mục tiêu giá của VN-Index là… 800 điểm. Nếu như chúng ta sử dụng một cách tính thận trọng hơn bằng cách lấy ½ chiều cao chiếc cốc như đề nghị của Bulkowski, mục tiêu giá là khoảng 650 điểm. Xác suất đạt đến mức giá này là 73%. Điều này cho thấy, nhà đầu tư kỳ vọng một mức lãi lớn sẽ đối mặt với một rủi ro khá cao là 27%. Nói cách khác, rủi ro là khá lớn để chờ đợi một sự gia tăng mạnh của VN-Index.
Cần nói thêm, đối với các mẫu hình chiếc cốc-tay cầm thành công, thời gian để giá đạt đến đỉnh cao nhất có thể phải mất đến 6,5 tháng. Có nghĩa bạn phải chờ khá lâu để VN-Index có được mức sinh lợi cao như tính toán ở trên.
• Thứ ba, đối với nhiều mẫu hình, quy mô và kích thước mẫu hình có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu như mẫu hình càng lớn, độ tin cậy càng cao. Vì thế, rất nhiều nhà đầu tư nhầm tưởng, chiều sâu chiếc cốc càng lớn tỷ suất sinh lợi càng cao. Thực tế, nghiên cứu của Bulkowski chỉ ra rằng, chiều sâu chiếc cốc không có mối quan hệ thực sự có ý nghĩa với tỷ suất sinh lợi.
• Thứ 4, Bulkowski phát hiện thấy, nhiều chứng khoán sau khi tăng đến 10-15% sẽ sụt giảm mạnh. Ông gọi đây là thất bại 15%.
Do vậy, chúng tôi cho rằng, tốt hơn hết nhà đầu tư nên kỳ vọng vào một mức lãi chắc chắn là khoảng 10%-20%.
Đầu tư như thế nào?
Tính từ điểm phá vỡ đến nay, VN-Index đã đạt mức đỉnh 547.69 điểm, tức có mức lãi khoảng 8%-9%. Tuy nhiên sau đó, VN-Index có một số phiên giảm điểm khi thị trường xuất hiện một số thông tin xấu như: Credit Suisse khuyên nên chốt lời với chứng khoán Việt Nam; Indochina Capital VietNam Holding (ICV) tiến hành thoái vốn… Liệu sự sụt giảm này có đáng quan ngại?
Về góc độ phân tích kĩ thuật, mẫu hình chiếc cốc-tay cầm có một điều lý thú: hiện tượng giật lùi. Tức là, sau khi điểm vỡ xảy ra, giá tiếp tục đi lên nhưng lại sụt giảm trở lại mức giá tại miệng cốc bên phải. Do đó, rất có thể, sự sụt giảm trong mấy phiên gần đây chính là hiện tượng giật lùi.
Thực tế, xác suất xảy ra hiện tượng giật lùi lên đến 74%. Tức cứ 4 mẫu hình lại có 3 mẫu hình xuất hiện hiện tượng giật lùi sau khi điểm vỡ hướng lên xảy ra. Do đó, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư hãy chờ đợi hiện tượng giật lùi xảy ra trước khi mua chứng khoán. Kỹ thuật này có thể cải thiện mức lãi của bạn.
Chúng tôi cũng lưu ý rằng, khi VN-Index đạt đến mức giá tại miệng cốc bên phải, nhà đầu tư hãy mua chỉ khi giá đóng cửa vượt qua được mức giá trên. Đây là một sự thận trọng cần thiết vì có một số trường hợp giá tiếp tục đi xuống. Thời gian hoàn tất hiện tượng giật lùi thường vào khoảng 12-13 ngày tính từ điểm vỡ và không được lớn hơn.
Lê Đạt Chí – Trưởng bộ môn Đầu tư Tài chính, ĐH Kinh Tế TPHCM
Trương Minh Huy – Chuyên viên phân tích Vietstock
|