Vướng mắc công trình đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công: Nổi hay ngầm ?
Dự án Công trình đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công thực chất được triển khai từ năm 2002. Khi đó dự án trên là sự ghép nối của 2 dự án "con" triển khai trên địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây cũ.
Điều này khiến cho cùng một dự án nhưng tuyến đường dây có những thỏa thuận khác nhau phù hợp với thực tế từng địa bàn. Từ ngày 1-8-2008 tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội hợp nhất, làm cho việc triển khai dự án càng thêm khó khăn xung quanh việc thi công đường dây này theo kiểu nổi hay ngầm. Bài toán đặt ra là tìm một giải pháp hợp lý, vừa phù hợp với thực trạng, đáp ứng yêu cầu ổn định, an toàn về lâu dài, đồng thời tránh lãng phí và không ảnh hưởng lớn tới tiến độ thời gian trong việc bảo đảm cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH của Thủ đô.
Ba năm hoàn thành thủ tục đầu tư,ba năm bàn cãi "nổi - ngầm"
Văn bản thỏa thuận tuyến đường dây trên không 220kV Ba La (Hà Đông) - Thành Công và mở rộng trạm Ba La được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho các sở, ngành từ ngày 18-12-2002; đến ngày6-5-2005, UBND tỉnh đã thống nhất về hướng tuyến đường dây.
Cũng vào năm 2002, EVN triển khai thủ tục phần đường dây đi qua địa phận Hà Nội và trạm 220kV Thành Công. Ngày 27-11-2002, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản giới thiệu địa điểm xây dựng trạm biến áp (TBA) 220kV Thành Công ở phía Tây mương Hào Nam -Yên Lãng, trong khu vực Công viên Đống Đa theo quy hoạch. Diện tích đất dành cho trạm là 3.000m2.
Với 2 thỏa thuận trên, có thể phác thảo tuyến 220kV Hà Đông - Thành Công và các lộ xuất tuyến như sau: từ TBA Hà Đông đến đường Vành đai 3, tuyến dây 220kV đi nổi theo tuyến đường quy hoạch Láng Hạ - Thanh Xuân kéo dài (đoạn tuyến dây qua địa phận tỉnh Hà Tây, EVN phải thỏa thuận với Hà Tây để thống nhất tuyến với đoạn đi trên địa phận Hà Nội). Đoạn từ Vành đai 3 vào trạm Thành Công, tuyến đi ngầm dọc đường Láng Hạ - Thanh Xuân (từ Vành đai 3 đến sông Tô Lịch), đường Láng và đường La Thành - Thái Hà - Láng; các lộ xuất tuyến đấu nối với tuyến dây nổi 110kV Thành Công - Thanh Xuân và Thành Công - Giám hiện có.
Sau khi xem xét ngày 25-11-2003, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận địa điểm xây dựng TBA 220kV Thành Công và các xuất lộ tuyến.
Thủ tục đầu tư đã được hoàn tất từ năm 2006, nhưng do giải phóng mặt bằng (GPMB) khó khăn nên việc thi công công trình chưa được tiến hành. Từ tháng 8-2008, Hà Tây - Hà Nội hợp nhất khiến cho công trình này lại càng khó thực hiện. Và tới nay, tất cả mọi chuyện vẫn bàn cãi quanh việc đoạn đường dây đi qua Hà Tây (cũ) đã hoàn tất thủ tục "nổi" nay lại phải tính toán việc chuyển sang "ngầm".
Vì sao nên nỗi ?
Hiện nay, EVN đã kiến nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công đi nổi từ ranh giới Hà Nội - Hà Tây đến vị trí cột cuối (số 41) như thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt và hồ sơ mời thầu đã lập. Theo EVN, tiến độ xây dựng dự kiến của đường Lê Văn Lương kéo dài là quý I-2009. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác GPMB rất khó khăn nên tiến độ có thể còn kéo dài. Để đáp ứng tiến độ, EVN cần phải hạ ngầm đoạn đường dây nói trên trước khi xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài. Điều này sẽ dẫn đến một số khó khăn là phải tiến hành đền bù, hỗ trợ kinh phí để các đơn vị có diện tích đang sử dụng trên mặt đất di chuyển. Bên cạnh đó, đoạn cáp ngầm đi dưới hồ Mễ Trì sẽ không bảo đảm điều kiện vận hành an toàn khi tiến hành san lấp, lu nền làm đường giao thông. Đoạn cáp ngầm vượt sông Nhuệ phải phối hợp với cầu vượt sông, trong khi cầu chưa được thiết kế. Và cuối cùng, vấn đề quan trọng hơn cả là nếu chuyển từ "nổi" sang "ngầm" sẽ phải hiệu chỉnh lại tổng mức đầu tư, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu dự án. Để hoàn thành các công đoạn này sẽ mất thời gian không dưới 1 năm. Nhưng nếu đường dây 220kV không đóng điện vận hành được vào tháng 5-2010 theo kế hoạch thì dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và những năm tiếp theo, Thủ đô sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện.
Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sau thời điểm hợp nhất, cũng như sau khi TP có quyết định đầu tư đường Lê Văn Lương kéo dài, khu vực hai bên đường Lê Văn Lương kéo dài và đường Bắc Hà Đông có nhiều dự án phát triển đô thị đã và đang được triển khai xây dựng. Do đó, việc hạ ngầm tuyến 220kV Hà Đông - Thành Công thời điểm hiện nay là cần thiết, phù hợp với thực tế phát triển, đáp ứng yêu cầu ổn định, an toàn cho tuyến đường dây cao thế cũng như cảnh quan đô thị.
Khó - Song không phải không có lời giải
Như đã phân tích sơ bộ ở trên, rõ ràng lời giải cụ thể cho bài toán đi nổi hay ngầm đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công là không đơn giản. Thứ nhất, đáp số của bài toán phải thỏa mãn yêu cầu vừa phù hợp với tình hình thực tại, vừa đáp ứng được "tầm nhìn" của quy hoạch Thủ đô trong tương lai. Thứ hai, phương án lựa chọn phải đáp ứng tiến độ thời gian thực hiện công trình trọng điểm này để bảo đảm ổn định trong việc cung cấp điện cho khu vực trung tâm Thủ đô. Thứ ba, đáp số của bài toán phải là phương án hạn chế đến mức tối đa sự lãng phí đối với những phần việc dự án đã triển khai, song nhất thiết phải bảo đảm công trình có độ ổn định và bền vững, không rơi vào tình trạng "nay làm, mai phá" hoặc "đào lên, lấp xuống" như từng xảy ra với một số dự án khác.
Không lạm bàn sâu về kỹ thuật, tuy nhiên không hẳn là không có một đáp số hợp lý cho bài toán đi nổi nay ngầm đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công, về cơ bản thỏa mãn 3 điều kiện trên. Trước hết phải khẳng định, trong quy hoạch chung xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, thì yêu cầu đi ngầm đường dây này nói riêng và toàn bộ hệ thống các loại đường dây nổi là hết sức cần thiết. Thành phố đã phải lập những kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xóa những "bãi rác trên trời" theo lộ trình nhất định. Do đó, với một công trình mang tính chiến lược quan trọng như dự án đường dây 220kV Hà Đông - Thành Công này thì điều đó càng cần thiết. Vậy thì, vấn đề đặt ra ở đây là cần giải quyết được tiến độ thời gian, cũng như tính toán cân nhắc để tránh sự lãng phí. Tuy nhiên, không thể xử lý công việc theo kiểu tình huống, thay thế sự lãng phí nhỏ bằng sự lãng phí lớn. Khi hoàn thành công trình đi nổi mà tiếp tục thực hiện việc đi ngầm, cũng có nghĩa chúng ta phải đầu tư 2 lần cho 1 dự án. Về tiến độ thời gian, nếu như trước đây EVN đã mất tới mấy năm để hoàn thành các thủ tục đầu tư, rồi cũng lại hàng năm chưa thể GPMB và chắc chắn còn nhiều chuyện sẽ mất... hàng năm vì những lý do chủ quan và khách quan khác. Song, trước ngưỡng cửa Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với bề bộn các công việc, một số chuyện cụ thể đã cho thấy hoàn toàn có thể giải quyết ổn thỏa nếu như cả bộ máy cùng vào cuộc với sự quyết liệt, khẩn trương và được tổ chức vận hành một cách trơn chu. Nếu như vậy, yếu tố thời gian là có thể giải quyết và khắc phục, những chuyện... hàng năm sẽ được giải quyết dứt điểm theo tuần, theo tháng nếu có sự chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, sự kiểm tra, giám sát gắt gao...
Khi có tinh thần mới với quyết tâm mới, nhiều việc khó của Hà Nội đã được quyết liệt triển khai có hiệu quả. Và dự án nêu trên không phải là ngoại lệ. Nếu làm được như vậy, chắc chắn đây sẽ là sự đóng góp thiết thực, có hiệu quả của EVN và chủ dự án đón Đại lễ mừng Thủ đô tròn nghìn năm tuổi. Mặc khác làm được như vậy cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tiết kiệm được không ít tiền của cho ngân sách vốn là mồ hôi, công sức của từng người dân và doanh nghiệp đóng góp.
Hà Nội Mới
|