Thứ Tư, 26/08/2009 13:52

S-Fone đang đàm phán chuyển đổi mô hình hoạt động

Ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm điện thoại di động CDMA S-Telecom, khẳng định rằng S-Fone đang chờ đợi mô hình hoạt động mới để mở nút thắt cho mạng này sau gần ba năm hai bên hợp tác chưa đạt được các thỏa thuận cần thiết.

Ông có thể thông tin cụ thể về quan hệ hợp tác kinh doanh giữa SK Telecom (SKT) và Saigon Postel (SPT) trong dự án S-Fone hiện nay ra sao?

Thực tế hai bên đang nỗ lực đàm phán để tìm ra phương thức chuyển đổi mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC) sang liên doanh hoặc điều chỉnh mô hình BBC theo hướng mới phù hợp hơn. Tôi khẳng định các thông tin cho rằng SKT tuyên bố ngừng dự án S-Fone là không chính xác. Ngừng đầu tư không có nghĩa là SKT rút khỏi dự án đầu tư nhưng vai trò của họ trong dự án là gì vẫn còn là câu chuyện mở và kết quả đàm phán sẽ trả lời.

Ông khẳng định rằng hai bên đang đàm phán để chuyển đổi mô hình, vậy ông có thể cho biết vì sao đàm phán hơn hai năm vẫn chưa thỏa thuận được?

- Tôi xin nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp hợp tác giữa SPT và SKT trong dự án S-Fone vẫn đang được hai bên tích cực đàm phán và giải quyết. Chính phủ và lãnh đạo thành phố đang chỉ đạo tích cực đẩy nhanh tiến độ và giải quyết mối quan hệ BBC, có thể chuyển sang liên doanh bởi hai bên hoặc nhiều bên. Đến thời điểm này chúng tôi đã đạt được những thỏa thuận căn bản. Tuy nhiên, vướng mắc cụ thể ở trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên trong dự án trước và sau chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi một dự án là không đơn giản, đặc biệt nhà đầu tư nào cũng muốn xem bài toán phát triển trong tương lai hiệu quả ra sao. Vì thế chúng tôi đang thảo luận để giải quyết những khác biệt đó và tìm kiếm ý chí chung để đạt được mục tiêu chuyển sang liên doanh.

SKT đã từng công bố đầu tư vào mạng S-Fone 543 triệu đô la Mỹ, vì sao nguồn vốn này đến nay không được thực hiện?

- Năm 2005, lúc nguồn vốn ký kết ban đầu sắp hết, hai bên đã ngồi lại bàn đến việc thay đổi mô hình BBC. Một thỏa thuận ngắn đã được ký kết nhưng khi đi vào chi tiết thì vướng nhiều vấn đề vì thế nguồn đầu tư này chưa được thực hiện. Tổng vốn đầu tư theo dự án BBC là 218 triệu đô la Mỹ, trong đó 184 triệu đô la Mỹ đầu tư vào hệ thống mạng, gần như đã thực hiện xong từ năm 2006 trong khi thời hạn BBC kéo dài đến năm 2016. Chính vì nguồn đầu tư từ BBC đã hết nên S-Fone rất khó khăn để mở rộng kinh doanh. Với việc chuyển đổi mô hình mới, chúng tôi sẽ giải quyết nhanh chóng bài toán về vốn để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, củng cố thương hiệu S-Fone ngay trong năm nay.

Nhưng viễn thông là một trong những lĩnh vực không thiếu vốn vì nhiều nhà đầu tư nhắm đến, việc đàm phán lâu dài như thế có thể lãng phí, thưa ông?

- Một hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ phù hợp với một tác nghiệp nào đó, nhưng đây lại là một doanh nghiệp, chính vì thế chúng tôi đã bị vướng nhiều mặt. Mạng S-Fone hiện không phải là một pháp nhân mà là một chi nhánh của SPT nhưng hoạt động theo cơ chế BBC. Chúng tôi không thể vay vốn ngân hàng trực tiếp vì không phải là doanh nghiệp. S-Fone là một trung tâm thuộc SPT nhưng SPT cũng không thể vay vốn đầu tư cho S-Fone vì bị ràng buộc bởi hợp đồng BBC. Nhà nước hiện đã mở cửa thị trường viễn thông cho nước ngoài tham gia với tư cách là chủ đầu tư trong công ty liên doanh hoặc cổ phần. Nhưng điều này cần có lộ trình, ngay từ năm 2005 đối tác đã đặt vấn đề liên doanh nhưng lại quá sớm đối với chúng ta. Viễn thông còn là câu chuyện về tần số và tài nguyên, thuộc tầm quy hoạch vĩ mô. Về ý chí của hai bên đầu tư thì không có gì cần phải bàn, vấn đề là đạt được thỏa thuận trong mô hình mới thì chúng tôi mới có thể chứng tỏ cho các cổ đông của mình thấy rằng dự án S-Fone hiệu quả hay tiềm năng ra sao.

Nếu như hai bên không đạt được thỏa thuận thì SPT có phương án gì về hoạt động cho mạng S-Fone để bảo đảm không ảnh hưởng đến khách hàng?

- Quan điểm của chúng tôi vẫn là tích cực đàm phán hai bên, hướng này không phù hợp có thể tìm hướng khác. Cho dù bất cứ tình huống nào thì SKT và SPT đều bảo đảm trách nhiệm thị trường và khách hàng, đó là chuyện đương nhiên của bất cứ nhà đầu tư nào. Nhưng nếu đặt vấn đề rằng hai bên không thỏa thuận được, là nhà đầu tư đương nhiên phải có những phương án hoạt động để bảo đảm ổn định. Cần khẳng định rằng mô hình có thể thay đổi từ hướng này sang hướng khác nhưng thị trường và khách hàng vẫn không thay đổi. Hiện nay SKT vẫn là nhà đầu tư lớn trong dự án này, dù đối tác có tiếp tục hay không thì mạng S-Fone vẫn được duy trì và đầu tư mạnh mẽ hơn ngay trong năm nay để nâng cao năng lực và dịch vụ.

Giả thuyết rằng đối tác từ bỏ cuộc chơi thì phía Việt Nam có thể đảm nhận việc điều hành mạng CDMA và duy trì sự phát triển tương tự như MobiFone sau khi Comvik chấm dứt BBC hay không?

- Tôi khẳng định phía Việt Nam hiện đã có đủ năng lực để đảm nhận nhiệm vụ của mình. Điều này có thể chứng minh cụ thể rằng những năm đầu hàng trăm cố vấn từ SKT sang tham gia quản lý và điều hành mạng lưới nhưng hiện nay toàn đội ngũ chỉ còn sáu cố vấn là đại diện cho nhà đầu tư. Nói thế có thể là chủ quan, đặc biệt đối với mạng công nghệ CDMA, nhưng ngày nay chúng ta có thể duy trì mối quan hệ làm việc từ xa với các nhà cung cấp thiết bị, các công ty tư vấn. Nhìn chung, việc hoạt động luôn đặt trong nhiều giải pháp khác nhau để sớm thực hiện được ý chí kinh doanh của chúng tôi và mở ra hướng mới cho mạng S-Fone nhanh chóng nhất.

Nếu vậy liệu có sự thay đổi về công nghệ như đã từng xảy ra tại Việt Nam khi mà các mạng công nghệ CDMA phát triển không như kỳ vọng?

- Tôi khẳng định hướng công nghệ S-Fone hiện nay vẫn sẽ tiếp tục được đầu tư, mặc dù giai đoạn tới có thể đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của mạng 3G. Tuy nhiên 3G của S-Fone trên nền CDMA EVDO 1X vẫn tiếp tục được củng cố vì nó là 3G ở một nền công nghệ khác. Chúng tôi cũng tiếp tục phát triển dịch vụ BREW như lâu nay và kiên định với việc củng cố và phát triển hợp lý trên nền công nghệ CDMA. Bên cạnh đó sẽ đánh giá xem thị trường 3G ở Việt Nam thời gian tới ra sao. Khi có tín hiệu bùng nổ và mở ra cơ hội kinh doanh, chúng tôi cũng sẽ tìm giải pháp tham gia thị trường này. Phương thức đang được đặt ra là giải pháp mạng ảo. Tôi tự tin rằng việc làm mạng ảo 3G thì S-Fone sẽ là nhà mạng tốt nhất cho các mạng khác với công nghệ, hạ tầng, hệ thống quản lý chăm sóc khách hàng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác biệt. Xa hơn, công nghệ có thể thay đổi nhanh chóng, thế giới hiện đã đề cập đến chuẩn 4G LTE. S-Fone sẽ củng cố hệ thống kinh doanh của mình trong hai năm tới, khi công nghệ 4G đến sớm chúng tôi sẽ tranh thủ chuyển đổi để bước sang công nghệ mới này.

Xin cảm ơn ông.

Hợp đồng BBC giữa hai bên SPT và SKT có thời hạn 15 năm (2001-2016). Mạng S-Fone chính thức hoạt động từ năm 2003, hiện có gần 7,3 triệu số thuê bao kích hoạt, trong đó số thuê bao trên mạng xấp xỉ 4 triệu, số thuê bao hoạt động thường xuyên hàng tháng khoảng 1,5 triệu, số thuê bao sử dụng dịch vụ Internet di động khoảng 150.000 và số khách hàng đăng ký dùng thiết bị USB là 20.000.

Tuyết Ân

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh (26/08/2009)

>   Ngành muối cần phát huy “địa lợi”, tìm lại “nhân hòa” (26/08/2009)

>   ABAC đưa ra các khuyến nghị phục hồi kinh tế khu vực (26/08/2009)

>   Việt Nam đầu tư sang Lào đạt hiệu quả cao (26/08/2009)

>   Nguy cơ "kích" nhầm hàng ngoại nhập (26/08/2009)

>   6.300 tỉ đồng xây dựng đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải (26/08/2009)

>   Nhân lực CNTT: Bao giờ hết thiếu và yếu? (26/08/2009)

>   Viettel trong Top 40 nhà cung cấp DV viễn thông lớn nhất TG (26/08/2009)

>   Công nhân dễ kiếm việc hơn cử nhân? (26/08/2009)

>   Sẽ mời chuyên gia tư vấn phát triển du lịch (26/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật