Thứ Tư, 26/08/2009 10:30

Sẽ mời chuyên gia tư vấn phát triển du lịch

Tổng cục Du lịch đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 để trình Chính phủ vào cuối năm nay. TBKTSG Online đã trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về nội dung chính của chiến lược này.

Ngành du lịch từng nhắm đến mục tiêu là phát triển Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của thế giới với khoảng sáu triệu lượt khách quốc tế trong năm 2010. Tuy nhiên, với lượng khách đến như hiện nay thì mục tiêu này khó đạt được. Xây dựng chiến lược mới liệu có tạo nên một bước đột phá?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Năm 2008, chúng ta đã thu hút được 4,2 triệu lượt khách quốc tế. Đây là năm rất thuận lợi. Sau đó, ngành du lịch thế giới và Việt Nam đã sụt giảm nghiêm trọng do những biến cố quá lớn mà trước đó chúng ta không thể lường được. Trong bối cảnh như thế, việc chúng ta không thể đạt được mục tiêu đề ra là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khó khăn chỉ là nhất thời và ngành công nghiệp không khói vẫn có cơ hội để phát triển vì Việt Nam mới chỉ trải qua giai đoạn phát triển đầu tiên. Giai đoạn 2001-2010 là giai đoạn khởi đầu, nhưng là một trong những thời điểm hết sức quan trọng, tạo nền tảng cho du lịch phát triển.

Mười năm qua, chúng ta đã nhận ra sự bất cập, hạn chế của ngành, cũng như đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho ngành. Du lịch đang là lĩnh vực có sức thu hút lớn trong số những lĩnh vực thu hút đầu tư.

Với những dự án đầu tư hiện tại và chuẩn bị thực hiện thì 10 năm nữa, chúng ta sẽ có một hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ để tạo động lực phát triển. Vì thế, xây dựng một chiến lược xuyên suốt cho sự phát triển mới, chuẩn bị cho giai đoạn mới là cần thiết cho ngành công nghiệp không khói.

Như vậy có nghĩa là du lịch Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá trong 10 năm tới?

Chắc chắn trong giai đoạn này, ngành du lịch sẽ có một số thời điểm phát triển mang tính chất đột phá do chúng ta đã chuẩn bị được hệ thống cơ sở hạ tầng cho sự phát triển. Ngoài ra, khi kinh tế phục hồi thì người dân sẽ đi du lịch nhiều hơn.

Điểm nhấn của chiến lược mới là gì, thưa ông?

Xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp hẫn là mục tiêu lâu dài. Trong giai đoạn mới, chúng ta vẫn xác định phát triển du lịch Việt Nam là điểm đến nổi bật có sức thu hút và có tính cạnh tranh trong khu vực. Vấn đề là giải pháp thực hiện như thế nào.

Chúng tôi đã xác định được rằng trong giai đoạn qua, ngành du lịch còn yếu trong việc hoạch định chính sách vĩ mô mang tính chiến lược để cạnh tranh với các nước trong khu vực, yếu trong xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và cả công tác quảng bá xúc tiến. Vì thế, đây là bốn vấn đề mà chúng tôi sẽ phải thay đổi, hoàn thiện trong chiến lược mới.

Sản phẩm của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ được xây dựng dựa trên những tiêu chí nào?

Chúng tôi xác định du lịch Việt Nam phải phát triển dựa trên những sản phẩm mang tính cạnh tranh, dựa trên cảnh quan thiên nhiên nổi bật, di sản văn hóa, đặc biệt là những di sản được UNESCO công nhận cũng như điểm khác biệt văn hóa của các cộng đồng. Những điểm này sẽ xác định sự nổi bật, tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong tính tương quan với các nước trong khu vực cũng như gia tăng sự khác biệt để hút khách.

Thêm nữa, Việt Nam có lợi thế nổi bật là du lịch biển. Điểm mạnh này sẽ được tập trung khai thác trong chiến lược mới.

Ông có thể cho biết ngành du lịch dự kiến đón bao nhiêu khách trong và ngoài nước vào năm 2020?

Chúng tôi vẫn còn đang xác định và sẽ nói rõ trong chiến lược trình chính phủ vào cuối năm.

Tổng cục có mời chuyên gia từ các nước có nền công nghiệp du lịch phát triển lập chiến lược mới cho ngành?

Chúng tôi đang cử một số nhóm chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch đi nghiên cứu quy hoạch và trao đổi kinh nghiệm với các nước khác. Tổng cục cũng đang tìm và lựa chọn nhà tư vấn thích hợp để tham vấn ý kiến, cũng như sẽ mời một số chuyên gia du lịch có kinh nghiệm để tham gia tư vấn.

Theo báo cáo của Tổng cục du lịch, cả nước hiện có 764 công ty lữ hành quốc tế cùng số lượng lớn các doanh nghiệp lữ hành nội địa và 10.800 cơ sở lưu trú du lịch với 208.000 phòng. Trong bảy tháng của năm 2009, du lịch đạt doanh thu khoảng 32.400 tỉ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đào Loan

TBKTSG ONLINE

Các tin tức khác

>   Thị trường bánh trung thu: Đua nhau tăng sản lượng (26/08/2009)

>   Cho phép tạm ứng bù lỗ kinh doanh dầu năm 2008 (26/08/2009)

>   Hàng chất lượng cao bất lực với hàng giá rẻ (26/08/2009)

>   38 triệu USD hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn II (26/08/2009)

>   Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Thái Lan (26/08/2009)

>   Đẩy mạnh du lịch mua sắm (26/08/2009)

>   Da giày, đồ gỗ: nhập 80% nguyên liệu (26/08/2009)

>   Thận trọng khi bơm thêm gói kích cầu (26/08/2009)

>   Hà Nội: Nhà máy xử lý nước rác thải hoạt động (25/08/2009)

>   Nắm bắt xu hướng để xuất khẩu vào Nhật Bản (25/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật