Có xóa được cò lao động xuất khẩu?
Lâu nay, việc người môi giới mượn danh doanh nghiệp này để tuyển lao động, sau đó “bán” lại nguồn cho doanh nghiệp khác là chuyện thường xuyên trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn ký “hợp đồng liên kết” tuyển chọn qua người đại diện tại các địa phương, trích cho họ một khoản tiền (2,5 – 3 triệu đồng/người), gọi là phí tạo nguồn. Mặc dù luật Xuất khẩu lao động nghiêm cấm doanh nghiệp tuyển qua môi giới nhưng lại không quy định về hình thức liên kết này, do vậy những tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp uỷ quyền tuyển lao động đã có những hành vi vượt quá thẩm quyền, tuyển, đào tạo và thu tiền của người lao động. Môi giới, cò mồi cũng sinh ra từ đây.
Với cách tuyển lòng vòng như vậy, nên khi sự cố xảy ra thì người lao động không biết nắm áo ai, nhiều người phải ngậm trái đắng. Cục Quản lý lao động ngoài nước mới đây đã cấm các doanh nghiệp liên kết tuyển dụng lao động xuất khẩu với những tổ chức, cá nhân không có chức năng. Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng cục Quản lý lao động ngoài nước, quy định trên nhằm hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật đang được núp dưới hình thức liên kết này. Cục yêu cầu các doanh nghiệp dừng tất cả các hợp đồng liên kết tuyển dụng với các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.
Thực tế đây chỉ là một quyết định hành chính, còn thực thi tới đâu lại phụ thuộc vào sự tự nguyện của doanh nghiệp. Cục Quản lý lao động ngoài nước hiện tại chưa có các biện pháp cụ thể bắt buộc doanh nghiệp thực hiện quyết định này. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Xuân Vui, giám đốc công ty Airseco đánh giá, đó là một quyết định tốt nhưng có tác dụng trong thực tế không lại là chuyện khác. “Lẽ ra việc này (cấm liên kết tuyển dụng) phải làm từ nhiều năm về trước. Bây giờ mới cấm, liệu có muộn không?” Cũng theo ông Vui, tình trạng các doanh nghiệp liên kết tạo nguồn tràn lan thực sự đang làm rối loạn thị trường tuyển dụng.
Sự băn khoăn của ông Vui là có lý, bởi cơ chế liên kết đã tạo ra quá nhiều các đường mòn trong xuất khẩu lao động và không dễ thay đổi chỉ bằng một văn bản hành chính. Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép tuyển lao động khi hợp đồng cung ứng với đối tác nước ngoài đã được cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định về tính pháp lý và sự khả thi. Tuy nhiên, trong thực tế nguồn lao động của các doanh nghiệp nằm ở các đầu mối tuyển dụng tại địa phương. Đến khi có hợp đồng, chỉ cần gọi tới các đầu mối là ngay lập tức có lao động. Chuyện chi phí thường được doanh nghiệp phó mặc cho các đầu mối, doanh nghiệp chỉ thu phần mình, hầu như không có lao động nào xuất cảnh được với mức phí đúng quy định.
Theo nhiều ý kiến, ngoài quyết định trên, cục Quản lý lao động ngoài nước cần có biện pháp thông báo rộng rãi, yêu cầu các địa phương rà soát trên địa bàn những tổ chức, cá nhân mượn danh doanh nghiệp để tuyển lao động và cần có biện pháp xử lý mạnh nếu phát hiện thấy doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp tục ký các hợp đồng liên kết tuyển dụng trái quy định.
Lê Phượng
Sài Gòn tiếp thị
|