Trả lương qua tài khoản: “Đa” mà chưa “tinh”
Nhiều tiện ích, các địa phương và bộ ngành tích cực ủng hộ trong việc phát hành và vận động công chức sử dụng thẻ, tuy nhiên hoạt động trả lương qua tài khoản sau một thời gian thực hiện vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc.
Chất chưa đi cùng lượng
Đến hết quý 2/2009, số đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thực hiện trả lương qua tài khoản đạt 26.635 đơn vị, tăng hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2008, tăng 5.073 đơn vị (đạt tốc độ tăng 23,5%) so với cuối năm 2008; số người được trả lương qua tài khoản đạt trên 1,3 triệu người, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng thêm 183.337 người (đạt tốc độ tăng 16%) so với cuối năm 2008.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 6/2009, có 24/63 tỉnh, thành phố (chiếm 38,1%) đạt trên 50% số đơn vị hưởng lương ngân sách tại các thành phố, thị xã đã thực hiện trả lương qua tài khoản.
Dù đạt mức tăng đáng kinh ngạc về số lượng tài khoản cũng như số đơn vị tham gia nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc được người sử dụng và cơ quan quản lý đề cập đến, chủ yếu liên quan đến tổ chức phát hành thẻ.
Theo đánh giá của Vụ Thanh toán (NHNN), số lượng ATM còn hạn chế, chưa tương ứng với số lượng thẻ ATM đã phát hành; việc lắp đặt máy ATM có nơi còn chưa hợp lý, có nơi tập trung quá nhiều máy của cùng một ngân hàng hoặc của các ngân hàng, chưa có sự điều chỉnh sau khi Banknetvn và Smartlink đã kết nối nên không đem đến sự thuận tiện cho người sử dụng.
Dịch vụ trả lương qua tài khoản chưa có hiệu quả, không có lãi do chưa được thu phí giao dịch nội mạng, ngân hàng không có nguồn thu để bù đắp chi phí cho việc lắp đặt, quản lý và vận hành mạng lưới ATM, không có kinh phí tái đầu tư và nâng cấp hệ thống nên phần nào đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Thế nhưng, việc thu phụ phí thanh toán thẻ tại các đơn vị chấp nhận thẻ (POS) vẫn diễn ra phổ biến và đặc biệt tại các khách sạn, công ty du lịch và nhà hàng đã gây ra tâm lý không thích thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS; hạn chế việc phát triển các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vốn là một mục tiêu quan trọng trong chương trình trả lương qua tài khoản.
Bà Phạm Thị Ánh Hoà- Vụ Thanh toán (NHNN)- cho biết: việc mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ cũng gặp bất lợi do chưa có sự hỗ trợ, khuyến khích từ phía nhà nước nhằm phát triển các cơ sở kinh doanh chấp nhận làm đại lý thanh toán. Người sử dụng thẻ cũng mong có được nhiều tiện ích hơn nhưng thực tế thì việc phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ sinh hoạt như: công ty điện, nước, điện thoại… phần lớn không đạt được thỏa thuận nên chỉ có một số ít ngân hàng thực hiện và cũng chưa thật đem lại sự thuận lợi cho khách hàng.
Ngoài ra, hoạt động kết nối giữa các thành viên còn lại trong hệ thống Banknetvn và Smartlink diễn ra chậm, đặc biệt là kết nối thanh toán qua POS/EDC vẫn còn hạn chế.
Bắt tay cùng phát triển dịch vụ
Được biết, NHNN đang tiếp tục xây dựng và ban hành một số văn bản, hoàn chỉnh thêm môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vực thực hiện thanh toán và trả lương qua tài khoản. Các địa phương cũng đang tích cực vận động, khuyến khích những DN cung ứng dịch vụ hợp tác cùng các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ để phát triển, mở rộng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt các hoá đơn điện, nước, điện thoại… hàng tháng của cán bộ công chức (bằng hình thức uỷ nhiệm thu, chuyển khoản qua thẻ ngân hàng v.v...).
Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện Đề án xây dựng Trung tâm Chuyển mạch thẻ thống nhất, tạo điều kiện kết nối liên thông hệ thống ATM và POS trên toàn quốc.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, POS và dịch vụ thẻ hiện có, đảm bảo an toàn, chính xác, thuận tiện cho người sử dụng; ứng dụng các giải pháp công nghệ mới, hiệu quả nhằm gia tăng tính năng tác dụng của thẻ thanh toán; chú trọng hơn nữa công tác chăm sóc khách hàng; rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, giảm thiểu phiền phức, rủi ro cho chủ thẻ và khẳng định sự tiện lợi của việc thanh toán lương qua tài khoản; mở rộng kết nối các hệ thống ATM, POS của các ngân hàng trong hệ thống liên minh với nhau; tiến hành cải tiến quy trình tra soát, xử lý lỗi liên ngân hàng giảm thiểu thời gian tra soát, khiếu nại cho khách hàng. đẩy mạnh ký kết hợp đồng hợp tác với nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ tiện ích khách hàng.
Duy Minh
Công Thương
|