Tín dụng tăng, thanh khoản giảm
Tháng 7, trong khi giá trị sản xuất và xuất khẩu đều giảm, đầu ra của doanh nghiệp còn khó khăn, nhưng tín dụng vẫn tăng khá. Lý do là không ít doanh nghiệp đã vay để mua tích trữ nguyên liệu…
Doanh nghiệp vay mua hàng tích trữ
Theo số liệu tháng tháng 7 của cục thống kê TP.HCM, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước trên địa bàn ước giảm 3,6% so cùng kỳ, bảy tháng giảm 11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất của doanh nghiệp nhà nước giảm 11,4%, doanh nghiệp cổ phần giảm 12,7%. Một số ngành có giá trị sản xuất giảm so cùng kỳ như sản xuất đồ uống giảm 14%, may mặc giảm 46,3%, sản xuất vali, túi xách giảm gần 80%, sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic giảm 30,8%... Số liệu trên phần nào cho thấy, hiện trạng sức khỏe doanh nghiệp sản xuất chưa thật tốt, nghĩa là khả năng hấp thu vốn của họ có thể không được như các năm trước.
Số liệu ở Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng tháng 7 tăng 2,15% so với cuối tháng 6. Tại TP.HCM, tổng dư nợ tín dụng đạt 595 ngàn tỉ đồng, tăng 19,8% so cùng kỳ, tăng 18,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay doanh nghiệp, theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch ủy ban Giám sát quốc gia, chiếm khoảng 80% hoạt động ngân hàng.
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, các doanh nghiệp vẫn vay, nhưng phần lớn để mua nguyên liệu tích trữ, dự phòng giá tăng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sản xuất có tính thời vụ và có yếu tố giá dầu, vì lo ngại biến động giá, đã mua nguyên liệu trước để ổn định sản xuất. Theo ông, tuy sản lượng sản xuất và tiêu thụ của nhiều doanh nghiệp giảm, nhưng hàng tích trữ tăng.
Từ đó, trong bảy tháng qua, một số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đột biến nhờ mua trữ nguyên liệu khi giá còn thấp. Như tập đoàn Hoa Sen (HSG), dù sản lượng và doanh thu trong tháng 7 giảm nhưng lợi nhuận tăng 15,6% so với tháng 6, do có nguồn nguyên liệu dự trữ với giá thấp từ đầu năm. Công ty cao su Đà Nẵng (DRC) lợi nhuận 6 tháng tăng 366% kế hoạch năm, nhờ giá cao su giảm một nửa so cùng kỳ năm trước, và giá dầu thô giảm những tháng đầu năm…
Ngoài nhóm sản xuất, một nguồn hấp thu vốn vay đáng kể là các dự án bất động sản, vay tiêu dùng và vay đầu tư chứng khoán. Như ngân hàng Liên Việt vừa liên kết công ty chứng khoán Thiên Việt cho vay 100% giá trị tài khoản. VIB đưa ra hai sản phẩm cho vay mua nhà ở… Các vụ tài trợ vốn tín dụng cho các dự án lớn vẫn diễn ra, như ngân hàng Liên Việt sẽ cung cấp nguồn vốn cho Sacomreal phát triển những dự án có mức đầu tư lớn đến rất lớn, cho vay mua nhà các dự án do Sacomreal đầu tư. Vietinbank, Bảo Việt, Gia Định, ACB cho Phú Mỹ Hưng vay 1.200 tỉ đồng cho dự án Hồ Bán Nguyệt…
Hụt thanh khoản tiền đồng
Theo ông Phạm Hồng Hải, giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và thị trường tiền tệ của ngân hàng HSBC Việt Nam, do tăng cường cho vay tín dụng hỗ trợ phát triển kinh tế trong thời gian qua, thanh khoản tiền đồng giảm so với vài tháng trước. Theo đó, nhều ngân hàng thương mại tuần qua đã chuyển đổi trạng thái ngoại tệ từ mức dương sang âm nhằm đáp ứng nhu cầu vay tiền đồng. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm cũng tăng đột biến.
Nhằm bảo đảm nguồn vốn cho vay, các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động với mức đỉnh mới 10,3%/năm. Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng phát hành trái phiếu, kỳ phiếu dài hạn để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 40% xuống 30%. Như ngân hàng Sacombank vừa hoàn thành việc phát hành trái phiếu đợt một bằng tiền đồng trị giá 2.000 tỉ đồng cho các nhà đầu tư tổ chức theo hình thức ghi sổ có tên người sở hữu.
Theo ông Phạm Hồng Hải, thanh khoản của thị trường chưa có dấu hiệu đáng lo ngại, do Ngân hàng Nhà nước vẫn tích cực cung ứng thanh khoản thông qua kênh thị trường mở. Ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc Techcombank cho rằng, theo đà phục hồi kinh tế, nhu cầu vay của doanh nghiệp sẽ còn tăng lên. Ông cho rằng, việc gói hỗ trợ lãi suất giúp doanh nghiệp giảm chi phí đã gần vơi hết, có thể ảnh hưởng đến quyết định vay của doanh nghiệp, nhưng không nhiều lắm.
Hồng Sương
Sài Gòn Tiếp thị
|