Ảnh hưởng là khó tránh
Quy định hồi tuần rồi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm tỷ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại từ 40% xuống 30% sẽ ảnh hưởng ra sao đến nguồn vốn trung và dài hạn của các ngân hàng?
Theo Thông tư số 15/2009 của NHNN, quy định nói trên sẽ được áp dụng vào đầu tháng 10 tới. Quyết định này được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận như một cách để hạn chế rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng, nhưng ở một góc độ khác nó còn được xem là biện pháp theo hướng thắt chặt tiền tệ của NHNN. Thêm vào đó, Thông tư 15 cũng không nằm ngoài định hướng của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát ở mức một con số.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long, ông Trương Hoàng Lương, cho rằng điều lo ngại nhất của ngân hàng hiện nay là việc huy động vốn đầu vào, nếu không huy động được thì làm gì có vốn cho vay.
Thiếu vốn trung, dài hạn
Theo ý kiến của các ngân hàng thương mại, việc ban hành Thông tư 15 là hợp lý và cần thiết để đảm bảo tính an toàn cho cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn mà các ngân hàng phải đối mặt khi thực hiện thông tư này là không đủ nguồn vốn huy động có kỳ hạn tương ứng cho các khoản cho vay trung, dài hạn. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ở mức tối đa được phép.
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Ngân hàng TPHCM, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, cho rằng các ngân hàng không thu hút được nhiều vốn trung, dài hạn từ dân cư là do lãi suất không đủ hấp dẫn. Mặt khác tâm lý người dân trong thời gian qua bị tác động bởi lạm phát khiến rất ít người gửi tiền ở kỳ hạn dài, mà chỉ các kỳ hạn dưới sáu tháng.
Do đó, theo ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIBank), nếu các ngân hàng thương mại không có những giải pháp ngay từ bây giờ thì việc đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một trong những cách ứng phó trước mắt với Thông tư 15 là các ngân hàng sẽ tăng lãi suất đầu vào, thu hút người gửi tiền ngắn hạn nhằm hạ tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống theo đúng quy định. Điều này sẽ dẫn đến việc hình thành mặt bằng lãi suất mới trong thời gian tới.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, cho biết lượng vốn huy động trung, dài hạn tại các ngân hàng từ trước đến nay lúc nào cũng thiếu. Do vậy, các ngân hàng buộc phải phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn, trái phiếu hoặc huy động tiết kiệm với lãi suất cao ở các kỳ hạn dài để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.
Tuy nhiên, việc phát hành các loại giấy tờ có giá dài hạn trong thời điểm này cũng không dễ vì lãi suất phải hấp dẫn mới có người mua, chưa kể các chi phí phát sinh. Ngoài ra, việc huy động vốn với hình thức này ít nhiều đều có rủi ro cho ngân hàng.
“Nếu lãi suất cơ bản được điều chỉnh xuống thì chi phí các ngân hàng sẽ tăng lên. Còn nhớ năm ngoái, chỉ trong vòng ba tháng cuối năm, NHNN đã giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống còn 10%/năm, các ngân hàng đã phải “ôm” một khối lượng tiền gửi dài hạn lớn. Trong khi đó, lãi suất hiện tại được đánh giá vẫn ở mức cao, chưa kể những khoản gửi với lãi suất cao trước đây với kỳ hạn 3-5 năm chưa đến thời kỳ đáo hạn”, lãnh đạo một ngân hàng cho biết.
Lợi nhuận liệu có giảm?
Theo ông Nam, quyết định trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tín dụng và dĩ nhiên là đến lợi nhuận của các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng có cơ cấu thu nhập chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Vì các ngân hàng sẽ phải gia tăng huy động tiền gửi có kỳ hạn dài hơn, tất nhiên phải trả lãi suất cao hơn. Nếu vẫn không thể huy động đủ số tiền gửi trung và dài hạn, các ngân hàng sẽ buộc phải cho vay ngắn hạn và đảo nợ các khoản vay này cho doanh nghiệp khi đáo hạn.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, việc nguồn vốn trung, dài hạn giảm sẽ tác động đến chính sách cho vay của ngân hàng là chắc chắn và đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là các dự án trung và dài hạn. Tuy nhiên, nếu nói lợi nhuận của các ngân hàng thương mại suy giảm thì cũng chưa đủ cơ sở vì ngoài chênh lệch lãi suất thì còn phụ thuộc vào khả năng sử dụng vốn, đó là chưa kể thực tế lãi suất cho vay ngắn hạn tại một số ngân hàng hiện tại đã tăng và không thấp hơn cho vay dài hạn nếu tính theo lãi suất kép.
Cũng có ý kiến cho rằng việc áp dụng Thông tư 15 sẽ kích hoạt các khoản vay ngắn hạn liên quan đến các hoạt động đầu cơ ngắn hạn (chứng khoán, địa ốc) hoặc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án ngắn hạn để tránh phải đi vay dài hạn. Tuy nhiên, ông Trương Hoàng Lương cho rằng điều này không đơn giản vì NHNN đã khống chế hạn mức đối với cho vay cầm cố chứng khoán không quá 20% trên tổng vốn điều lệ. Riêng đối với bất động sản, chủ yếu ngân hàng dùng nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay.
Nguyễn Quân
TBKTSG Online
|