“Hành trình vạn dặm” của ngân hàng ngoại
Sau khi được cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng ngoại đã có những bước đi đầu tiên. Và những động thái khá bài bản của khối ngoại khiến các ngân hàng trong nước có lý do để lo ngại.
Từ đầu năm 2009 tới nay, lần lượt HSBC, Standard Chartered và ANZ đã khai trương các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, ngoài những đối tượng là người dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các ngân hàng nước ngoài cũng từng bước hướng đến một mảng thị phần quan trọng là khối doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước.
Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Standard Chartered đã giới thiệu những sản phẩm hướng tới các đối tượng doanh nghiệp quốc doanh, công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn.
Trong khi đó, theo Ngân hàng ANZ, việc mua lại Chi nhánh Ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS) tại Việt Nam là một bước đi nhằm mở rộng hoạt động ngân hàng bán buôn của ANZ tại Việt Nam. Trong thông cáo của mình, ANZ đặc biệt nhấn mạnh việc RBS có 100 khách hàng tổ chức tại Việt Nam với tổng số tiền gửi lên tới 45 triệu USD.
Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, với số lượng chi nhánh hạn chế, các ngân hàng ngoại chưa thể cạnh tranh với các ngân hàng nội địa có chi nhánh rộng khắp về dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Do vậy, phát triển mảng dịch vụ ngân hàng bán buôn sẽ giúp họ nhanh mở rộng thị phần.
Ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, thừa nhận rằng, mảng ngân hàng bán buôn phát triển nhanh hơn mảng ngân hàng bán lẻ.
Tại cuộc hội thảo do Standard Chartered tổ chức, một đại diện ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán rằng, những lo ngại về sự “bành trướng” của các ngân hàng ngoại là có thực.
Vị đại diện này viện dẫn câu chuyện của Tổng công ty Xi măng Việt Nam, vốn là khách hàng truyền thống của một ngân hàng trong nước, đã chuyển sang vay vốn của ngân hàng nước ngoài như một dấu hiệu cảnh báo tới các ngân hàng nội địa. “Đương nhiên, với đa số dịch vụ, ngân hàng nước ngoài không thể cạnh tranh với các ngân hàng nội địa về giá. Nhưng với công nghệ hiện đại, sự đa dạng dịch vụ thì các ngân hàng ngoại đang có ưu thế hơn”, ông này cho biết.
Cách đây 2 năm, đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ số công nghệ ngân hàng Việt Nam chỉ đạt 0,47, còn thua xa ngân hàng tại các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia (0,7), Malaysia (1,08) hay Singapore (1,95), chứ chưa nói tới những trung tâm tài chính thế giới như châu Âu hay Mỹ.
Trong bài phát biểu của mình, đại diện Standard Chartered đã ví việc triển khai gói sản phẩm phục vụ doanh nghiệp mới chỉ là một bước đi đầu tiên trong “hành trình vạn dặm” của Ngân hàng tại Việt Nam.
Khi được hỏi về mục tiêu thị phần tại Việt Nam trong tương lai, đại diện của ngân hàng này đã từ chối bình luận. Tuy nhiên, qua những ví dụ trên thị trường, ai cũng hiểu rằng, các ngân hàng ngoại sẽ làm mọi điều có thể để nhanh chóng chiếm được thị phần tại Việt Nam.
Nhắc lại câu chuyện cũ nhưng vẫn đầy tính thời sự, trong một cuộc khảo sát 3 năm trước đây, có tới 45% khách hàng được hỏi đã trả lời rằng, họ sẽ chuyển sang vay vốn của ngân hàng nước ngoài thay vì vay vốn của ngân hàng Việt Nam. Tương tự như vậy, gần một nửa số khách hàng được hỏi cho biết, họ sẽ lựa chọn gửi tiền tại ngân hàng nước ngoài sau khi các ngân hàng này được cấp phép...
Là những ngân hàng lớn, mang tầm cỡ toàn cầu, xu hướng thôn tính thị trường của các ngân hàng ngoại là không thể tránh khỏi. Nhưng bên cạnh sự “dè chừng” của khối ngân hàng nội địa, phải chăng cũng cần có một động thái nào đó từ cơ quan quản lý?
Bảo Ly
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|