Thứ Sáu, 21/08/2009 06:14

Gọi vốn trung và dài hạn: Giải pháp và thực tế

Về lý thuyết, có nhiều giải pháp cơ bản để thúc đẩy huy động vốn trung và dài hạn; nhưng trên thực tế, các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 20/8, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo đã huy động thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Đây là đợt phát hành có giá trị lớn nhất kể từ đầu năm của các ngân hàng thương mại, một sự bổ sung cần thiết cho nguồn vốn trung và dài hạn, điều mà không phải ngân hàng nào cũng có thể làm được.

Tỷ trọng thấp, khó gọi vốn

Ngày 20/8, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà Tp.HCM (HDBank) quyết định tăng mạnh lãi suất của chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 364 ngày; tăng 0,15%/năm đối với khách hàng cá nhân, 0,4%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp.

HDBank không phải là trường hợp duy nhất trong những ngày qua có quyết định điều chỉnh như trên, thêm hấp dẫn cho lãi suất để tăng cường khả năng gọi vốn. Trước đó, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) cũng có quyết định phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn với lãi suất vượt trội so với các sản phẩm huy động thông thường, cao nhất lên đến 10,05%/năm.

Có thể xem đó là những phản ứng bước đầu của các ngân hàng sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh tỷ lệ sử dụng tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; rộng hơn, đó cũng là một trong những phương án góp phần giải quyết khó khăn trong huy động vốn trung và dài hạn kéo dài thời gian qua.

Theo tìm hiểu của VnEconomy trong tuần này, tại nhiều ngân hàng tỷ trọng vốn trung và dài hạn hiện chỉ chiếm khoảng 15% - 30%, còn lại là vốn ngắn hạn chiếm từ 70% - 85%. Đây là một tỷ trọng hạn chế khi gánh nặng cung vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế vẫn đang dồn ở vai trò của hệ thống ngân hàng thương mại.

Theo giải thích của đại diện Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), một nguyên nhân khiến việc huy động vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân khó khăn là do bị tác động nhiều bởi lãi suất. “Diễn biến lãi suất huy động trên thị trường rất phức tạp và có xu hướng tăng cao, đặc biệt là những tháng cuối năm. Tâm lý người gửi tiền không muốn gửi kỳ hạn dài do lo ngại lãi suất ngắn hạn tăng tạo ra rủi ro lãi suất”, đại diện này nói.

Trả lời VnEconomy, phía Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho rằng lãi suất là một yếu tố tạo những tác động bất lợi theo những diễn biến trên thực tế.

Cụ thể, MB phân tích: “Hiện nay khách hàng vẫn tập trung lựa chọn các kỳ hạn ngắn do những biến động lãi suất trong năm 2008 và những thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự thiếu ổn định lãi suất VND và liên tục các ngân hàng tăng lãi suất, khuyến mại tạo cho khách hàng có tâm lý gửi kỳ hạn ngắn để chờ đợi mức lãi suất cao hơn trong tương lai. Mặt khác tâm lý sợ lạm phát quay trở lại làm người dân ít gửi những kỳ hạn dài cũng gây khó cho hoạt động huy động vốn trung và dài hạn”.

“Ngoài ra, hiện nay các thị trường khác như bất động sản, chứng khoán đang dần hồi phục và có “sóng” nên đang hấp dẫn các nhà đầu tư vào đó thay vì gửi tiết kiệm, hoặc gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn để có thể rút ra đầu tư vào các thị trường khác khi có cơ hội”, MB phân tích thêm.

Lãnh đạo Sacombank cũng nhận định rằng, ngoài khó khăn về huy động, ngân hàng còn phải ứng phó với sự linh hoạt của nguồn tiền gửi theo sự lôi kéo của các kênh đầu tư như phân tích ở trên. “Do đặc thù của thị trường Việt Nam, đa phần nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu vẫn là các kỳ hạn ngắn và khách hàng có thể rút trước hạn bất cứ lúc nào, mà tình hình huy động năm 2008 vừa qua là một minh chứng”, đại diện Sacombank nói.

Giải pháp: Lý thuyết và thực tế

Như một giải pháp truyền thống, gọi vốn khó khăn, ngân hàng thêm lãi suất để hấp dẫn. Nhưng hiện tại, lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn đã tiến tới gần giới hạn, đặc biệt ở nhóm trung và dài hạn. Giải pháp này hiện nay khó tiếp tục triển khai.

Giải pháp và cũng là một thực tế mà MB đề cập đến là các ngân hàng đang sử dụng huy động trái phiếu như một kênh gọi vốn khá hiệu quả. Ngoài ra việc mở rộng thị phần và thị trường kinh doanh, tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược cũng là một kênh thu hút nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng.

Mới nhất, ở giải pháp trên, trong tháng 8 này, Sacombank đã phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Có thể thấy trong sự thành công đó là vai trò của các đối tác chiến lược, điều đã từng thể hiện ở cổ đông lớn là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) với những khoản tín dụng lớn trong những năm trước.

Lãnh đạo Sacombank cũng nhấn mạnh: “Để nâng cao tỷ trọng nguồn vốn trung dài hạn, ngoài các sản phẩm huy động, chúng tôi tập trung mở rộng quan hệ vay vốn từ các định chế quốc tế và thực hiện phát hành trái phiếu; trong đó, tăng cường đàm phán và tiếp nhận các nguồn vốn trung dài hạn có giá thành hợp lý từ các định chế tài chính quốc tế uy tín đang là thế mạnh của Sacombank trong giai đoạn hiện nay”.

Ở giải pháp này, cái khó là mối quan hệ của ngân hàng với các đối tác có đủ mạnh để gọi vốn thành công hay không. Trong năm 2008, thị trường từng biết đến sự hỗ trợ quý giá của những cổ đông lớn tại một số nhà băng trong kỳ căng thẳng thanh khoản. Như ý kiến của lãnh đạo Sacombank, có được những mối quan hệ tốt và gắn bó, để có được kết quả đàm phán tốt, còn tùy thuộc vào thế mạnh và uy tín của mỗi thành viên.

Về lý thuyết, như giải pháp mà VPBank đưa ra là phát hành giấy tờ có giá trung và dài hạn gồm các loại trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn. Đây là kênh huy động ổn định và hiệu quả để tăng cường nguồn vốn trung dài hạn cho ngân hàng.

Nhưng trên thực tế, VPBank phân tích: “Liên quan đến việc phát hành giấy tờ có giá trung và dài hạn, việc huy động với khối lượng lớn qua kênh này sẽ gặp một số khó khăn. Quy trình phát hành giấy tờ có giá dài hạn phức tạp hơn nhiều so với phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn, đặc biệt là phát hành trái phiếu.

Bên cạnh hồ sơ xin phép Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng còn phải tuân thủ quy trình thẩm định doanh nghiệp rất gắt gao của các tổ chức thẩm định độc lập, thường do bên bảo lãnh phát hành chỉ định, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tính minh bạch của số liệu khi công bố và chứng minh được thế mạnh của ngân hàng trong việc chống đỡ trước những biến động rủi ro và đạt hiệu quả hoạt động ấn tượng”.

VPBank cũng nhận định, một giải pháp thường được áp dụng là với đối tượng là dân cư, các sản phẩm tiết kiệm các ngân hàng sẽ phải được nghiên cứu cải tiến theo hướng có nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng gửi ở kỳ hạn trung – dài hạn. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ tập trung nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm hoàn toàn mới với cơ cấu huy động dài hạn. Những sản phẩm này có thể linh hoạt hơn như áp dụng lãi suất tiết kiệm thả nổi. Những khách hàng sử dụng sản phẩm này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như điểm thưởng lãi suất, quà tặng dưới nhiều hình thức…

Và theo quan điểm của Sacombank, MB, VPBank…, một giải pháp không kém phần quan trọng là chính bản thân các ngân hàng phải tự tạo được niềm tin và sự ổn định trong tâm lý người gửi tiền, phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng chăm sóc, tư vấn.

“Ngay cả những thông tin về sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng sẽ là một trong những yếu tố làm cho người dân có thể chấp nhận gửi tiền dài hạn”, đại diện MB nhận định.

Minh Đức

tbktvn

Các tin tức khác

>   'Cần bước đệm để kinh tế hạ cánh mềm' (20/08/2009)

>   Tín dụng tăng, thanh khoản giảm (20/08/2009)

>   Phân bổ bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn TPCP năm 2009 (20/08/2009)

>   Đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ đợt 2/2009 (20/08/2009)

>   Ảnh hưởng là khó tránh (20/08/2009)

>   “Hành trình vạn dặm” của ngân hàng ngoại (20/08/2009)

>   Dư nợ ngoại tệ: Tăng trong thận trọng (20/08/2009)

>   Doanh thu phí BHNT nửa cuối năm 2009 sẽ tăng ít nhất 20% (20/08/2009)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể tạo đột phá (20/08/2009)

>   Ngày 20/08, Vàng co hẹp biên độ để thu hút khách (20/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật