Thứ Hai, 31/08/2009 10:17

TP.HCM: Kinh tế rồi có 'lao dốc' như bóng đá?

Sự chuyển mình quá chậm chạp, trì trệ, thậm chí có lúc bảo thủ khiến nhân tố mới, mô hình mới vắng bóng, TP.HCM sẽ ngày càng tụt hậu.

Vài năm trước, những cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của bóng đá Thành phố đã từng được đưa ra sau khi vòng nguyệt quế bắt đầu bớt lấp lánh trước những bất hợp lý về nhân sự, đào tạo, đãi ngộ… Song nhiều người có trách nhiệm đã không nhìn ra nguy cơ. Giờ thì sự thực đã rõ ràng.

Diễn biến ấy liệu có lặp lại với kinh tế TP.HCM?

“Sài Gòn đẹp lắm” nhưng hết… hấp dẫn

Còn nhớ những năm 1997 - 1999, khi TP.HCM đang trụ vững ở vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước với khá nhiều lợi thế cạnh tranh, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo nguy cơ bị sụt giảm và “chia sẻ” GDP cho các tỉnh lân cận do những bất hợp lý trong cơ cấu kinh tế, giá thuê đất, thủ tục hành chính, nguồn lực lao động...

Thời điểm đó, cùng với quá trình đô thị hóa mạnh, nguy cơ mất dần các lợi thế của TP.HCM xuất hiện khi đất đai và lao động ngày càng khan hiếm, đắt đỏ; xu hướng chuyển dịch đầu tư hoặc di dời cơ sở vật chất đến một địa phương khác có giá đất đai, nhân công rẻ hơn, thủ tục hành chính đỡ rắc rối hơn.

Cùng lúc với những bất lợi xuất hiện ở TP.HCM thì tỉnh lân cận Bình Dương - vừa chia tách trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - bắt đầu “trải thảm đỏ” với nhà đầu tư và nhân tài.

Gần 5 năm sau, năm 2004, trong khi khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) tạo ra 46% giá trị GDP (tổng giá trị sản phẩm quốc nội) của Bình Dương, 36% của Đồng Nai thì TP.HCM là 18,7%, dù theo nhận định chung, TP.HCM vẫn là nơi thu hút đầu tư lớn của cả nước!

Sau năm 2004, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng rõ ràng, TP.HCM đã không còn là nơi duy nhất hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Thị phần” khi đã đánh mất, việc giành lại không đơn giản.

Năm 2006, trong bảng xếp hạng “chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI), TP.HCM xếp thứ 7 trong cả nuớc trong khi Bình Dương ở vị trí thứ nhất. Từ đó đến nay, Bình Dương vẫn luôn giữ vững ngôi đầu trong bảng xếp hạng này và tuy không phải lúc nào cũng là nơi thu hút đầu tư lớn nhất nhưng hầu như luôn có mặt trong số những địa phương dẫn đầu cả nước về mức thu hút đầu tư.

Mới đây nhất, số liệu tháng 6/2009 của Tổng cục Thống kê cho thấy TP.HCM xếp thứ 2 về thu hút đầu tư nuớc ngoài với số vốn gần 1 tỷ USD (sau Bà Rịa - Vũng Tàu). Nhưng theo báo cáo của TP.HCM, trong tổng số 25,6 tỷ USD vốn FDI của 3.128 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực trên địa bàn, mới chỉ ngót nghét 10 tỷ USD đã được giải ngân.

Số lượng vốn giải ngân đạt thấp đến mức Chính phủ đặt câu hỏi: Phải chăng nguyên nhân là do thủ tục hành chính còn quá rườm rà, dự án bị chia thành nhiều phân khúc và mỗi phân khúc mất đến vài năm mới giải quyết xong?

Tất nhiên, không thể quy hết trách nhiệm cho TP, nhưng cũng không thể nói rằng TP vô can trong tình thế phát triển này.

"Đi trước" mà… chậm

Cũng từ những năm cuối thập niên 90 (thế kỷ 20), nhiều người đã lên tiếng về việc lựa chọn cơ cấu kinh tế với công nghiệp làm chủ lực khi trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn thấp, gia công và chế biến thủ công chiếm đa số sẽ khiến chất lượng tăng trưởng của kinh tế TP không bền vững do giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong GDP.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, Thành phố nên tập trung vào mũi nhọn dịch vụ - thế mạnh mà không địa phương nào có được lúc bấy giờ - để làm động lực phát triển.

Kiến nghị ấy được ghi nhận khi tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực dịch vụ của TP từ 7,4% năm 2001 đã lên 10,7% năm 2004, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp thì đến năm 2004, trong một hội nghị về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP.HCM, vẫn còn… “nằm” trên bàn hội nghị với lời nhận xét của lãnh đạo TP: Chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP chưa cao; cơ cấu kinh tế đang giảm dần sức cạnh tranh do các ngành công nghiệp chủ yếu mang tính chất của một nền sản xuất gia công và các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao vẫn chiếm tỷ trọng thấp; khu vực kinh tế có vốn nước ngoài tăng chậm.

Dĩ nhiên, thay đổi một ngành như công nghiệp không thể một ngày một bữa. Nhưng 5 năm cũng không phải quá ngắn! Sự chuyển hướng chậm chạp ấy đã làm kinh tế TP từng buớc mất đi sức cạnh tranh, sự phát triển ít nhiều bị ảnh hưởng.

Sẽ có thêm một lần "lao dốc"?

7 tháng đầu năm nay, vẫn theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp TP.HCM đạt 104,6% trong khi Bình Dương là 106,5%, Đồng Nai 107,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu 110,5%. Điều này phần nào cho thấy sự “thất thế” của đàn anh TP.HCM.

Chưa kể, nếu phân tích thêm, có thể thấy khối các doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM thời gian này hoạt động khá yếu với giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 96,8% so với 113,8% của Bình Dương, 101,7% của Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lời cảnh báo về chuyện thụt lùi của kinh tế TP.HCM, đến lúc này, có lẽ đã bắt đầu hiện rõ hình hài.

Có hay không bệnh kiêu ngạo về vị trí trung tâm với cả nước và tầm nhìn ngắn hạn, không theo kịp sự phát triển của thực tiễn xã hội khiến TP.HCM mất dần vai trò của vùng đất đi đầu, năng động và sáng tạo trên nhiều lĩnh vực? 

Sự chuyển mình quá chậm chạp, trì trệ, thậm chí có lúc bảo thủ khiến nhân tố mới, mô hình mới vắng bóng, TP ngày càng tụt hậu so với các tỉnh bạn phải chăng là hệ quả của thứ tư duy lùn, tư duy kinh nghiệm chủ nghĩa ít chất xám?

Cú “vỗ mặt” của bóng đá là lời cảnh tỉnh nghiệt ngã không chỉ với thể thao của TP.HCM.

Nếu không tỉnh táo để dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật một cách nghiêm túc, thực sự cầu thị và trung thực mọi vấn đề, khả năng tụt hậu xa hơn nữa của TP.HCM về nhiều mặt là nguy cơ đang ở rất gần.

Và, nếu vậy, lời hứa “TP Hồ Chí Minh đi trước và về đích trước” với dân sẽ chỉ là lời hứa suông, khó trở thành hiện thực. 

* Dương Trọng Dật

VIETNAMNET

Các tin tức khác

>   Sàn bất động sản không minh bạch vì thiếu “chuẩn” (31/08/2009)

>   “Chợ” online tung chiêu hút khách (31/08/2009)

>   Ngành Da - giày Việt Nam: Bỏ ngỏ thị trường nội địa (31/08/2009)

>   Điều chuyển vốn nếu dự án thực hiện dưới 15% kế hoạch (31/08/2009)

>   Xăng dầu tăng giá: Giá sỉ “té nước” theo xăng (31/08/2009)

>   Quyết liệt với "cuộc chiến" giảm tổn thất điện năng (31/08/2009)

>   Du lịch dịp Quốc khánh 2/9: Không tăng giá tour (31/08/2009)

>   Nhờ kích cầu hay do sốt "bầy đàn"? (31/08/2009)

>   Giá gạo giảm, nông dân trữ lúa (31/08/2009)

>   Gõ đúng, cửa sẽ mở ! (31/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật