Tạo môi trường tài chính ổn định, an toàn
Những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu hiện nay và các giải pháp chính sách nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ tái xảy ra khủng hoảng tương tự trong tương lai đã được thảo luận sâu sắc tại Hội thảo “Ổn định tài chính toàn cầu: Vai trò của các thành viên trong mạng an toàn tài chính", ngày 27/8.
Hội thảo do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) phối hợp với Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Malaysia (MDIC) tổ chức trong 2 ngày 27-28/8 tại Hà Nội.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 nội dung chính: Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu: Bài học về chính sách và định hướng tương lai; Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về lĩnh vực ổn định tài chính, vai trò và mối quan hệ giữa các thành viên chủ chốt trong mạng an toàn tài chính quốc gia; Các xu hướng quốc tế trong lĩnh vực cải tổ hệ thống giám sát tài chính; Những bài học được rút ra và một số khuyến nghị cho trường hợp cụ thể của Việt Nam.
Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu hiện nay đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với hầu hết các nền kinh tế, trong đó có các nước ASEAN. Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực đều đang ứng phó một cách tích cực với cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, về trung và dài hạn, cần thiết phải có những chính sách, chiến lược hay kế hoạch mang tính tổng thể nhằm xử lý tận gốc vấn đề và ngăn chặn một cách có hiệu quả nguy cơ nổ ra những cuộc khủng hoảng tương tự.
Tăng cường vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu hiện nay là do không chú trọng đúng mức vai trò điều tiết và giám sát của Nhà nước. Vì vậy, khi 3 yếu tố chính bao gồm: quản trị doanh nghiệp tốt; cơ chế kỷ luật thị trường phát huy tác dụng đầy đủ cùng với việc Nhà nước quản lý, điều tiết và giám sát thị trường tài chính hoạt động hiệu quả, phát triển một cách cân bằng sẽ giúp cho thị trường kinh tế - tài chính ở mỗi quốc gia nói riêng và trên toàn cầu nói chung được an toàn và hoạt động hiệu quả.
Ông Akira Ariyoshi - Giám đốc Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trên toàn cầu đã qua nhưng phải rất lâu sau, hoạt động tài chính mới có thể trở lại bình thường, do đó cần phải có sự can thiệp rất lớn của Nhà nước giúp ổn định thị trường tài chính cũng như đưa ra những chính sách, chiến lược mang tính tổng thể nhằm xử lý tận gốc vấn đề.
Theo ông Jean Pierre Sabourin – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Malaysia, cần có sự chia sẻ thông tin giữa các tổ chức tài chính trên toàn thế giới, làm sao để các nước được chia sẻ những kinh nghiệm của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi tốt nhất. Hệ thống bảo hiểm tiền gửi quốc gia cần phải là những cơ quan giám sát và cảnh báo sớm mọi tình huống có thể xảy ra để nâng cao niềm tin của công chúng vào mạng lưới an toàn tài chính.
Chủ tịch UBGSTCQG, ông Lê Đức Thúy cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đạt được những thành công nhất định, duy trì được tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Hạ tầng tài chính vững chắc là tiền đề quan trọng
Hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, một hạ tầng tài chính vững mạnh sẽ là tiền đề quan trọng bảo đảm cho các định chế tài chính hoạt động tốt và thị trường tài chính vận hành trôi chảy. Hạ tầng tài chính ở đây bao gồm các chuẩn mực, quy tắc, quy định về kế toán, kiểm toán, quản trị doanh nghiệp; các hệ thống thanh toán; khuôn khổ pháp lý điều tiết hoạt động của thị trường tài chính nói chung, giám sát tài chính nói riêng … nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho hệ thống tài chính hoàn thành tốt vai trò trung gian tài chính, bảo đảm về tốc độ và chi phí chu chuyển vốn, về khả năng truyền tải và phân tán rủi ro tài chính.
Cũng như vậy, các cơ quan giám sát các khu vực tài chính từ đó mới có môi trường hoạt động cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò của mình. Ngược lại, nếu thiếu một thể chế tài chính vững chắc, các cơ quan giám sát tài chính dù cố gắng sẽ không thành công khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, Chính phủ mỗi quốc gia phải đảm đương vai trò thiết lập hạ tầng tài chính vững mạnh cho chính quốc gia mình.
Một số khuyến nghị với Việt Nam
Vận dụng vào bối cảnh đặc thù của Việt Nam, nhằm tới mục tiêu củng cố, duy trì một hệ thống tài chính ổn định, lành mạnh và phát triển bền vững, các diễn giả và đại biểu tham dự Hội thảo đã gợi ý một số khuyến nghị đối với Việt Nam, trong đó tập trung vào vai trò quản lý Nhà nước. Trước hết là tăng cường quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, UBGSTCQG, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Thiết lập khuôn khổ và cơ chế, chính sách, công cụ duy trì ổn định tài chính bao gồm: sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung và quyết liệt của Chính phủ; việc sử dụng cẩn trọng nhưng linh hoạt các công cụ, chính sách như lãi suất, tỉ giá, hỗ trợ thanh khoản, quản lý tài khoản vốn, hỗ trợ hệ thống thanh toán và bù trừ; hướng dẫn, giải thích, tuyên truyền, thuyết trình nhằm củng cố, duy trì niềm tin trong công chúng; hỗ trợ xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo vệ các nhà đầu tư, người gửi tiền, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, phòng chống rửa tiền, các quy định về giám sát an toàn vĩ mô, vi mô, giám sát hành vi thị trường…
Kiều Liên
Chính phủ
|