Nhùng nhằng việc tự kiểm nghiệm chất lượng sữa
Nhu cầu tự đem sản phẩm sữa đi kiểm nghiệm chất lượng của người tiêu dùng ngày càng tăng. Song cơ quan chuyên môn lại khuyến cáo không nên làm như vậy.
Giá sữa và chất lượng sữa, đặc biệt là sữa bột từ lâu nay đã là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tiêu dùng. Trong khi giá sữa tại VN liên tục tăng cao, nhà sản xuất, cung cấp liên tục đưa ra những quảng cáo hấp dẫn về chất lượng, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sản phẩm của mình thì không ít người tiêu dùng đã tự đem sản phẩm đến các phòng thí nghiệm để chứng thực.
Người tiêu dùng hẳn còn nhớ câu chuyện khiếu nại khá rầm rĩ của khách hàng Nguyễn Thị Lan (ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) đối với sản phẩm sữa Enfagrow A+ của Mead Johnson hồi tháng 7 vừa qua.
Để chắc chắn con mình đã được uống loại sữa tốt nhất, khoảng tháng 3/2009, bà mẹ của hai con nhỏ, cũng là khách hàng thường xuyên của Enfagrow A+ này đã đem một hộp còn nguyên bao bì và đảm bảo chất lượng theo cảm quan đến Viện Pasteur TP.HCM đề nghị kiểm nghiệm.
Kết quả trả lời ngày 3/4 của Viện cho thấy, hàm lượng canxi, chất béo, đạm toàn phần, protein và chất xơ đều xê dịch ít nhiều so với nhãn công bố. Ngay lập tức chị Nguyễn Thị Lan gửi các thông tin kể trên đến Công ty Mead Johnson Nutrition VN đề nghị giải thích. Đồng thời thông báo sẽ cập nhật tất cả thông tin, diễn biến vụ việc trên blog cá nhân.
Đầu tháng 5, sau khi kiểm tra, kiểm nghiệm lại toàn bộ quy trình sản xuất lô sữa mà chị Lan yêu cầu tại Trung tâm kiểm nghiệm sản phẩm của Mead Johnson tại Thái Lan, hãng đã có trả lời chính thức.
Trong đó khẳng định công ty “không phát hiện bất cứ sai sót nào trong suốt quá trình sản xuất”. Về kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur cho thấy các chất không tương ứng với công bố trên bao bì sản phẩm, công ty cho rằng “nguyên nhân lớn nhất là do phương pháp kiểm nghiệm khác nhau”.
Vụ việc chưa kết thúc khi chị Lan tiếp tục nghi ngờ Mead Johnson Nutrition VN đã sử dụng mẫu thử thuộc lô khác với lô mà chị gửi mẫu đến Viện Pasteur. Do đó đầu tháng 6, chị tiếp tục mua và gửi mẫu sữa bột thuộc một lô khác đến Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM đề nghị kiểm nghiệm các vi chất như lipid, protid, canxi, DHA, vitamin C.
Kết quả ngày 12/6, hàm lượng canxi là 743mg/100g (nhãn công bố là 560mg/100g); vitamin C là 25,2mg/100g (nhãn công bố là 43mg/100g)... Các thông tin trên được chị Lan đăng tải trên diễn đàn của một trang web vào đầu tháng 7 đã thu hút được nhiều bất bình từ nhiều người tiêu dùng khác.
Nhưng phía Mead Johnson cũng tỏ ra bất bình không kém khi ông Mark Hely – Tổng GĐ của hãng tại VN khẳng định sẽ thu thập các dữ liệu cần thiết tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện những cá nhân lợi dụng thông tin, kích động, diễn giải sai lệch và phát tán xuyên tạc qua website, gây tâm lý hoang mang không cần thiết đến cộng đồng.
Chưa nói ai đúng, ai sai trong các trường hợp tương tự như trên, Tiến sĩ Hoàng Thủy Tiến – Phó cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tại buổi tọa đàm Tìm hiểu chỉ số chất lượng trong sản phẩm sữa tổ chức ngày 26/8 nhấn mạnh, sở dĩ người tiêu dùng VN thường “thua kém” trong các vụ khiếu kiện chất lượng sản phẩm là do không am hiểu nắm chắc về pháp lý.
Tiến sĩ Hoàng Thủy Tiến đưa ra hai ví dụ cụ thể. Thứ nhất đó là trường hợp một khách hàng ở Bỉ ngoài 60 tuổi bị dị ứng và buồn nôn sau khi uống một lon Coca-Cola. Ông này lập tức khiếu kiện lên hãng và sau khi đưa ra đầy đủ các bằng cứ, ông được bồi thường hàng triệu đôla. Vụ việc xảy ra cách đây khoảng 10 năm.
Nhưng cũng thời gian ấy, một nữ khách hàng ở Đà Nẵng đem chai Coca-Cola có một con gián bên trong đến đại lý của hãng để khiếu nại. Mới đầu, bà được giải quyết đền bù 2 triệu đồng. Nhưng khi về nhà cân nhắc thấy mức bồi thường chưa thỏa, bà tiếp tục nâng lên con số 15 triệu đồng.
Lập tức hãng cho luật sư đến làm việc yêu cầu bà này phải chứng minh được mua sản phẩm trên ở đâu, lúc nào, của ai và cuối cùng là chứng minh chai Coca-Cola khi đó chưa mở nắp. Chỉ khi hãng đưa vụ việc ra Viện hình sự, vị khách hàng mới xin rút lui. Kết cục không đòi được nhiều tiền hơn, khách hàng còn phải trả số tiền 2 triệu đồng đã được “ứng” trước đó.
Sẽ không phải tự kiểm nghiệm chất lượng sữa
Theo Tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo - Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, nhu cầu tự đến đề nghị kiểm nghiệm sản phẩm sữa của người tiêu dùng hiện nay không phải ít. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, viện không thực hiện kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cho một cá nhân riêng lẻ.
“Mẫu mà người tiêu dùng tự mang đến phần lớn không có giá trị về kết quả kiểm nghiệm” – Tiến sĩ Hồng Hảo nhận xét.
Chuyên gia này dẫn giải, thông thường để cho ra một kết quả tin cậy nhất thì mẫu phải được các tổ chức, các đoàn thanh tra có kiến thức trong việc lấy mẫu thu thập và đem đến.
Các mẫu này phải còn nguyên niêm phong. Nếu là sản phẩm bán lẻ phải còn nguyên đai nguyên kiện, chưa từng mở nắp hoặc nếu có khuyết tật đáng kể thì phải có biên bản xác nhận. Quan trọng hơn, mẫu thử phải có tính đại diện cho lô hàng và có đủ mẫu về số lượng để kiểm nghiệm và lưu giữ.
Tiến sĩ Hồng Hảo lưu ý, kiểm nghiệm thành phần dinh dưỡng trong sữa nói chung là hết sức phức tạp. Cho nên các phương pháp kiểm nghiệm khác nhau (hiện chủ yếu là phương pháp AOAC và TCVN), các phòng thí nghiệm cũng như tay nghề của người kiểm nghiệm khác nhau sẽ cho ra những kết quả không như nhau.
Sai số cho phép giữa kết quả kiểm nghiệm so với chỉ tiêu chất lượng công bố thực tế thường là 10%, thậm chí có nơi, có chỗ đến 20%.
Ngoài việc không am hiểu chuyên môn, Tiến sĩ Hồ Tất Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng còn cho rằng, người tiêu dùng đơn lẻ cũng thường không có đủ điều kiện về thời gian, sự kiên nhẫn cũng như khả năng tài chính để theo đuổi các cuộc kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.
Tiến sĩ Hồ Tất Thắng nêu quan điểm, không ai khác, chính các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách phải thực hiện vai trò kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm thiết yếu này.
Theo đó, tới đây Hội sẽ kết hợp với Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tiến hành lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm hàm lượng dinh dưỡng trước mắt trong sản phẩm sữa bột nội và ngoại nhập. Kết quả thu được sẽ công bố công khai, minh bạch đến người tiêu dùng một cách định kỳ.
Ở góc độ khiếu kiện chất lượng sản phẩm, Tiến sĩ Hoàng Thủy Tiến góp ý, khi bắt gặp hay sử dụng phải sản phẩm không đúng quy cách, chất lượng, người tiêu dùng trước hết phải xác định được người chứng kiến, thậm chí chụp ảnh sản phẩm; lập biên bản, ghi rõ ai, ngày giờ, ở đâu và có đầy đủ chữ ký xác nhận của các bên liên quan.
Tiếp đó gọi người phụ trách đại lý hoặc của hãng đến kiểm tra, xác nhận xem đây có phải sản phẩm của hãng hay không. Đó là căn cứ để hãng xác minh nguồn gốc, xuất xứ, sai sót của lô sản phẩm từ đó giải quyết đền bù thiệt hại cho khách hàng.
Nguyễn Nga
Vietnamnet
|