Nghị định quản lý tập đoàn KT : Cần được xem xét cẩn thận hơn
Bản dự thảo Nghị định quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất và dự kiến trình Chính phủ cuối tháng này. Dù một số điểm mới đưa vào dự thảo Nghị định được cho là sát thực tế hơn nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, dự thảo cần phải được xem xét một cách cẩn thận hơn.
Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 7, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn đã thông báo về thời gian dự kiến trình dự thảo nêu trên và chỉ ra một số điểm mới trong nghị định này. Theo đó, Chính phủ sẽ có quy định rõ về việc quản lý, đầu tư, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN), có quy định về điều kiện trả lương nhằm bảo đảm tính tự chủ cho các tập đoàn, có quy định về việc đầu tư trong nội bộ tập đoàn, sở hữu chéo của các công ty thành viên, quyền đầu tư ra ngoài ngành và ra nước ngoài...
Hôm 23-8, ông Trần Tiến Cường, một thành viên chủ chốt trong ban soạn thảo Nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho TBKTSG biết tiến độ trình Chính phủ phê duyệt cuối tháng 8 hiện vẫn được giữ nguyên và ban soạn thảo đang hoàn tất việc lấy ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo.
“Nhà nước, với tư cách là người chủ sở hữu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), có thể tổ chức, tái cơ cấu các doanh nghiệp của mình. Đó là việc làm bình thường của chủ sở hữu”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A bày tỏ sự đồng tình về việc ra đời bản nghị định này và coi đây như hành lang pháp lý nên có sau những năm TĐKTNN hoạt động chưa có một khung pháp lý nào hoàn chỉnh cả.
Vấn đề là nội dung bản nghị định tách bạch được cách thức quản lý, giám sát nguồn vốn chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn theo mô hình, cách thức nào mà thôi. Chính vì thế, ông Nguyễn Quang A không tán đồng khi để từ “thí điểm” trong tên gọi “Nghị định thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý TĐKTNN”, với 45 điều và dài 39 trang.
Áp dụng nghị định trên nền luật có nhiều bất cập và đang đề nghị sửa thì không rõ cái nào sửa cái nào, Nghị định thí điểm về tập đoàn sửa cái kia hay ngược lại?
Theo ông A, với tám tập đoàn đã được thành lập và thời gian hoạt động không ngắn, việc dùng từ “thí điểm ” là không phù hợp vì thí điểm thường chỉ ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm, chứ không áp dụng cho số lượng lớn các tập đoàn.
Lực lượng này dù chỉ mới là con số 8 trong số 1.700 DNNN nhưng tỷ trọng (tỷ lệ tổng tài sản, tổng doanh thu, tổng đầu tư, tổng nguồn lực...) đã chiếm từ 60-80% tùy từng tiêu chí nêu trên. Hay nói riêng về tổng tài sản, cũng chiếm tới 85% tổng tài sản của DNNN.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần hết sức thận trọng khi căn cứ vào một số luật trong phần đầu dự thảo để chấp bút, vì nó có liên quan trực tiếp đến hiệu quả, tính khả thi mà nghị định cần có để áp dụng.
“Căn cứ pháp lý để xây dựng nghị định này cần phải xem lại”, theo ông Kiên. Ông phân tích rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuộc Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu nguồn vốn của các TĐKTNN trình nghị định ra Chính phủ với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước là không ổn.
Hơn nữa, nó được căn cứ vào Luật DNNN, theo nghị quyết của Quốc hội, sẽ hết hiệu lực năm 2010: “Ban hành nghị định xuất phát từ luật sắp hết hiệu lực, liệu có khả thi?” ông Kiên băn khoăn.
Hay như căn cứ vào Luật Tổ chức Chính phủ thì luật này hiện có nhiều bất cập và đang được đề nghị sửa đổi. Để quản lý DNNN, hai năm trước Chính phủ có ban hành Nghị định 86/2007/NĐ-CP quy định về quản lý lao động và tiền lương, nhằm tách chủ sở hữu ra khỏi bộ quản lý ngành nhưng cũng còn nhiều bất cập và nghị định này hiện cũng được dự tính chỉnh sửa.
“Áp dụng nghị định trên nền luật có nhiều bất cập và đang đề nghị sửa thì không rõ cái nào sửa cái nào, Nghị định thí điểm về tập đoàn sửa cái kia hay ngược lại?” - ông Kiên đặt vấn đề. Theo ý ông, nếu vốn và tài sản nhà nước được xem như một phần của ngân sách nhà nước thì phải chịu sự chi phối của Luật Ngân sách. “Song nghị định này không có một dòng nào nhắc đến Luật Ngân sách”, ông nói.
Ông Kiên cho rằng thực tế nghị định vẫn không xác định được mô hình TĐKTNN, dù ông cũng nhận thấy việc quản lý xuyên suốt mô hình các công ty mẹ - công ty con được thể hiện rõ trong dự thảo. “Tôi hiểu là dự thảo đã bác đi tư cách pháp nhân của tập đoàn.
Vậy 8 tập đoàn hiện nay có chủ tịch HĐQT, có tổng giám đốc sẽ làm gì, chịu trách nhiệm đến đâu nếu quyền lực và trách nhiệm đều được quy định thẳng xuống các công ty ở dưới”. Ông cho rằng ở đây có sự nhầm lẫn khái niệm giữa tập đoàn và công ty mẹ.
Điều này được thể hiện trong quy chế tài chính tại chương III của dự thảo này, ngay phần đầu của điều 12 đã quy định việc quản lý, điều hành tập đoàn thông qua công ty mẹ. “Tập đoàn không có tư cách pháp nhân mà quản lý nguồn vốn thì càng cần phải xem lại” - ông Kiên nói.
Ngọc Lan
TBKTSG Online
|