Thứ Năm, 27/08/2009 12:13

“Chúng ta đang bỏ phí cơ hội từ khủng hoảng”

Gần năm tháng đã trôi qua kể từ khi có Quyết định 443 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đến thời điểm hiện nay, số vốn được giải ngân mới khoảng 35.000 tỉ đồng. Là người viết ý tưởng cho gói hỗ trợ vay dài hạn, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thật sự lo lắng vì các doanh nghiệp chưa “hiểu” hết ý đồ chính sách.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp hiện vẫn chưa chuẩn bị rõ ràng để thực hiện tái cấu trúc hay tận dụng thời cơ trong khủng hoảng.

Theo ông, liệu có phải các doanh nghiệp không mặn mà với chương trình cho vay trung và dài hạn này không?

Tôi nghĩ, không phải là chuyện các đơn vị, doanh nghiệp không mặn mà; vấn đề là họ chưa thực sự nhạy bén với cơ hội.

Thực ra, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp vấn đề trong việc xử lý các đề án, kế hoạch kinh doanh mang tính dài hạn. Thật ra, gói hỗ trợ lãi suất cho các dự án trung và dài hạn mới là chìa khóa để doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay một cách bền vững. Cái ưu việt của chương trình hỗ trợ của Chính phủ là ở chương trình này, trong khi đó, nhìn vào con số giải ngân của gói hỗ trợ có thời hạn hai năm thì thấy rõ các doanh nghiệp chỉ tập trung “lao vào” gói ngắn hạn.

Điều đó, theo tôi, cho thấy ít có doanh nghiệp chuẩn bị được một kế hoạch chi tiết về cải tiến công nghệ, giảm chi phí và tái cấu trúc lại để tận dụng cơ hội từ khủng hoảng như các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan đã làm trước đây.

Nghĩa là, khi chúng ta nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ lãi suất có thời hạn hai năm, mục đích là hướng các doanh nghiệp đến việc cải tiến công nghệ, giảm chi phí và tái cấu trúc?

- Đúng thế. Khi đưa ra chương trình này, các đề xuất đã lập luận rất chặt chẽ, đó là hướng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong khủng hoảng để thực hiện tái cấu trúc, tận dụng công nghệ đang có xu hướng “rẻ hóa” khoảng vài chục phần trăm và thậm chí là các nhà cung cấp có xu hướng sẽ bán chịu từ 4-5 năm sau mới thanh toán tiền... để đầu tư mới, hiện đại hóa công nghệ, chuẩn bị tốt nhất cho thời kỳ phục hồi.

Vậy theo ông, ngoài việc các doanh nghiệp còn chậm trễ, phải chăng các bộ, ngành cũng thiếu nhạy bén?

- Khi xây dựng gói hỗ trợ này, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ vấn đề này. Thế nhưng, một số cơ quan, đơn vị khoa học thực sự thiếu nhạy cảm, thậm chí là chưa động chạm đến vấn đề này. Chỉ có một vài cơ quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chẳng hạn đã “bắt” được ý tưởng này và “làm” một gói hỗ trợ riêng cho nông nghiệp, trong đó hỗ trợ lãi suất 100% khi vay để mua sắm thiết bị, vật tư nông nghiệp.

Theo tôi, các ngành thông tin, khoa học, giáo dục, y tế... cũng cần nghiên cứu để nhân đây “làm” luôn một gói công nghệ xanh, công nghệ sạch và công nghệ thông tin. Ví dụ như y tế điện tử, giáo dục điện tử, quản lý điện tử... hay những đơn vị nào mang vào công nghệ xanh, công nghệ sạch... chúng ta có thể tài trợ 100% lãi suất.

Ở Việt Nam, theo tôi, các viện nghiên cứu là khối đơn vị cần tiên phong thực hiện việc này. Chính các viện nghiên cứu, các trung tâm chuyển giao công nghệ... nên tranh thủ lúc giá rẻ để nhập máy móc hiện đại, đồng bộ và nói rõ là mua của nhà cung cấp nào... Bây giờ chúng ta có thể phải bỏ ra một vài tỉ đô la thôi, nhưng vài năm sau, với chi phí đó, chắc chắn chúng ta không thể mua được nữa.

Cần nhớ rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng rất tốt thời cơ này. Như tôi được biết, họ đã tranh thủ mua mỏ, công nghệ kiểm dịch bệnh tật, kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, trang bị lại hệ thống phòng thí nghiệm với giá rất thấp. Đúng là chỉ có thời điểm hiện nay mới thấp như thế được và chỉ có khủng hoảng mới có được cơ hội này.

Có nhiều thông tin cho biết kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi. Vậy theo ông, liệu ngưỡng thấp nhất của giá cả thế giới đã đi qua và cơ hội có còn cho các doanh nghiệp?

- Tôi có thể khẳng định chúng ta vẫn còn nguyên cơ hội bởi, theo tôi, mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng đến khi giá cả phục hồi hoàn toàn thì ít nhất cũng phải mất ba năm, nếu không phải bốn năm. Thậm chí, mới đây, Ngân hàng Thế giới còn dự báo rằng, giá cả nhìn chung của năm 2010 còn thấp hơn cả năm 2009 và thực ra tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa hết khó khăn.

Vì vậy, hiện nay giá máy móc còn rất rẻ nhưng các doanh nghiệp vẫn không đoái hoài đến. Các doanh nghiệp cần phải nắm lấy cơ hội này.

Nhưng thời gian qua, nhập siêu của Việt Nam tăng cao, ông có cho rằng đây cũng là một sức ép?

- Nhập siêu vừa qua đúng là có tăng, tuy nhiên, chủ yếu là tăng ở hàng tiêu dùng (9%), còn nhập máy móc thiết bị giảm 34%. Nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm không tốt chút nào cho tăng trưởng. Quí 1-2009, Việt Nam thặng dư thương mại, đó là thặng dư do suy thoái chứ đây không phải là dấu hiệu tốt.

Qua đó có thể rút ra kinh nghiệm là với gói kích cầu của Chính phủ, nếu kiểm soát nhập khẩu không cẩn thận thì có thể trở thành kích cầu cho hàng tiêu dùng nhập khẩu. Trong khi đó, chúng ta lại chưa tận dụng được cơ hội trong khủng hoảng để cải tiến công nghệ. Đây thật sự là điều mà chúng ta nên suy nghĩ.

Vậy theo ông, việc chậm giải ngân hỗ trợ lãi suất cho gói vay trung và dài hạn là do thủ tục vay vốn rắc rối hay do việc thông tin về gói hỗ trợ này chưa tốt?

- Cũng có thể là các doanh nghiệp chưa hiểu hết. Nhưng theo tôi, những hạn chế về nhân lực, về tầm nhìn công nghệ của các doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ này. Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng có những khó khăn của họ, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tìm một người có chuyên môn và đủ trình độ tiếng Anh để vào mạng tìm mua máy móc công nghệ cũng khó. Trong khi đó, các tổ chức tư vấn của Việt Nam có thể hỗ trợ được việc này cho doanh nghiệp cũng rất ít.

Còn về thủ tục thì sao, liệu có khó vay hơn gói thứ nhất?

- Nó cũng thế cả, điều kiện chẳng có gì thay đổi. Tất nhiên, cũng có vấn đề là ngân hàng có đủ trình độ thẩm định dự án đầu tư chiều sâu như vậy cho doanh nghiệp hay không. Cũng có thể một phần nào đó do thủ tục khiến người ta ngần ngại.

Nguyễn Thanh Tịnh

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Nhật sẽ viện trợ mức ODA lịch sử cho Việt Nam (27/08/2009)

>   Nhập siêu đang gia tăng sức ép (27/08/2009)

>   Sản xuất CN tháng 8 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước (27/08/2009)

>   Nghị định quản lý tập đoàn KT : Cần được xem xét cẩn thận hơn (27/08/2009)

>   Liệu có thể lắp ghép để thành tập đoàn? (27/08/2009)

>   Đồ gỗ xuất khẩu có thể đạt kim ngạch 3 tỷ USD (27/08/2009)

>   Chính sách cho LĐ làm việc tại Lào: Quá nhiều bất cập (27/08/2009)

>   Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Đức giảm nhẹ (27/08/2009)

>   Xuất khẩu thủy sản khô tăng cả lượng và kim ngạch (27/08/2009)

>   KĐT mới Thủ Thiêm: Vì sao chậm thực hiện chính sách hỗ trợ ? (27/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật