Thứ Năm, 27/08/2009 13:34

Thêm một rào cản từ EU

Quy định IUU là bộ quy tắc về các hoạt động đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định, được EU áp dụng từ ngày 1/1/2010 khiến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đứng trước những trở ngại không nhỏ.

Phóng viên VOVNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

Thưa ông, quy định IUU(Illegal, Unreported and Unregulated fishing) tác động tới các doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu thủy sản nước ta như thế nào?

Quy định số 1005/2008 ngày 29/9/2008 của Hội đồng Liên minh châu Âu là một tài liệu gồm nhiều thông tin liên quan đến lô hàng từ tên tàu khai thác, tên chủ tàu, phương tiện đánh bắt, vùng biển khai thác, loại sản phẩm và trọng lượng, giấy khai báo chuyển hàng trên biển, trong khu vực cảng, tàu tiếp nhận hoặc đơn vị tiếp nhận trong cảng... Nếu thiếu các thông tin trên, các lô hàng sẽ không được phép xuất vào thị trường EU.

Đây sẽ là khó khăn lớn đối với các DN chế biến xuất khẩu sản phẩm từ khai thác. Trước hết, DN phải phân loại ngay từ đầu những lô hàng nào có đầy đủ giấy chứng nhận, những lô hàng nào không đạt yêu cầu của EU để quyết định việc mua nguyên liệu chế biến xuất khẩu đi EU. Để xuất khẩu vào EU, DN không thể sử dụng các lô hàng hải sản không rõ nguồn gốc, không có đầy đủ chứng từ. Đây sẽ là trở ngại lớn cho các DN trong bối cảnh khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu thủy sản luôn là vấn đề “nóng”. DN sẽ cần đội ngũ cán bộ chuyên trách về vấn đề này và từng bước cần tiếp cận trực tiếp ngư dân để thu mua nguyên liệu, nếu qua nhiều khâu trung gian, việc đảm bảo hồ sơ đầy đủ, theo hệ thống có thể sẽ khó khăn.

Với số lượng rất lớn thông tin cần cung cấp khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản, rất dễ xảy ra rủi ro (thiếu thông tin), có thể ảnh hưởng đến toàn bộ lô hàng. Việc thực hiện quy định chắc chắn sẽ làm nâng giá thành sản phẩm làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Khả năng thực hiện quy định IUU ở Việt Nam được đánh giá thế nào, thưa ông?

Phải nói rằng khả năng thực hiện quy định này ở Việt Nam hiện nay là rất khó. Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một quốc gia có nghề cá quy mô nhỏ (131.000 tàu), lực lượng quản lý mỏng, năng lực thống kê và dự báo trong nghề cá còn yếu, DN Việt Nam lại thu mua nguyên liệu qua hệ thống trung gian (nậu vựa) vì thế rất khó để thực hiện ghi chép nguồn gốc xuất xứ đầy đủ.

Thực tế, khi đưa ra quy định này, UE chưa tính hết khó khăn, thách thức đối với những nước có nghề cá quy mô nhỏ như Việt Nam, đối với các nước quy mô lớn thì thực hiện quy định này rất đơn giản. Các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan cũng rất lo lắng với quy định này (mặc dù nghề cá của họ hơn hẳn nước ta). Với các nước phát triển thì việc thực hiện quy định này đơn giản hơn.

Vậy chúng ta có thể đưa ra yêu cầu điều chỉnh đối với EU không, thưa ông?

Thương vụ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á tại Bỉ và EU khi làm việc với các cơ quan thẩm quyền EU đã đề nghị lùi thời hạn áp dụng quy định IUU. Tại Hội thảo khu vực về việc phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ việc đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Ủy ban Châu Âu tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh (14-15/4/2009), các đại biểu từ nhiều nước cũng đề nghị EU xem xét việc lùi thời hạn áp dụng quy định nhưng đến nay EU rất cương quyết, không chấp nhận sự điều chỉnh nào.

Tuy nhiên, “thương trường là chiến trường”, muốn xuất khẩu được hàng hóa thì phải thỏa mãn điều kiện mà đối tác yêu cầu, phải đặt mốc thời gian để phấn đấu, có thể không được 100% theo yêu cầu nhưng vẫn phải đạt được mức nào đó. Trước mắt, với những lô hàng không có đủ giấy tờ thì vẫn có thể tạm thời xuất khẩu tới các thị trường khác, không nhất thiết phải là EU. Nhưng về lâu dài, quy định của EU vẫn sẽ là rào cản tới hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Mức độ ảnh hưởng đó phụ thuộc nhiều vào vai trò quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.

Chúng ta phải có quy định chặt chẽ hơn (trách nhiệm của thuyền trưởng, của DN khi mua sản phẩm phải kiểm tra ra sao…) đi kèm theo các chế tài xử lý. Cơ quan nhà nước thẩm quyền là Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các Chi cục tại địa phương phải có hướng dẫn, tập huấn cho DN, cho ngư dân về việc thực hiện quy định IUU. Mới đây, Bộ trưởng cũng đã có quyết định thành lập Tổ công tác chuyên trách về nhiệm vụ này.

PV: Xin cám ơn ông!./.

Văn Dũng

VOV

Các tin tức khác

>   “Chúng ta đang bỏ phí cơ hội từ khủng hoảng” (27/08/2009)

>   Nhật sẽ viện trợ mức ODA lịch sử cho Việt Nam (27/08/2009)

>   Nhập siêu đang gia tăng sức ép (27/08/2009)

>   Sản xuất CN tháng 8 tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước (27/08/2009)

>   Nghị định quản lý tập đoàn KT : Cần được xem xét cẩn thận hơn (27/08/2009)

>   Liệu có thể lắp ghép để thành tập đoàn? (27/08/2009)

>   Đồ gỗ xuất khẩu có thể đạt kim ngạch 3 tỷ USD (27/08/2009)

>   Chính sách cho LĐ làm việc tại Lào: Quá nhiều bất cập (27/08/2009)

>   Xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Đức giảm nhẹ (27/08/2009)

>   Xuất khẩu thủy sản khô tăng cả lượng và kim ngạch (27/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật