Chủ Nhật, 30/08/2009 15:23

Muốn “tắm ao ta” xem ra không dễ!

Vào tháng 8-2009, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị đồng ý triển khai từ trung ương đến địa phương. Chủ trương đã có, vấn đề đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động đạt được những hiệu quả thiết thực. Bài viết sau đây của tác giả Quế Viên đã góp một số ý kiến cho cuộc vận động này.

Nhiều người cho rằng người mình có khuynh hướng chuộng hàng ngoại, nhưng điều này có lẽ không chính xác. Thời Pháp thuộc hầu hết hàng tiêu dùng đều là ngoại nhập nhưng vẫn có những mặt hàng như xà bông “Cô Ba” được ưa chuộng từ thành thị tới thôn quê miền Nam.

Thập niên 1960, 1970, có những thương hiệu dù nay không còn vì nhiều lý do nhưng vẫn được người tiêu dùng nhớ tới như những điển hình về chất lượng: gạch bông Đời Tân, Thanh Danh, tơ lụa Hồng Hoa, sơn mài Thành Lễ… và hiện thời vẫn có nhiều thương hiệu Việt được người tiêu dùng tin cậy và ủng hộ, do vậy không thể đơn giản nói rằng hàng ngoại nhập “lấn sân” vì người tiêu dùng chuộng ngoại.

Hàng Việt thua, do đâu?

Hơn mười năm trước, báoSài Gòn Tiếp thị đã có sáng kiến tổ chức cuộc bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, góp phần tích cực vào việc quảng bá các thương hiệu Việt và củng cố lòng tin của người tiêu dùng vào hàng nội. Đáng tiếc là sáng kiến này dường như không có được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cơ quan chức năng để được phát triển sâu rộng trên cả nước và tiến ra các thị trường nước ngoài.

Đối với người Việt ở nước ngoài, nhất là ở châu Âu, thì không có gì buồn bằng khi nấu ăn ta mà gạo, nước mắm, bánh phở… đều là hàng Thái. Những mặt hàng Việt, nếu có, thì chất lượng lại không cao nên cứ phải dùng hàng Thái cho xong chuyện. Khi ẩm thực Việt ngày càng được ưa chuộng tại phương Tây thì người vui hơn hết là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thực phẩm phục vụ bếp Việt của Thái Lan, thậm chí các cửa hàng thực phẩm Á tại Đan Mạch đã có bán những hũ vị phở “made in Thailand”!

Trách nhiệm đưa hàng Việt chất lượng cao ra nước ngoài trước tiên thuộc về các hiệp hội vì một cá nhân hay doanh nghiệp khó có thể địch lại các hiệp hội hàng xuất khẩu của người Thái, đó là chưa nói tới những tập đoàn của người Hoa, như Tang Frères tại Paris, đã chi phối hệ thống phân phối hàng thực phẩm Á tại Tây Âu hàng nửa thế kỷ qua.

Ngay tại thị trường nội địa, chúng ta cũng tỏ ra quá chủ quan, thí dụ như mặt hàng may mặc. Với nền kinh tế phát triển mau chóng từ hơn một thập niên qua và dân số nay đã hơn 85 triệu, thị trường Việt Nam đương nhiên là đích nhắm của các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Trung Quốc - người khổng lồ của hàng tiêu dùng.

Cũng khó trách người tiêu dùng là không ủng hộ hàng may mặc trong nước khi có sự chênh lệch quá lớn về giá cả so với hàng Trung Quốc, vấn đề là các cơ quan chức năng và ngành may mặc phải có sự phối hợp thế nào để đối phó với tình trạng này. Với mục đích khuyến khích xuất khẩu, Chính phủ Trung Quốc có những mức thuế hết sức ưu đãi cho các mặt hàng xuất khẩu nên giá hàng may mặc của họ tại nước ngoài nhiều khi còn rẻ hơn trong nước, đó là chưa kể đến chuyện hàng nhập lậu. Hoa văn, mẫu mã của họ cũng phong phú hơn ta vì các nhà thời trang uy tín nhất thế giới đều đặt gia công tại Trung Quốc nên chuyện mô phỏng, bắt chước là quá dễ dàng.

Hơn thế nữa, các nhà tạo mẫu Việt Nam thường quá thiên về mảng biểu diễn để xác định đẳng cấp và phô diễn tài sáng tạo mà lơ là phần ứng dụng, nhất là trang phục đời thường. Việc hàng may mặc thua ngay trên sân nhà trước hàng Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc cũng là điều dễ hiểu.

Trách nhiệm của mỗi người

Điều chúng ta dễ rút ra khi xem phim Hàn Quốc là phim đi trước, hàng theo sau. Những bộ phim Hàn Quốc chiếu liên tục trên các kênh truyền hình Việt Nam từ mấy năm nay là cách quảng cáo tuyệt vời cho hàng hóa của họ, từ xe hơi, trang phục, mỹ phẩm, giày dép, vải vóc… chẳng thiếu thứ gì. Đáng nói là cách lồng quảng cáo của họ rất khéo và hợp lý, không như một số bộ phim truyền hình của ta, vai con nhà nghèo mà lúc nào cũng quần là áo lượt, hoặc nữ diễn viên hở hang quá mức cần thiết khiến người xem thấy bực mình, lắm khi sinh ra ghét lây thương hiệu được quảng cáo trong phim!

Báo chí nhiều khi cũng (vô tình) làm chuyện quảng cáo không công cho hàng ngoại, hoặc cổ xúy cho tâm lý chuộng hàng ngoại, lắm khi chỉ bằng những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt như diễn viên A, B nào đó… chuẩn bị tham gia một bộ phim, phải sang Thái Lan sắm mấy vali quần áo, hay một cô ca sĩ - diễn viên trẻ thích mua sắm ở Bangkok cho đỡ mất công ra vào nhiều cửa hàng…

Sẽ rất nguy hiểm nếu những người trẻ phát sinh tâm lý là dùng hàng ngoại hay hàng hiệu (kể cả hàng nhái) là cách để xác định “đẳng cấp”, mà quên rằng đẳng cấp của một người không chỉ đơn giản là yếu tố vật chất.

Đối với hàng thực phẩm Việt Nam thì bên cạnh một số thương hiệu giữ được uy tín với khách hàng thì vẫn có rất nhiều mặt hàng khiến người tiêu dùng vừa mua, vừa phập phồng. Những chuyện như nước tương “đen”, sữa thiếu đạm, thịt nhập khẩu bị nhiễm khuẩn… đã làm người mua mất lòng tin nơi hàng nội và quay sang hàng ngoại.

Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà sản xuất, sau đó là các cơ quan chức năng. Người Việt Nam đương nhiên là yêu nước nhưng “đồng tiền liền khúc ruột” nên không phải ai cũng sẵn sàng chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách bỏ tiền mua những mặt hàng không đảm bảo chất lượng.

Khi muốn vận động người dân dùng hàng Việt Nam không thể đơn giản là kêu gọi lòng yêu nước kiểu “ta về ta tắm ao ta”, kêu gọi giúp các doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên, tạo công ăn việc làm… mà các doanh nghiệp còn phải tỏ ra xứng đáng với sự ủng hộ ấy và Nhà nước sẵn sàng có những biện pháp hành chính mạnh để trừng phạt những đơn vị làm ăn gian dối, cạnh tranh bất chính, đồng thời tích cực ngăn chặn hàng ngoại nhập hay hàng lậu chất lượng kém…

Những việc cần phải làm kể ra sẽ rất dài nhưng chúng ta đừng quên rằng thành công của hàng tiêu dùng Hàn Quốc trên thế giới hiện nay là do nỗ lực vượt bậc của tất cả người Hàn từ thập niên 1960!

Người Việt Nam, hàng Việt Nam

Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS. Lê Đăng Doanh: Khi đã gia nhập WTO, không thể kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nếu hàng nội không hấp dẫn, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại; giá rẻ chưa đủ mà cần có dịch vụ bảo hành chuyên nghiệp. Nhiều hàng hóa, dịch vụ của ta giá còn cao so với các nước nhưng ít có ý thức giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm giá. Chính vì vậy, cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi cách quản lý, tiếp thị sản phẩm…

Doanh nghiệp cần phải đặt người tiêu dùng đúng trong vai trò “thượng đế” để có chiến lược xây dựng chiến lược, giá cả hợp lý. Chú trọng khâu phân phối, dịch vụ hậu mãi để hàng hóa đến tay người tiêu dùng thuận lợi, bền lâu.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế: Cần coi chính sách phát triển thị trường nội địa là vấn đề căn cơ chứ không phải vì “bí” xuất khẩu mới quay lại. Quay lại chính sân nhà, không thể không có khó khăn do doanh nghiệp Việt Nam chưa có chiến lược phát triển thị trường nội địa hợp lý và phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu.

TS. Nguyễn Minh Phong: Sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam mua hàng Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước thuần túy, dù cao cả, khi với cùng giá cả “xêm xêm” nhau, mà chất lượng hàng nội quá kém, mẫu mã lại đơn điệu và các dịch vụ hậu mãi dường như không có.

Cũng thật khó cưỡng lại sức hấp dẫn riêng đầy “ma mị” của hàng ngoại nhập giá rẻ, dù chất lượng có thấp, nhưng “khuất mắt trông coi” và dù có dùng “cũng chưa chết ngay”, nhất là khi chúng lại có mẫu mã bắt mắt, với nhiều tiện ích gia tăng và tính năng độc đáo, vượt trội, lại được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo từ nhiều tầng nấc và các pha “tuyệt chiêu” marketing chuyên nghiệp, lợi hại.

Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Trương Đình Tuyển: Để thực hiện kích cầu nội địa và bảo vệ sản xuất trong nước, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, thậm chí bắt buộc sử dụng hàng xuất xứ trong nước đối với các dự án chi tiêu công.

Tập đoàn Grey Group (Mỹ):

Tháng 7-2008, Tập đoàn về quảng cáo, tiếp thị và quan hệ công chúng có trụ sở chính tại Mỹ đã thực hiện chương trình tìm hiểu nhu cầu và ước mơ của hàng ngàn người tiêu dùng tại 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, 77% người Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, trong khi con số trung bình trên toàn châu Á là 40%.

Tuy nhiên, cũng như người dân các quốc gia châu Á khác, những người Việt Nam được phỏng vấn đều mong muốn có những thương hiệu từ trong nước và khu vực ngày càng lớn mạnh.

QUẾ VIÊN

Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Các tin tức khác

>   Tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu sang Singapore (30/08/2009)

>   Giá sữa ở Việt Nam: Có cao nhất thế giới? (30/08/2009)

>   Thế giới còn hào hứng đầu tư vào VN nữa là kiều bào... (30/08/2009)

>   Từ những chuyện nhỏ... (30/08/2009)

>   Gia Lai: Chào đón các nhà đầu tư (30/08/2009)

>   Nỗi lo sau giấy phép 3G (30/08/2009)

>   Thị trường nhà, đất chờ... chính sách ! (30/08/2009)

>   Doanh nghiệp đồ gỗ tìm cách liên kết (30/08/2009)

>   Nhìn đâu cũng thấy hàng Trung Quốc! (30/08/2009)

>   Vốn FDI đăng ký nhiều, triển khai nhỏ giọt (30/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật