Thị trường nhà, đất chờ... chính sách !
Dù thị trường nhà, đất hiện chưa khởi sắc nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng về sự phục hồi trong thời gian tới khi nhiều chủ trương, chính sách đã và đang được xem xét thông qua
Trong suốt tháng 8-2009, thị trường giao dịch nhà, đất tại TPHCM gần như tê liệt bởi còn chờ những chính sách liên quan đến thủ tục cấp giấy chủ quyền mới, quy định đăng bộ đối với giấy chủ quyền cấp trước ngày 1-8, ngoài ra còn bị ảnh hưởng do việc siết chặt tín dụng của các ngân hàng... Trong đó, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng cho Việt kiều khi mua nhà tại VN kể từ ngày 1-9.
Giao dịch chờ “bật đèn xanh”
Hiện vấn đề đang được nhiều người quan tâm nhất là việc Chính phủ có “bật đèn xanh” cho phép các cơ quan chức năng được làm thủ tục đăng bộ sang tên cho người sở hữu nhà và sử dụng đất trên các giấy chủ quyền nhà, đất được cấp trước ngày 1-8. Được biết, kể từ khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực quy định phải cấp chung một giấy cho nhà, đất (có hiệu lực từ ngày 1-8), có khá nhiều giao dịch liên quan đến nhà, đất phải buộc tạm dừng để chờ hướng dẫn về cấp giấy chủ quyền mới.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ quận Bình Thạnh) vừa mua nhà ở quận 12, bức xúc: “Tôi đã làm thủ tục công chứng và đóng thuế đầy đủ, thế nhưng hiện quận không làm thủ tục đăng bộ sang tên trên giấy chủ quyền khiến gia đình không thể xin giấy phép xây dựng lại căn nhà”. Ngoài ra, anh Tuấn Anh chất vấn: “Vì sao bạn tôi mới mua nhà ở quận Tân Bình vẫn được làm thủ tục đăng bộ sang tên trên giấy chủ quyền.
Phải chăng từ một chính sách nhưng mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau?”. Trao đổi với ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin đăng ký tài nguyên - môi trường và nhà đất (Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM), cho biết hiện trung tâm cũng như đa phần các quận, huyện vẫn tiếp nhận hồ sơ xin đăng bộ của người dân nhưng thời hạn trả hồ sơ buộc phải “treo” lại chờ hướng dẫn từ Trung ương.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ sau khi UBND TPHCM có văn bản đề nghị Thủ tướng được tiếp tục thực hiện cấp giấy chứng nhận theo các loại mẫu quy định trước ngày 1-8. Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, hiện các trường hợp đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền sẽ dừng lại để chờ cấp theo mẫu giấy mới.
Song song đó, để không làm ảnh hưởng đến nhu cầu giao dịch của người dân, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị cho phép các địa phương chỉ đạo cơ quan tài nguyên - môi trường thực hiện việc xác nhận thay đổi chủ sở hữu, sử dụng (đăng bộ) vào giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 1-8 khi giải quyết các thủ tục đăng ký giao dịch nhà, đất.
Ế vì tháng “cô hồn”, chờ khách Việt kiều
Đó là thực trạng của phần lớn các sàn giao dịch nhà, đất trên địa bàn TPHCM trong những ngày gần đây. Theo các nhân viên môi giới nhà, đất, nguyên nhân người mua thường có tâm lý ngại mua tài sản giá trị lớn trong tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch). Trưởng đại diện tại quận 7 của một công ty bất động sản cho biết vẫn có nhiều người đến tìm hiểu giá nhưng không xúc tiến giao dịch.
Chính vì thế, một doanh nghiệp ở khu Nam TPHCM dù dự kiến sẽ tung ra 300 nền đất tại một vị trí khá đắc địa ở gần cầu Him Lam – Kênh Tẽ cũng đành phải chờ qua hết tháng “cô hồn” mới bắt đầu chào bán, bởi theo quan điểm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”! Nhìn chung, giá đất nền tại TPHCM vẫn im ắng. Riêng giá đất ở khu dân cư tại khu vực xung quanh cầu Phú Mỹ - chuẩn bị thông xe, bên bán đã tăng giá thêm 200.000-300.000 đồng/m 2 so với đầu tháng nhưng gần như không có giao dịch.
Tuy thị trường đang lúc ế ẩm nhưng nhiều nhà môi giới địa ốc vẫn khá tin tưởng sắp tới tình hình sẽ có những chuyển biến khởi sắc hơn, nhất là kể từ ngày 1-9, Việt kiều được sở hữu nhà với số lượng không hạn chế. Theo quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung điều 126 Luật Nhà ở, điều 121 Luật Đất đai có hiệu lực từ 1-9 thì đối tượng Việt kiều được mua nhà trong nước mở rất rộng, như người thuộc diện về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam.
Các đối tượng có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước, được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên cũng có quyền sở hữu nhà ở... Ngoài ra, người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng nêu trên được cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên, có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam...
Mở rộng hết cỡ cho Việt kiều về chính sách nhà ở
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong 8 năm thực hiện việc cho Việt kiều mua nhà thì số lượng mua rất ít so với nhu cầu, chỉ có 140 Việt kiều trong tổng số hơn 3 triệu kiều bào đang sinh sống ở 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mua được nhà. Tuy nhiên, với việc sửa đổi luật lần này sẽ có sự thông thoáng hơn, các quy định được mở rộng hết cỡ cho đối tượng này có cơ hội sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người trong nước. Như vậy, thị trường lại được cung cấp thêm một lượng lớn khách hàng tiềm năng- nhiều chuyên gia địa ốc cùng nhận định.
Hoàng Lan - T.Nguyễn
Người lao động
|