Thứ Bảy, 29/08/2009 15:17

Tiến vào kỷ nguyên công nghệ thông tin

Như Cổng TTĐT Chính phủ đã đưa tin, Diễn đàn Công nghệ thông tin thế giới WITFOR 2009, lần đầu tiên được tổ chức ở một nước châu Á là Việt Nam, diễn ra từ 26-28/8. Hơn 1.500 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT), các chuyên gia trong ngành đến từ hơn 70 nước trên thế giới đã tham dự.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi thông điệp hết sức rõ ràng đến với những người làm công nghệ thông tin (CNTT) ở trong nước và trên thế giới: “Hiện nay chúng tôi đang xây dựng Chiến lược tăng tốc để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế-xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao…".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Tại Diễn đàn này, chúng tôi muốn chuyển đến các vị đại biểu thông điệp Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, xây dựng triển khai, khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và tạo ra một thị trường CNTT năng động. DN CNTT Việt Nam là những đối tác tin cậy, mong muốn hợp tác với nước ngoài trong các dự án kinh doanh, ứng dụng CNTT”.

Khởi động CNTT  Việt Nam

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), hiện tổng nhân lực làm CNTT của Việt Nam khoảng 250.000 người (trong đó có khoảng 50.000 người trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số). Còn theo Hội Tin học TP HCM (HCA), hiện 390 trường trong cả nước có những chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực CNTT, tăng 43 trường so với năm trước. Trong đó, tổng số lượng tuyển sinh đào tạo năm nay là hơn 50.000 . So với năm 2007 con số này tăng hơn 11.000 sinh viên. Số lượng sinh viên CNTT ra trường hàng năm ngày càng tăng lên sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT trên thị trường.

Doanh thu năm 2008 của ngành CNTT đạt hơn 4 tỷ USD, với  tốc độ tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2007, trong đó riêng lĩnh vực phần mềm đạt khoảng hơn 660 triệu USD, nội dung số khoảng 270 triệu USD, công nghiệp phần cứng hơn 700 triệu USD, điện tử viễn thông khoảng 3 tỷ USD. Nếu tính cả truyền thông thì năm 2008, doanh thu của ngành CNTT và truyền thông đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng Internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức độ cao.

Từ năm 2007, Việt Nam đã lọt vào Top 30 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm. Về tốc độ phát triển Internet, Việt Nam hiện đứng thứ 18 thế giới, thứ 6 châu Á với số lượng 21 triệu người sử dụng Internet.

Tuy nhiên,  trên thực tế, số sinh viên ra trường được tuyển dụng có thể làm việc được ngay lại rất ít. Đa số các DN sau khi tuyển dụng đều phải đào tạo lại. Cũng theo khảo sát của HCA đối với 80 DN CNTT - TT, trong 6.330 người có trình độ từ trung cấp đến cao học đều nằm ở mức trung bình và khá. Về khả năng am hiểu công nghệ và kỹ năng chuyên môn, chỉ có 28% đạt yêu cầu đặt ra của DN, 72% phải đào tạo lại mới có thể theo kịp các dự án đang triển khai. Còn theo các DN  tuyển dụng, sinh viên ra trường còn thiếu nhiều về kỹ năng giao tiếp, tác phong làm việc không chuyên nghiệp và trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Khả năng làm việc theo nhóm cũng tương tự với 64% nguồn lực không thể hòa nhập ngay vào những module và cần có thời gian mới có thể làm việc tập thể. 71% chưa thích ứng với sự thay đổi công nghệ, 90% nhân sự có trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Chính những hạn chế đó đã làm cho các nhân viên CNTT nước ta chỉ bộc lộ được khoảng 60% năng lực thực sự của mình và là rào cản lớn trong việc tuyển dụng vào DN.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Vinasa cho rằng, ngay cả nguồn nhân lực hiện có, chất lượng đào tạo, chuyên môn về công nghệ thông tin còn kém về phần mềm và ngoại ngữ. Đặc biệt là đào tạo trong các trường cao đẳng chưa theo chuẩn quốc tế. Thực tế hiện nay, chỉ có khoảng 10-15% sinh viên CNTT ra trường đọc được tiếng Anh, còn lại phải đạo tạo lại hoặc làm việc khác.

Một trong những điểm yếu lớn của lao động theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phần mềm Việt quốc tế (Vietsofware International) là khả năng làm việc theo nhóm, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ để giao tiếp trực tiếp với đối tác nước ngoài thì còn rất hạn chế. "Khắc phục điểm yếu lớn nhất về kỹ năng ngoại ngữ và giao tiếp thì chắc chắn mức độ hội nhập của ngành kinh tế CNTT của Việt Nam và thị trường quốc tế sẽ tăng rất nhiều”, ông Tùng khẳng định.

Tăng tốc đến những mục tiêu lớn

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo đủ nhân lực CNTT phục vụ cho công cuộc xây dựng kinh tế tri thức và xã hội thông tin, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó đáp ứng định hướng phát triển đến năm 2020 xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ phẩm chất, năng lực; không ngừng nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng các ứng dụng và dịch vụ CNTT cho toàn xã hội; nâng cao chất lượng và tăng số lượng giảng viên, giáo viên CNTT ở các cấp đồng thời tăng cường đào tạo bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông.

Kế hoạch cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng và triển khai các nhiệm vụ thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Ông Lê Xuân Bình, Cục phó Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đây sẽ là cơ sở để tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam trong tương lai gần.Vì một trong những mục tiêu lớn của chương trình là sẽ đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế, 100% học sinh trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng về công nghệ thông tin. Trong đó, đến năm 2010, 100% sinh viên đại học, cao đẳng, học sinh trung học phổ thông, 50% học sinh trung học cơ sở và 20% học sinh tiểu học được học tin học và đến năm 2015 đạt 100% đối với học sinh trung học cơ sở, 80% học sinh tiểu học được học tin học.

Với những kế hoạch, chỉ tiêu trên, mục tiêu quan trọng trong 10- 15 năm tới là Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đào tạo cung cấp nguồn nhân lực CNTT quốc tế.

Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, vấn đề phải xác định và làm ngay là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và trong quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở dạy nghề, nâng cao chất lượng và tăng nhanh về số lượng.

Vũ Trọng

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Cụm CN Bắc thị trấn Vân Đình (29/08/2009)

>   Nguy cơ hỗn loạn kiểm nghiệm chất lượng sữa (29/08/2009)

>   Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn giới đầu tư (29/08/2009)

>   Chiến lược cho hàng Việt Nam (29/08/2009)

>   Bài 1: Còn nhiều trăn trở (29/08/2009)

>   Chính phủ cho phép xuất khẩu 500.000 tấn quặng sắt (29/08/2009)

>   Ngày hội Golf mừng 4 năm ra mắt Tạp chí Golf & Cuộc sống (29/08/2009)

>   Giày VN bị áp thuế phá giá ở Canada (29/08/2009)

>   Gần 3 tỉ đô la Mỹ được cam kết đầu tư vào Cần Thơ (29/08/2009)

>   Thủ tục thông quan hàng hóa XNK: Hải quan cũng than khổ (29/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật